Nhiều ngành khoa học cơ bản vốn khó tuyển, nay lo “teo tóp” khi học phí tăng

21/06/2022 06:44
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm thế nào để vẫn duy trì đào tạo các ngành khó tuyển khi triển khai tự chủ, học phí tăng là câu hỏi lớn đối với các trường đại học.

Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Mức học phí của nhiều đại học dự kiến tăng cao so với năm học trước, đặc biệt là các đơn vị tự chủ.

Mức độ tăng mạnh học phí cũng khiến các trường đào tạo những ngành khoa học cơ bản, đặc thù đau đầu trong việc làm thế nào để tuyển sinh và phương án để hỗ trợ người học.

Nhiều ngành học đứng trước nguy cơ khó tuyển vì học phí tăng cao

Từ năm 2022, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng mức học phí mới theo cơ chế tự chủ. Học phí nhóm ngành Khoa học xã hội tăng 16-20 triệu đồng/sinh viên/năm học, còn nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch là 21-24 triệu đồng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trường bắt đầu thực hiện đề án tự chủ đại học vào năm 2022.

Trong đó, một trong những vấn đề khó khăn trường gặp phải khi triển khai đề án này là tuyển sinh các ngành Nhân học, Triết học, Công tác xã hội, Tôn giáo học, Ngôn ngữ Ý, Ngôn ngữ Tây Ban Nha…rất khó tuyển khi học phí tăng.

Trong chiến lược phát triển của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh luôn cố gắng củng cố và nâng chất lượng các ngành khoa học cơ bản truyền thống để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên.

Ảnh minh hoạ: Phương Linh

Ảnh minh hoạ: Phương Linh

Tuy vậy, thầy Hạ cho biết, theo số liệu thống kê trong 3 năm gần đây của trường, số lượng người học đăng ký vào những ngành này không nhiều, tỉ lệ chỉ chiếm 1/5 so với chỉ tiêu. Đây là các ngành đào tạo mang tính chất định hướng xã hội nhưng thực sự nhu cầu người học chưa cao.

“Vậy làm thế nào để thu hút được người học các ngành này, làm thế nào để vẫn duy trì đào tạo các ngành này khi thực hiện tự chủ là câu hỏi lớn được đặt ra. Chúng tôi cũng đang tiến hành nhiều giải pháp khác nhau nhưng thực sự cần có giải pháp lớn cho hướng phát triển lâu dài”,Tiến sĩ Hạ nói.

Trong khi đó, từ năm học 2022-2023, học phí các ngành của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng mạnh so với trước đó. Theo công bố, học phí được chia thành nhiều mức theo ngành, chương trình đào tạo khác nhau.

Mức thấp nhất là 21,5 triệu đồng/năm chủ yếu áp dụng cho các ngành khó tuyển thuộc hệ đại trà như: ngành Quản lý tài nguyên và môi trường; Kỹ thuật địa chất; Kỹ thuật hạt nhân; Công nghệ kỹ thuật môi trường; Khoa học môi trường; Hải dương học; Địa chất học; Vật lý học. Còn các ngành còn lại ở hệ đại trà thu học phí là 27 triệu đồng/năm.

Như vậy nếu so học phí hệ đại trà năm học 2021-2022, là 11,7 triệu đồng/năm thì trong năm nay tăng gấp đôi. Một số ngành khoa học cơ bản vốn ít người chọn học như Địa chất học, Hải dương học…sẽ có nguy cơ khó tuyển hơn nữa.

Cần sửa đổi chính sách vay vốn cho sinh viên

Theo Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, hiện tại để hỗ trợ người học khi học phí tăng thì nhà trường thực hiện nhiều biện pháp. Nhà trường trích từ quỹ học bổng gần 20 tỷ đồng để hỗ trợ cho sinh viên khó khăn. Bên cạnh đó, nhà trường kết hợp thông qua kênh học bổng từ doanh nghiệp để thực hiện phương châm “không ai phải bỏ học” do không đủ tiền đóng học phí.

Mặc dù, hiện nay kinh phí của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hỗ trợ cho các ngành khó tuyển theo mức chênh lệch với học phí trước khi nhà trường được tự chủ. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, khoảng nhiều 70% sinh viên của trường đến từ vùng nông thôn.

Vì vậy, khi chuyển sang tự chủ thì tài chính là vấn đề khó khăn. Vị phó hiệu trưởng của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn trong vay vốn dài hạn với sinh viên và có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ kinh phí để khuyến khích sinh viên lựa chọn ngành học khó tuyển.

Cũng liên quan đến thực hiện tự chủ, Tiến sĩ Hạ cho biết trong giai đoạn năm 2022 nhà trường vẫn phải đảm bảo trang bị cho cơ sở vật chất và hỗ trợ nhân sự để duy trì ổn định dù không còn được cấp ngân sách nhà nước. “Hi vọng hai năm đầu tự chủ vận hành trơn tru, những năm về sau nhà trường tập trung đầu tư cho sinh viên nhiều hơn”, ông Hạ nói.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, cùng với điều chỉnh học phí, nhà trường có quỹ học bổng khuyến khích học tập khoảng 26 tỉ đồng và các chương trình học bổng, tài trợ bên ngoài để hỗ trợ sinh viên. Riêng với các ngành khoa học cơ bản, trường có chính sách khen thưởng sinh viên đầu vào từ khoá tuyển sinh 2022.

"Ngoài chương trình vay tín dụng lãi suất 0% từ Quỹ phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trường đang làm việc với các ngân hàng để mở rộng phạm vi vay tín dụng cho sinh viên”, Thạc sĩ Trần Vũ cho hay.

Nói về vấn đề hỗ trợ sinh viên trong lộ trình tăng học phí, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi chính sách vay vốn cho sinh viên theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên. Bên cạnh đó, cho phép sinh viên được vay với định mức cao hơn, thời gian vay được kéo dài hơn, đảm bảo người học có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí.

Lê Phương