Nhiều hiệu trưởng tán thành việc đánh giá học sinh kết hợp điểm số và nhận xét

23/05/2020 06:45
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng: “Nhận xét học sinh là một "nghệ thuật", giáo viên phải có tâm và có tầm”.  

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố với nhiều điểm mới.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo thông tư này là sẽ kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số với hầu hết các môn học thay vì có môn chỉ cho điểm, có môn chỉ đánh giá bằng nhận xét như hiện nay.

Cụ thể, nếu Thông tư 58 quy định chỉ đánh giá bằng nhận xét kết quả học tập đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; kết hợp giữa đánh giá bằng cho điểm và nhận xét kết quả học tập đối với môn Giáo dục công dân; đánh giá bằng cho điểm đối với các môn học còn lại thì dự thảo thông tư Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố thay bằng "kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số đối với các môn học còn lại".

Đối với các môn học kết hợp giữa đánh giá bằng nhận xét và điểm số, dự thảo quy định nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi, kết quả học tập môn học sau mỗi học kỳ, cả năm học.

Đối với hình thức kiểm tra đánh giá bằng hỏi - đáp, giáo viên phải nhận xét, góp ý kết quả trả lời của học sinh trước lớp, nếu quyết định cho điểm hoặc ghi nhận xét (đối với các môn đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh thì phải thực hiện ngay sau đó.

Như vậy có nghĩa là bằng thay đổi này thì tất cả các môn học sẽ được bổ sung đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ cho điểm như trước kia.

Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng, hiện tại, các trường đang thực hiện đánh giá học sinh theo Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Các môn học được đánh giá bằng điểm (thang 10 điểm), riêng các môn Âm nhạc, Mỹ thuật và Thể dục đánh giá "bằng chữ" Đạt (Đ) hoặc không đạt (KĐ).

Đặc biệt, môn Giáo dục công dân ngoài đánh giá bằng điểm còn yêu cầu nhận xét bằng lời. Nhưng thực tế, cũng như những môn khác, giáo viên không có nhận xét gì, để trống chỗ này trong học bạ.

Đối với Hà Nội, 4 năm nay sử dụng Sổ điểm và Học bạ điện tử với nhiều ưu điểm so với sổ viết tay như trước đây: quản lý điểm chặt chẽ hơn (hạn chế sửa điểm tuỳ tiện); giáo viên đỡ được nhiều việc thủ công...

Thầy Nguyễn Xuân Khang (Ảnh: Thùy Linh)

Thầy Nguyễn Xuân Khang (Ảnh: Thùy Linh)

Dự thảo Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, có điểm mới mà nhiều người quan tâm đó là hầu hết các môn đều có việc đánh giá bằng điểm số và bằng nhận xét, tương tự môn Giáo dục công dân hiện hành.

Theo thầy Khang, về ý nghĩa giáo dục và tính sư phạm đối với việc đánh giá học sinh kết hợp điểm số (định lượng) và nhận xét (định tính) là rất nên làm, là chủ trương đúng và rất tích cực. Tuy nhiên, có làm được, làm chu đáo được hay không lại là điều cần bàn kỹ.

Bởi lẽ, thầy Khang nhận thấy, ở những nước phát triển, lớp học trên dưới 20 học sinh. Giáo viên chỉ dạy vài ba lớp, chỉ tập trung vào chuyên môn, hầu như không có những sự vụ rườm rà khác.

Vì thế giáo viên "nắm" học sinh rất kỹ. Họ thường có những nhận xét rất sâu sắc về học sinh, nêu được đặc điểm của từng em, giúp cho học sinh biết phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của mình.

Trong khi Việt Nam, lớp học 30 - 40 học sinh, thậm chí nhiều hơn nữa. Giáo viên để đạt 20 tiết/tuần phải dạy ít nhất 4 lớp, nhiều nhất... 20 lớp.

Ngoài công việc chuyên môn giáo viên còn phải làm nhiều việc khác nữa. Vì vậy rất khó nhận xét chu đáo từng học sinh như mong muốn.

Hơn nữa, thực tế hiện nay, tuy có yêu cầu môn Giáo dục công dân ngoài đánh giá bằng điểm số còn phải nhận xét học sinh, nhưng hầu hết giáo viên bỏ ngỏ phần nhận xét.

“Tôi e rằng, thời gian tới các môn khác cũng yêu cầu đánh giá học sinh bằng điểm số và bằng nhận xét lại rơi vào tình trạng đó. Tuy nhiên, cứ sửa đổi, bổ sung quy chế trước, đến khi nào hoặc nơi nào thực hiện được thì càng tốt”, thầy Khang nói.

Chính vì vậy, Hiệu trưởng trường Marie Curie cho rằng: “Nhận xét học sinh là một "nghệ thuật", giáo viên phải có tâm và có tầm.

Bởi tôi đã được đọc nhận xét của giáo viên chủ nhiệm về một học sinh cấp 2, trên báo (bài báo bàn về nhận xét học sinh ở học bạ), như sau:

"Học lực tốt, hạnh kiểm tốt. Lễ phép với thầy cô, chan hoà với bạn bè.

Khuyết điểm: không làm tròn trách nhiệm cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch (bố mẹ sinh con thứ ba)."

Tôi không có bàn luận gì vì ai cũng hiểu”.

Đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, việc đánh giá học sinh kết hợp điểm số và nhận xét rất nên làm tuy nhiên cần có hướng dẫn cụ thể để giáo viên thực hiện, thay đổi quán tính chỉ cho điểm số như hiện nay.

Nhận thấy đây là hướng thay đổi tích cực bởi theo thầy Tùng Lâm, bản chất của việc học là phát triển toàn diện, người học cần được chỉ ra ưu điểm để phát huy, nhược điểm để khắc phục do đó việc nhận xét sẽ giúp học trò nhìn nhận ra thiếu xót của bản thân để sửa đổi bởi lẽ nhiều học sinh điểm ở các bài kiểm tra rất cao nhưng sự sáng tạo trong học tập chưa có, kết nối bạn bè chưa cao…

Thùy Linh