Nhiều cơ sở mầm non tại Hải Phòng rơi vào cảnh "còn đàn chó cũng bán"

10/04/2020 06:22
LÃ TIẾN
(GDVN) - Đóng cửa trường để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều trường mầm non tư thục tại Hải Phòng đang gồng mình để cố “sống sót” qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến các trường học trên cả nước phải đóng cửa từ đầu tháng 2 và có thể kéo dài trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Điều này khiến hàng loạt trường học tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập rơi vào tình cảnh khó khăn, giải thể.

Hàng nghìn giáo viên, nhân viên của các tổ chức này bị thất nghiệp và không có nguồn thu để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Cắn răng trả tiền thuê địa điểm

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, phần lớn các cơ sở mầm non ngoài công lập (mầm non tư thục) tại Hải Phòng đều phải đi thuê mặt bằng. Do yêu cầu mặt bằng rộng để mở trường nên giá thuê khá cao.

Cụ thể, Trường mầm non Minh Phương (quận Lê Chân, Hải Phòng) có 3 cơ sở thì cả 3 cơ sở này đều phải thuê địa điểm.

Trung bình mỗi tháng, chủ trường mất không gần 100 triệu đồng tiền thuê nhà, chi phí điện nước,...

Khác với các mô hình kinh doanh, mặt bằng thuê đối với cơ sở mầm non khó dịch chuyển nên khi có dịch phải đóng cửa thì không thể trả nhà được, nên dù mất tiền thuê để không vẫn phải “cắn răng”.

Nhiều trường mầm non tư thục tại Hải Phòng đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, đang gặp rất nhiều khó khăn (Ảnh: LT)
Nhiều trường mầm non tư thục tại Hải Phòng đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, đang gặp rất nhiều khó khăn (Ảnh: LT) 

Trong khi khối giáo dục công lập khi nghỉ dạy do dịch sẽ có nguồn ngân sách chi trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thì khối ngoài công lập phải tự chủ 100% tài chính, nếu nghỉ kéo dài vì dịch như vậy đồng nghĩa với việc giáo viên phải nghỉ không lương, vì nhà trường không có nguồn thu.

Chưa kể, toàn trường có gần 40 cán bộ, giáo viên, cô nuôi, các chi phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội mỗi tháng mất thêm hơn 20 triệu đồng.

Hiện nay, lãnh đạo Trường mầm non Minh Phương đang làm việc với ngành bảo hiểm xã hội để xem xét giải quyết lương thất nghiệp cho giáo viên.

Mặt khác, tính toán hỗ trợ giáo viên mức lương tối thiểu nhằm động viên,chia sẻ khó khăn, đồng thời “giữ chân”với các giáo viên.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Trường mầm non Kitty (quận Lê Chân, Hải Phòng) có 2 địa điểm thì cả 2 phải đi thuê với giá 70 triệu đồng/tháng.

Với quy mô khoảng 260 cháu phân bổ ở 2 địa điểm, Trường Mầm non Kitty giải quyết việc làm cho 45 cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Khi đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, chủ đầu tư trường vẫn phải đóng bảo hiểm cho 45 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Nhiều phụ huynh sẵn sàng chia sẻ khó khăn với trường tư thục
Nhiều phụ huynh sẵn sàng chia sẻ khó khăn với trường tư thục

Theo chủ đầu tư nhà trường, với quỹ hạn hẹp, nhà trường chỉ cầm cự được khoảng 1-2 tháng, nếu dịch tiếp tục kéo dài thì chúng tôi không biết xoay sở ra sao.

Bà Phạm Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Việt 5 (quận Lê Chân) chia sẻ: “Từ sau khi trường đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, hơn 2 tháng qua, nhà trường phải vay mượn để trả tiền thuê mặt bằng, trả lãi ngân hàng và hỗ trợ một phần lương cho các giáo viên.

Với những diễn biến phức tạp của dịch như hiện nay, chắc chắn các cháu còn nghỉ học trong những tháng tiếp theo, trường dừng hoạt động đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn.

Chúng tôi cũng đã thương lượng với chủ nhà để giảm tiền thuê mặt bằng, song chủ nhà chỉ hứa sẽ giảm, còn giảm bao nhiêu thì chưa biết”.

Lo hết dịch thì mất… giáo viên

Cũng theo bà Ngân, bây giờ tất cả các trường đều trông chờ vào nhà nước thì làm sao mà được, bởi dịch bệnh, thiên tai đưa đến do khách quan chứ không phải nhà nước muốn.

“Ngoài việc chung tay cùng các ngành chức năng phòng chống dịch Covid-19, bản thân tôi chỉ có đề xuất chủ nhà, công ty, đơn vị cho thuê nhà… xem xét giảm chi phí thuê mặt bằng cho các trường đến khi hết dịch.

Cùng với đó, tôi mong muốn các ngân hàng cần có chính sách giản nợ, khoanh nợ hoặc hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, các trường tư thục trước tình hình dịch bệnh.

Nếu được thì đây sẽ là động thái thiết thực góp phần cùng các cơ sở giáo dục vượt qua những khó khăn tại giai đoạn này”, bà Ngân bày tỏ.

Nhiều trường mầm non tư thục tại Hải Phòng có nguy cơ mất giáo viên bởi nhiều giáo viên kiếm việc khác để mưu sinh (Ảnh: LT)
Nhiều trường mầm non tư thục tại Hải Phòng có nguy cơ mất giáo viên bởi nhiều giáo viên kiếm việc khác để mưu sinh (Ảnh: LT)

Theo bà Hoàng Thị Nga, Hiệu trưởng Trường mầm non Minh Phương (quận Lê Chân, Hải Phòng, lo lắng nhất của bà là khi nhà nước công bố hết dịch, nhà trường hoạt động trở lại thì mất giáo viên.

Nguyên do, thu nhập của giáo viên mầm non đã thấp nay lại mất việc dài ngày nên các cô hầu hết đã tìm kiếm công việc khác để mưu sinh.

Nhiều giáo viên đã phải chuyển sang bán hàng online, làm công nhân tại các công ty da giầy…

“Hiện trường chúng tôi đã có 3-4 giáo viên gửi đơn xin bỏ nghề để làm công việc khác”, bà Nga nói.

Còn tại Trường mầm non Sao Việt 5, khi nhà trường tạm dừng hoạt động để chống dịch, hầu hết các cô giáo đều đi kiếm việc làm để trang trải cuộc sống.

Lúc đầu, một số cô giáo nhà trường đi xin làm nhân viên rửa bát tại nhà hàng, sau đó chuyển sang bán hàng online, ship hàng tận nhà cho khách.

“Chúng tôi cũng chưa nhận được phản hồi từ phía giáo viên nhưng cũng không thể hứa trước với các giáo viên điều khi di dịch bệnh chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Chúng tôi hi vọng nhận được sự hỗ trợ từ phía Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, công đoàn thành phố Hải Phòng để giúp các cán bộ, giáo viên những trường mầm non tư thục vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chúng tôi cũng đề nghị nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên trong những tháng xảy ra dịch đối với cơ sở mầm non ngoài công lập.

LÃ TIẾN