Nhiều chuyên gia ủng hộ cơ chế cho học sinh học trước đại học của ĐHQGHN

18/04/2022 06:48
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo nhiều chuyên gia, quy định cho học sinh học trước đại học là một sáng kiến, nhằm thực hiện cá nhân hóa việc học và phát triển năng lực học sinh.

Vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyết định Quy định cơ chế đặc thù trong tuyển sinh và đào tạo liên thông bậc trung học phổ thông và bậc đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, học sinh trung học phổ thông chuyên của đại học này và học sinh trung học phổ thông chuyên trong cả nước từ học kỳ 2 lớp 11 sẽ được đăng ký học tích lũy trước một số học phần thuộc ngành đào tạo đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Điều kiện là học sinh đó phải có kết quả học tập tối thiểu loại Giỏi trở lên ở năm học kỳ học trước và được hiệu trưởng trường trung học phổ thông nơi học sinh đang theo học đồng ý bằng văn bản.

Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng cần hướng đến việc cá nhân hóa việc học tập cho học sinh. (Ảnh: Ngọc Quang)

Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng cần hướng đến việc cá nhân hóa việc học tập cho học sinh. (Ảnh: Ngọc Quang)

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, quy chế cho phép học sinh học trước đại học là một hướng đi đúng của ngành giáo dục. Tuy nhiên, khâu thực hiện triển khai phải đảm bảo thực chất, tránh tình trạng chạy theo xu hướng, học vượt không đi cùng với năng lực.

Thực tế, năng lực học tập của mỗi người là khác nhau, mỗi học sinh nên có kế hoạch học tập của riêng mình. Chúng ta cần hướng đến việc cá nhân hóa việc học tập cho các em. Do đó, việc có sự phân hóa, cho phép những học sinh đủ năng lực học vượt là một hướng đi đúng.

Vấn đề là, nhà trường phải đảm bảo khâu tổ chức thực hiện đúng thực chất, đánh giá đúng năng lực học sinh, tránh xảy ra tình trạng tiêu cực, chạy điểm để học sinh được ưu tiên học vượt.

Chung quan điểm đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, quy định mới của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc cho phép học sinh trường chuyên đăng ký học tích lũy trước một số học phần chương trình đại học có thể coi là một sáng kiến và cần được tạo điều kiện để triển khai.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, quy định cho học sinh học trước đại học là một sáng kiến hay, song cần thực hiện thí điểm trước khi triển khai rộng rãi. (Ảnh: Ngọc Quang)

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, quy định cho học sinh học trước đại học là một sáng kiến hay, song cần thực hiện thí điểm trước khi triển khai rộng rãi. (Ảnh: Ngọc Quang)

“Ngày nay, nhiều học sinh có trí tuệ, năng lực học tập, sáng tạo vượt trội, chính vì vậy, không nên kìm hãm sự phát triển của các em bằng những quy định cứng nhắc.

Không phải đợi đến 18 tuổi học sinh mới được học đại học mà có thể cho các em tiếp cận, học trước một số nội dung, học phần của chương trình đại học nếu các em đủ năng lực.

Tuy nhiên, cũng cần lưu tâm trong khâu thực hiện, tránh vì mục tiêu học vượt mà tạo nên sức ép cho học sinh. Việc học vượt hay không phải phụ thuộc vào năng lực thực sự của mỗi em”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Cần “mở” cơ chế, khuyến khích sáng kiến hay trong giáo dục

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng việc cho phép học sinh trung học phổ thông học trước đại học chưa nên vội vàng triển khai diện rộng mà cần có thí điểm. Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong thì cần tạo điều kiện để cơ sở giáo dục đại học này thực hiện.

Sau một thời gian, cần có những đánh giá tổng kết về kết quả của quy chế này, cụ thể là quy định mới đi vào thực tiễn đạt được lợi ích gì, hiệu quả ra sao, còn bất cập gì không? Nếu có hiệu quả, có nhiều tín hiệu tích cực và có lợi cho người học thì có thể triển khai rộng rãi.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, học sinh học vượt theo đúng năng lực thì cần được khuyến khích. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, học sinh học vượt theo đúng năng lực thì cần được khuyến khích. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đồng tình với quy định cho phép học sinh học trước đại học.

Theo Tiến sĩ Khuyến, ở một số quốc gia phát triển, có học sinh 14 tuổi đã tốt nghiệp đại học. Nếu Việt Nam vẫn giữ quy định không cho học sinh học vượt, học trước đại học là quá khắt khe và không phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới.

Chúng ta hướng đến “dạy học phát triển năng lực”, vậy nên tùy theo năng lực của người học, các em cần được tạo điều kiện học tập để phát triển tối đa năng lực của bản thân.

“Tôi cho rằng, nếu còn những quy định hiện hành đang “cản trở”, không cho phép học sinh được học vượt thì cũng cần phải thay đổi, bởi đó là những quy định đã ‘lỗi thời’.

Chúng ta cần loại bỏ việc học chạy theo thành tích, nhồi nhét kiến thức, học lệch, gian dối trong thi cử nhưng nếu học sinh học vượt theo đúng năng lực thì cần được khuyến khích.

Các nhà quản lý cũng cần có những thay đổi trong cách làm, nên khuyến khích những sáng kiến hay, cách làm mới thì giáo dục mới có những bước tiến phát triển.

Bên cạnh đó, việc học sinh đăng ký học trước ở một trường đại học là tự nguyện và theo định hướng học tập của các em nên quy định này hoàn toàn phù hợp”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay.

Phạm Minh