Nhân viên trường học vất vả thật không?

20/04/2020 06:46
Đăng Bình
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Nói nhân viên trường học làm 8 tiếng trong ngày ư? Đó chỉ là theo quy định trên lý thuyết còn thực tế bên ngoài là hoàn toàn khác.

Bài viết “Kiến nghị xếp ngạch viên chức đối với các nhân viên trường học” của tác giả Bùi Nam đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 18/4 đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả, đặc biệt là những nhân viên trong các trường học hiện nay.

Nhân viên thư viện trường học ở nhiều trường học có quy mô nhỏ hiện vẫn khá nhàn (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)
Nhân viên thư viện trường học ở nhiều trường học có quy mô nhỏ hiện vẫn khá nhàn (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Bài viết đã kiến nghị xếp ngạch viên chức cho các nhân viên trường học nhằm mục đích cải tạo mức lương hiện nay của họ.Lương nhân viên trường học hiện rất thấp.

Với đồng lương còm như thế, họ không đủ trang trải cuộc sống là điều có thật. Vì điều này, không ít nhân viên nhà trường cũng đã xin nghỉ việc.

Thế nhưng, bảo nhân viên trường học vất vả, làm việc cực khổ như tác giả Bùi Nam khẳng định:

Nhân viên trường học hiện nay rất nhiều công việc nặng nhọc, độc hại như nhân viên y tế học đường, nhân viên thư viện, thiết bị hay rất cực khổ giải quyết nhiều vấn đề như kế toán,…

Bên cạnh đó, nhân viên trường học theo quy định phải làm 8 giờ mỗi ngày và không có nghỉ hè như giáo viên nên công việc của họ rất gian nan, cực khổ” lại cần phải xem lại.

Nhân viên trường học vất vả thật không?

Từ thực tế đang diễn ra ở nhiều trường học hiện nay, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, nhân viên trường học không vất vả, nặng nhọc gì, trái lại họ còn khá thong thả về công việc và cả thời gian.

Ví như nhân viên thiết bị

Nhân viên trường học vất vả thật không? ảnh 2
Kiến nghị xếp ngạch viên chức đối với các nhân viên trường học

Công việc của nhân viên thiết bị chủ yếu giữ kho đồ dùng dạy học.

Nhân viên thiết bị bậc trung học do giáo viên dạy theo tiết và có nhiều bộ môn phải sử dụng nhiều đồ dùng dạy học.

Vì thế, trong mỗi buổi học còn có giáo viên này mượn đồ dùng, giáo viên khác trả đồ dùng.

Nhưng thiết bị cấp tiểu học hầu như rất ít có cảnh giáo viên mượn và trả đồ dùng dạy học trong ngày. Điều này vì, bộ đồ dùng dạy học thầy cô giáo chủ nhiệm đã được nhà trường phát về từng lớp ngay đầu năm học.

Thế nên có thiết bị đến trường mở cửa xong là ngồi chơi đến hết giờ đóng cửa ra về.

Còn nhân viên thư viện?

Đầu giờ nhân viên thư viện còn chưa tới, học sinh đi học nhân viên thư viện mới lên mở cửa phòng. Giờ ra chơi, khoảng vài chục em đến thư viện đọc sách. Có nhân viên hướng dẫn học sinh chọn sách, có cô thì mặc kệ chúng muốn đọc gì thì đọc.

Buổi chiều, những công việc như thế vẫn diễn ra một cách lặp lại. Có trường sôi nổi hơn nhân viên thư viện tạo ra thư viện xanh mang sách ra ngoài sân để học sinh đến đọc.

Vài ba tháng tổ chức một buổi giao lưu giới thiệu sách hay phát biểu cảm tưởng về một cuốn sách đã đọc.

Những trường điểm, trường danh tiếng nhân viên thư viện còn thấy hoạt động sôi nổi một chút. Nhưng những trường vùng xa, vùng khó khăn, nhân viên thư viện chỉ luôn trung thành với việc đến mở cửa phòng, về đóng cửa lại là xong.

Nhân viên kế toán thì sao?

Nhân viên trường học vất vả thật không? ảnh 3
Không chịu làm nhân viên thư viện, một nữ giáo viên ở Cà Mau bị thôi việc

Kế toán trường học cũng chẳng có gì vất vả, thu chi tháng nào cũng như tháng ấy, chỉ vất vả khoảng tháng đầu năm khi học sinh nộp tiền.

Công việc làm thường xuyên chỉ là làm lương cho giáo viên lãnh đúng kỳ.

Chẳng thế mà có nhân viên kế toán năng động đã nhận làm chân hợp đồng kiểu thời vụ cho một số trường học chưa kịp tuyển nhân viên hoặc có nhân viên kế toán nghỉ hộ sản.

Nếu công việc ở trường ngập đầu, khổ sở như phản ánh thì liệu họ có thể đảm nhận nổi công việc làm thêm một lúc vài trường hay không?

Thấy nhàn nên nhiều hiệu trưởng phân công kiêm nhiệm thêm

Một số nhân viên trường học đã được hiệu trưởng phân công thêm công việc như làm văn thư để đánh máy văn bản. Văn thư đánh máy ở trường học cũng chẳng có gì nhiều chỉ là một số hiệu trưởng lười thì ỷ việc cho họ làm thôi.

Còn những công việc kiêm nhiệm khác như  thủ quỹ, tạp vụ, nhân viên y tế…Thế nhưng, nhà trường cũng đã trích một phần kinh phí để bồi dưỡng cho họ chứ chẳng phải làm không công.

Ngoài công việc nhàn hạ còn “ăn cắp” nhiều thời gian của nhà nước

Nói nhân viên trường học làm 8 tiếng trong ngày ư? Đó chỉ là trên lý thuyết theo quy định. Trong thực tế, khi học sinh ra về cũng là lúc các nhân viên trường học đóng cửa ra sân, có khi học sinh ra chơi vào học thì nhân viên nhà trường đã đóng cửa về rồi.

Cấp tiểu học , buổi sáng 7 giờ nhân viên đến làm(có trường còn du di 7 giờ 30 phút mới tới), 10 giờ 10 phút đã về. Buổi chiều, 2 giờ tới làm nhưng 4 giờ 30 phút đã về.

Cấp trung học về thời gian nhân viên trường học thực hiện nhiều hơn thế một chút.

Bạn thử cộng xem, một ngày nhân viên trường học họ làm mấy tiếng? Đó là chưa nói, có hiệu trưởng còn cho một tuần nhân viên được nghỉ ở nhà từ 1-2 buổi.

Nói là nhân viên trường học làm việc hành chính nên không được nghỉ hè. Thế nhưng, cứ mỗi một mùa hè, khi học sinh nghỉ học thì nhân viên trường học cũng nghỉ theo.

Có trường cử nhân viên đi trực trường nhưng cũng chỉ lên cho qua rồi về chứ làm gì có chuyện ngồi mà làm việc vì có việc gì mà làm?

Việc nhàn nhưng lương thấp cũng chẳng ai muốn làm. Nhiều nhân viên trường học cho biết với mức lương hiện nay không thể chăm lo cho gia đình.

Nhưng công việc và thời gian làm như thế mà tăng lương thì e chừng không hợp lý. Vậy nên, chúng tôi có những đề xuất:

Gộp việc và tăng lương cho họ.

Cụ thể, nhân viên thư viện sẽ làm luôn công việc thủ quỹ, văn thư và thiết bị trường học.

Nhân viên kế toán cùng lúc sẽ phụ trách theo cụm trường. Có thể chia, trường hạng 1 thì 2 trường một nhân viên kế toán.

Trường hạng 2 và 3 có từ 3-4 trường mới nên bố trí một nhân viên kế toán. Trong thực tế, nói là trường chứ vẫn còn không ít trường số lớp học chỉ hơn một khối (trường mà chỉ có 6,7 lớp) so với một trường lớn.

Việc gộp công việc như thế, nếu nhân viên làm đúng thời gian 8 tiếng hành chính theo quy định chắc chắn sẽ chẳng có gì là quá sức.

Một người làm việc bằng hai đương nhiên mức lương cũng phải được trả xứng đáng (ví như đang nhận 4 triệu đồng/tháng sẽ có ngay 8 triệu đồng).

Và khi đó, nếu có tăng lương cho những nhân viên thì ngân sách nhà nước cũng không bị đội lên. Việc làm này, còn sẽ khuyến khích người lao động nỗ lực và gắn bó lâu dài hơn trong công việc.

Đăng Bình