Nhân lực điều dưỡng đang bị bỏ ngỏ, sinh viên học xong đắt hàng

18/04/2016 07:25
Bài và ảnh Xuân Trung
(GDVN) - Trong khi tiềm năng của ngành điều dưỡng rất lớn (cả trong và ngoài nước) đối với các nước có dân số già, thì hệ thống này ở Việt Nam đang bị bỏ ngỏ.

LTS: Tiếp nối loạt bài “Học để...thất nghiệp”, hôm nay Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Y tế Thái Nguyên.

Đây là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y, dược, điều dưỡng, phục vụ  cho các cơ sở y tế trong cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

TS. Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong quá trình đào tạo nhà trường luôn coi trọng khâu thực hành, với mong muốn làm sao sau khi ra trường người học có thể làm được việc ngay, không mất nhiều thời gian học việc trở lại, điều đó tăng cơ hội có việc làm.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều, có lẽ xuất phát từ phía nhà trường? Ông có nghĩ điều đó đúng?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Sau nhiều năm thì hệ thống đào tạo (công lập và ngoài công lập) được mở ra tương đối nhiều, tất nhiên sự đào tạo lệch nhau rất nhiều, chất lượng cũng khác nhau.

Tôi xin mượn hình ảnh của trường tôi trước. Quan điểm của trường từ trước tới nay chúng tôi vẫn nghĩ nghiệp đào tạo phải mang chất lượng, đó là yếu tố sống còn của nhà trường. 

Tất nhiên học sinh học bây giờ cũng khác ngày xưa, ngày trước cứ phải có bằng đại học, nhưng giờ nghĩ học xong thì phải được làm gì. Xuất phát từ ý nghĩ đó chúng tôi ngoài chương trình đào tạo phải cải tiến thì còn phải chú ý tới chất lượng đầu ra.

Các em ra trường không chỉ đủ trình độ làm việc ở các cơ sở y tế công lập, cơ sở tư nhân trong nước mà còn hướng tới để các em đi hợp tác lao động ở nước ngoài. Đặc biệt phải hội nhập được với Asean trong thời gian tới. 

Từ 2003 trường đã cho các em đi lao động ở Đài Loan, hiện nay lúc nào cũng có khoảng 600-700 em làm việc ở Đài Loan, điều này Bộ Y tế đã khẳng định. Gần nhất là Nhật họ cũng nhận khoảng 50 em sang đó làm việc, trong 50 em này có 2 em thi được chứng chỉ hành nghề tại đây, và được nước bạn đánh giá rất cao.

Khi nước ngoài họ tuyển dụng được người của ta thì tự mình sẽ khẳng định được chất lượng của mình. Nói là thế nhưng tôi vẫn nghĩ nếu không hội nhập được thì chúng ta sẽ lạc hậu.

TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên.
TS. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên. 

Hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi ở Nhật, Đài Loan, Đức, thậm chí ở Việt Nam đến 2020 cũng sẽ bước vào dân số già, lúc đó nguồn nhân lực cho ngành này rất cần.

Hiện nay trong chương trình đào tạo chúng ta đã có thay đổi, không chỉ đào tạo riêng phần của ta mà còn phải lồng ghép nội dung có liên quan tới các nước. Hướng của chúng tôi là cho các em đi xuất khẩu lao động.

Như ông vừa nói thì có phải tình trạng cử nhân thất nghiệp hiện nay là do các trường với chương trình đào tạo và tầm nhìn không thực tế, chưa đáp ứng với nhu cầu của xã hội?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Có lẽ điều đó là chính. Vì thực tế nếu đào tạo mà không đáp ứng được yêu cầu, mặc dù là đại học thật. Đây là hiện tượng cần phải điều chỉnh. 

Lâu nay nhiều người nghĩ trường y là hót, nhưng bản thân tôi thấy nó đang báo động, vì hiện nay người học cũng đang giảm dần. Cái quan trọng nếu chúng ta không tạo ra được môi trường đầu ra cho người học thì sẽ không có người học và sẽ theo ngành khác. 

Nhân lực điều dưỡng đang bị bỏ ngỏ, sinh viên học xong đắt hàng ảnh 2

GS.Nguyễn Minh Thuyết: Cảnh báo thừa cử nhân từ năm 2004, nhưng không ai nghe

(GDVN) - GS.Nguyễn Minh Thuyết đã từng cảnh báo tình trạng thừa cử nhân đại học tại nghị trường Quốc hội từ năm 2004, nhưng chẳng mấy người chú ý.

Hiện nay các tỉnh cũng có các trường cao đẳng và trung cấp, nhưng họ không biết được tại sao trường Cao đẳng y tế Thái Nguyên vẫn thu hút được học sinh, trường vẫn giữ được 5.000 - 6.000 sinh viên.

Tôi nhấn mạnh, kiểu gì thì kiểu vẫn phải đảm bảo được chất lượng. Chưa có cuộc đánh giá nào chính thức nhưng thực tế tự xã hội họ đánh giá, nhìn nhận.

Thế còn công tác hướng nghiệp, ông đánh giá tầm quan trọng của nó như thế nào đối với việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Hiện nay chúng ta vẫn nói là phân luồng học sinh, đấy là nói trên lý thuyết, nhưng nói thẳng chúng ta chưa phân luồng được. Hiện nay học gì, làm gì, định hướng như thế nào là do tự phát, do người nhà học sinh.

Xu thế trước đây thường là bằng cấp, nhưng giờ bắt đầu có nghĩ khác, giờ học gì, đi đâu rồi cuối cùng cũng phải có công việc và họ theo xu thế đó. 

Vừa qua liên Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục. 

Theo đó, đối tượng không phải đóng học phí: Học sinh tiểu học trường công lập; Học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập, theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước;

Theo đông, điều này có khuyến khích học sinh đi theo luồng giáo dục nghề nghiệp hay không?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Theo tôi đây không phải là cái cốt của vấn đề. Học phí đối với học sinh không phải là điều gì ghê gớm, chỉ có điều họ học xong có làm được gì hay không, nghề đó có tìm được việc làm hay không, ra làm thì lương bổng thế nào?

Để hạn chế hiện tượng cử nhân thấp nghiệp, ông có lời khuyên gì tới học sinh chuẩn bị lựa chọn nghề nghiệp?

TS. Hoàng Anh Tuấn: Ngoài thông tin đại chúng có tính chất định hướng ra thì mọi người cũng phải nhìn nhận sự phát triển, vận động của xã hội. Ngay như ngành y đang có sự tụt hậu với hệ thống điều dưỡng.

Với tiềm năng của ngành điều dưỡng trong nước và trên thế giới thì việc xuất khẩu nhân lực ngành này là rất có tiềm năng, có lợi cho người học, cho đất nước. Tiếc thay chúng ta đang bỏ ngỏ hệ thống điều dưỡng.

Trân trọng cảm ơn ông.

Bài và ảnh Xuân Trung