Nhân đôi điểm thi Toán, Văn vào 10 có che được chất lượng giáo dục thật?

17/08/2020 06:25
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đã đến lúc phải đối sánh điểm thi tuyển lớp 10 với điểm học bạ lớp 9, có như thế mới đảm bảo tổng kết thật, thi thật, điểm thật, thành tích thật, giáo dục thật.

Sau mỗi mùa thi tuyển sinh Trung học phổ thông dư luận lại được một phen “mắt tròn, mắt dẹt” về điểm chuẩn vào các trường công lập trên cả nước.

Phần lớn các địa phương trong cả nước thực hiện thi tuyển với ba môn Toán, Ngữ Văn (Tự luận), Tiếng Anh (trắc nghiệm kết hợp với tự luận).

Đề thi tuyển sinh đảm bảo 4 cấp độ nhận thức gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.

Để đảm bảo phân hóa, ma trận đề tuyển sinh thường theo tỷ lệ 3: 2: 3: 2, mức độ nhận biết thấp nhất ở 30%, tức 3 điểm/thang điểm 10.

Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục trung học cơ sở, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau tinh giản vì dịch Covid-19.

Nguyên tắc tính điểm trúng tuyển: Điểm trúng tuyển = (Điểm thi môn Toán + Điểm thi môn Ngữ Văn) x 2 + Điểm thi môn Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên (Nếu có).

Xảo thuật nhân đôi hệ số để che đậy chất lượng giáo dục thật?

Cuối năm trên mạng xã hội đầy sắc đỏ của giấy khen, không ít người phải thốt lên “Facebook nở đầy hoa phượng”. Nhà nhà, người người người mừng vui vì con em được giấy khen. Thế nhưng cũng có không ít người nghi ngờ, chất lượng giáo dục “không như là mơ”.

Điểm chuẩn của tuyển sinh vào lớp 10 công lập các địa phương trên cả nước phần lớn đã được công bố, giống như gáo nước lạnh dội vào “giấc mơ trưa” của xã hội.

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi tuyển sinh. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: P.L)

Thí sinh chuẩn bị làm bài thi tuyển sinh. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: P.L)

Không ít người đã “ngã ngửa” khi thấy điểm chuẩn lớp 10 công lập của một số địa phương, điển hình nhất phải kế đến điểm chuẩn của lớp 10 công lập của Thanh Hóa; thí sinh dự thi vào một số trường chỉ cần từ 0,58 đến 1,0 điểm/môn là ... ung dung trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông công lập. [1]

Điểm thấp như Thanh Hóa là do ở vùng núi, vùng xa, thế nhưng ngay ngoại thành Thủ đô thôi, học sinh chỉ cần đạt trung bình 2.5 điểm/môn cũng ung dung trúng tuyển.

Có phải tại đề thi khó quá? Nếu đề thi khó quá tức đề thi chưa đạt yêu cầu, kỳ thi không thành công trong việc tuyển sinh và định hướng giáo dục cho địa phương, đề thi như thế chỉ làm giàu cho giáo viên dạy thêm, làm khổ học trò, gây mất công bằng cho xã hội.

Nhìn vào bảng điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập không chuyên tại Đà Nẵng thật đẹp, thấp nhất 34,25 điểm, cao nhất 57,5 điểm, con em chúng ta học tốt thật, chúng ta có một nguồn đầu vào thật chất lượng. Chất lượng giáo dục Trung học cơ sở của Đà Nẵng quá tuyệt vời, đúng là một thành phố đáng sống. [2]

Thế nhưng cách tính điểm trúng tuyển của Đà Nẵng “khác lạ” hơn: Điểm trúng tuyển = (Điểm Ngữ văn + Điểm Toán) x 2 + Điểm Ngoại ngữ + Tổng điểm kết quả xếp loại hạnh kiểm và học tập của 4 năm học cấp Trung học cơ sở + Điểm ưu tiên (nếu có).[3]

Với cách tính “hỏa mù” của Đà Nẵng, khó có thể xác định được điểm thực của học trò khi thi tuyển là bao nhiêu nếu không phải là người trong cuộc, đảm bảo cho mọi người có ký ức đẹp về học trò thời Trung học cơ sở.

Như vậy, khi nhân hệ số 2 cho môn Toán và Ngữ Văn, điểm chuẩn vào lớp 10 công lập đẹp hơn, dẫu vậy cũng khó giấu được gian dối, sự thật vẫn phơi bày ở nơi này hay nơi khác.

Phải chăng trong điểm học bạ của học trò không phản ánh đúng thực chất kết quả học tập? Phải chăng trong đó có rất nhiều điểm của ... thầy cô?

Hệ lụy của tuyển sinh bằng điểm học bạ, nhân hệ số cho môn toán, môn văn đang đẩy giáo dục vào bệnh thành tích trầm trọng, mưa điểm 10 tổng kết, học bạ đẹp như mơ.

Ngoài ra còn tạo sự phân biệt môn chính, môn phụ, hình thành tính cách chụp giật cho học trò, coi trọng giáo viên môn chính, coi thường thầy cô môn phụ.

Đã vậy, tạo nên cuộc đua khốc liệt bằng việc tạo nhu cầu học thêm, học tủ, mớm đề; học trò không biết tư duy sáng tạo, ra đề khác một chút, sai số một chút là “cắm bút”, nên điểm học bạ cao, điểm kiểm tra đề thầy cô ra cao, điểm thi rất thấp là điều dễ hiểu.

Hệ lụy đó kéo tận kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tư duy lối mòn xưa cũ nên vẫn còn 30% điểm xét tốt nghiệp hiện nay là điểm học bạ?

Chở thật thà vào lòng dối trá, đã đến lúc ngành giáo dục cần thống nhất cách tính điểm tuyển sinh lớp 10 công lập trên cả nước, xóa bỏ hệ số với môn văn và toán, tuyệt đối không dùng điểm học bạ trong xét tuyển.

Đề tuyển sinh cần bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của bộ, giảm áp lực học thêm cho học sinh, góp phần định hướng thay đổi phương pháp giáo dục, góp phần thành công cho chương trình mới sắp áp dụng.

Đã đến lúc phải đối sánh điểm thi tuyển lớp 10 với điểm học bạ lớp 9, có như thế mới đảm bảo tổng kết thật, thi thật, điểm thật, thành tích thật, giáo dục thật.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thanh-hoa-co-1227-chi-tieu-vao-lop-10-cong-lap-cho-hoc-sinh-1-diem-mon-post211671.gd

[2]https://laodong.vn/giao-duc/da-nang-cong-bo-diem-chuan-lop-10-nam-hoc-2020-2021-825190.ldo

[3] http://www.danang.edu.vn/documents/11834/0/10+KE+HOACH+TUYEN+SINH+10+CT+-+BAN+HANH+moi+.pdf/dfb53647-87d1-429d-9a42-6ffbd6aa5037

Lê Mai