Nhận diện những giáo viên hay kêu ca và thích nói lời cay đắng!

28/03/2019 06:59
Trúc Mai
(GDVN) - Không ít Ban giám hiệu các trường học lo ngại, khi chương trình mới được triển khai nếu vẫn còn những giáo viên lười việc chỉ thích kêu ca thì sẽ thế nào đây?

Trong công cuộc chấn hưng nền giáo dục hiện nay rất cần những giáo viên đủ tài đủ đức, năng nổ nhiệt tình trong mọi hoạt động giáo dục và sinh hoạt của học sinh.

Thế nhưng trong thực tế, ngoài những thầy cô giáo hết lòng với công việc thì vẫn còn đó không ít giáo viên ngại thay đổi và luôn kêu ca.

Đây chính là chướng ngại lớn nhất ngăn cản sự đổi mới trong ngành giáo dục.

Giáo viên kêu ca họ là những ai?

Phần lớn họ là những “cây đa, cây đề” về cả tuổi đời, tuổi nghề và kinh nghiệm giảng dạy.

Ngoài một số giáo viên lớn tuổi, công tác lâu năm, sống lâu lên lão làng chứ chưa bao giờ có được một thành tích gì đặc biệt còn có cả một số thầy cô “vang bóng một thời” nay chỉ bấu víu để “ăn mày dĩ vãng”.

Một số giáo viên trẻ chưa qua, già chưa tới nhưng đã sớm tiêu tan lòng nhiệt huyết giảng dạy.

Và một số ít nữa những giáo viên chọn nhầm nghề nên làm mọi việc luôn làng nhàng (giảng dạy làng nhàng, hoạt động làng nhàng…hết ngày đầy công).

Biểu hiện rõ nhất là luôn có những ý kiến phản bác, trái chiều

Cô T. hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết “Trong trường chỉ cần có vài ba giáo viên thuộc diện hay kêu ca, nhà trường cũng đủ mệt rồi.

Bài toán nhân sự cho ngành giáo dục bao giờ mới giải xong?

Bởi, bất kì hoạt động giáo dục nào đưa ra hay một phương pháp dạy học nào phổ biến, họ cũng có ý kiến phản bác mặc dù chưa hề làm”.

Nói rồi cô ví dụ, dịp Tết nhà trường lên kế hoạch tổ chức cho học sinh một ngày vui chơi cũng là dịp rèn kĩ năng sống cho các em bằng hoạt động “Gian hàng hội chợ” và “Đầu bếp tài ba”.

Để thực hiện, các lớp sẽ tổ chức cho học sinh làm một vài món ẩm thực vừa trưng bày, vừa bán.

Học sinh sẽ có được đi chợ, mua bán, trang trí gian hàng, giới thiệu và đánh giá sản phẩm…

Để làm được điều đó, giáo viên phải lên ý tưởng và cùng học sinh hòa mình vào các hoạt động. Thầy cô đương nhiên mệt và vất vả bởi học sinh của mình còn quá nhỏ.

Riêng học sinh lại vô cùng hào hứng với những hoạt động ngoại khóa thế này.

Thế nhưng, kế hoạch vừa đưa ra, không ít ý kiến phản bác cho rằng sẽ rất khó thực hiện vì học trò nhỏ thầy cô sẽ khó quản, rồi khó đảm bảo an toàn cho các em…

Đã có không ít Ban giám hiệu sau khi nhận được phản ứng đã phải ngừng kế hoạch, một số Ban giám hiệu khác vẫn thực hiện nhưng chính họ cũng phải hứng không ít gạch đá từ những giáo viên này (dĩ nhiên là kiểu ném đá sau lưng).

Trình độ của thầy cô, không bột sao gột nên hồ?

Hoạt động ngoại khóa thì thế, hoạt động giảng dạy cũng không ngoại lệ.

Mỗi lần triển khai phương pháp dạy học mới, dù chưa dạy, chưa áp dụng nhưng có người đã phán những câu xanh rờn “Làm sao mà dạy được?”; “Chắc chắn dạy sẽ không hiệu quả”; “Học sinh sao tiếp thu nổi?”…

Bản thân họ không làm chưa đáng sợ, họ còn lôi kéo, rủ đồng minh…nguy hiểm nhất trong số này, có những giáo viên (đến Ban giám hiệu cũng phải nhường vài ba phần) có tiếng nói khá trọng lượng trước tập thể.

Ngoài việc phản bác, có ý kiến trái chiều, khi được giao việc những thầy cô giáo này sẽ luôn miệng đưa ra hết lý do này đến lý do khác để đùn đẩy, để từ chối công việc.

Điều không ít Ban giám hiệu các trường học lo ngại, sắp tới đây, khi chương trình mới được triển khai nếu vẫn còn những giáo viên lười việc chỉ thích kêu ca thế này thì sẽ ra sao đây?

Trúc Mai