Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giải thích lý do giá sách giáo khoa mới cao

28/03/2020 07:20
Thùy Linh
(GDVN) - Giá các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai cho năm học 2020-2021 có mức từ 179.000 đồng đến 194.000 đồng/bộ.

Cụ thể, bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống, gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng.

Bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo, gồm 9 cuốn, giá 186.000 đồng.

Bộ sách giáo khoa Cùng học để phát triển năng lực, gồm 10 cuốn, giá 194.000 đồng.

Bộ sách giáo khoa Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, gồm 9 cuốn, giá 189.000 đồng.

Trong khi đó, giá sách giáo khoa lớp 1 năm học 2019-2020 theo chương trình giáo dục hiện hành chỉ có 54.000 đồng/bộ.

Lý giải về việc xây dựng giá sách, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết đơn vị này sẽ căn cứ vào một số yếu tố.

Thứ nhất là số cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa lớp 1.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện hành gồm 6 cuốn: tiếng Việt (hai tập), toán, tự nhiên và xã hội, tập viết (hai tập).

Nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ sách giáo khoa lớp 1 bao gồm 9 hoặc 10 cuốn (sách giáo khoa toán, tiếng Việt gồm 2 tập) sử dụng cho 8 môn học bắt buộc (tiếng Việt, toán, đạo đức, tự nhiên và xã hội, âm nhạc, mĩ thuật, hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất) - nhiều hơn bộ sách giáo khoa hiện hành từ 3 đến 4 cuốn.

Thứ hai là chi phí tổ chức bản thảo.

Chi phí này bao gồm chi phí nhuận bút (thực hiện theo nghị định số 18/2014/NĐ-CP năm 2014 quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản); chi phí biên tập, thiết kế, minh hoạ, chế bản, đọc góp ý, thẩm định đề cương chi tiết, bài mẫu, bản thảo; chi phí dạy thực nghiệm...

Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống, gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng (Ảnh: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam)
Bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống, gồm 10 cuốn, giá 179.000 đồng (Ảnh: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam)

Sách giáo khoa mới cũng đòi hỏi phải được đầu tư kĩ lưỡng trong công tác tập huấn biên soạn, triển khai biên soạn, biên tập, thiết kế - chế bản và thực nghiệm. Việc thực nghiệm sách giáo khoa cũng đã được thực hiện qua nhiều vòng, trên nhiều đối tượng, ở nhiều địa bàn có điều kiện giáo dục khác nhau.

Bên cạnh đó, theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì khác với việc cả nước chỉ có một bộ sách giáo khoa, khi có nhiều bộ sách giáo khoa cùng được xuất bản như hiện nay, sản lượng phát hành của mỗi bộ sách giáo khoa sẽ giảm đi, các khoản chi phí tổ chức bản thảo được phân bổ theo sản lượng đó sẽ cao hơn so với sách giáo khoa hiện hành.

Ba là, chi phí vật tư, công in. Nhằm chuyển tải được những đổi mới về nội dung, hình thức sách giáo khoa mới theo định hướng phát triển năng lực như việc tăng cường kênh hình, hình ảnh hoá nội dung với hệ thống hình ảnh minh họa phong phú, hấp dẫn, sách giáo khoa mới lớp 1 được thực hiện in ấn công phu, với khổ sách lớn hơn (19x26,5cm).

Chất lượng giấy và yêu cầu kĩ thuật in được nâng lên nhằm đảm bảo chất lượng hình ảnh và bảo vệ thị lực cho học sinh.

Bốn là, chi phí lưu thông, bán hàng.

Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản trong môi trường cạnh tranh, vận hành theo cơ chế thị trường sẽ kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như:

Chi phí tổ chức hội thảo giới thiệu sách tại các địa phương; chi phí tập huấn giáo viên; chi phí in và gửi sách mẫu tới các cơ sở giáo dục; chi phí truyền thông, quảng cáo…

(Riêng đối với bản mẫu sách giáo khoa phục vụ nhiệm vụ lựa chọn sách sử dụng trong năm học 2020-2021, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai cung ứng 50.000 bộ sách giáo khoa tới các cơ sở giáo dục tại các tỉnh thành trong cả nước).

Năm là, tích hợp công nghệ 4.0.

Sách giáo khoa mới được xuất bản theo hướng tiệm cận xu thế phổ biến trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của học sinh trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Sách giáo khoa lớp 1 có điểm mới, song có quá nhiều kiến thức

Học sinh sẽ không chỉ học tập trên những cuốn sách in trên giấy như trước đây mà còn được thực hành, trải nghiệm trên những cuốn sách điện tử, có điều kiện tương tác, trau dồi kiến thức, kĩ năng trên môi trường kĩ thuật số, giúp các em tiếp cận sâu hơn, vận dụng hiệu quả những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống và học tập.

Bên cạnh sách giáo khoa, yếu tố quan trọng góp phần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đó là giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học.

Trước yêu cầu này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phải thay đổi phương án sách giáo viên, xuất bản đồng thời sách in trên giấy và sách-học liệu điện tử, video các bài giảng minh hoạ… giúp giáo viên tổ chức dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục thuận tiện, khoa học và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, để ngăn ngừa, đẩy lùi tệ nạn in lậu sách dẫn đến những tác hại, hệ luỵ không nhỏ trong việc dạy học, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng phương án tem công nghệ chống giả tích hợp với quyền truy cập các học liệu điện tử. 

Sáu là, về nguồn vốn biên soạn sách giáo khoa

Khác với những lần biên soạn sách giáo khoa trước đây, việc tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa mới được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp và vay ngân hàng.

Giá bán sách giáo khoa một mặt phải bù đắp các chi phí, mặt khác phải đảm bảo một tỉ lệ lợi nhuận tối thiểu nhằm duy trì việc vận hành, đầu tư tái sản xuất, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng cho biết để hỗ trợ cho mọi học sinh đều có đủ sách giáo khoa đến trường, nhà xuất bản sẽ tiếp tục thực hiện các công tác xã hội như:

Tặng sách giáo khoa cho con các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng thời sẽ đầu tư xây dựng Tủ sách dùng chung, tổ chức mua sách giáo khoa cũ tặng cho thư viện các trường học thuộc địa bàn khó khăn và tổ chức phát động các phong trào quyên góp sách giáo khoa, khuyến khích học sinh giữ gìn, bảo quản và sử dụng lại sách giáo khoa.

Thùy Linh