Nhà trường mà trung thực, tử tế thì người đời làm sao biết sự thật

22/02/2019 06:33
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Vấn đề đặt ra là nếu quyền lợi của giáo viên, số tiền của giáo viên được đảm bảo thì sự việc này có bị “lộ” ra ngoài không?

Mấy ngày nay, khi chuyện dạy thêm của trường Trung học cơ sở 719, xã Eakaly, Krông Pắk, Đắk Lắk được phản ánh thì dư luận mới biết 100% học sinh học sinh của trường này đang đi học thêm.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra là nếu quyền lợi của giáo viên, số tiền dạy thêm của giáo viên được đảm bảo thì sự việc này có bị “lộ” ra ngoài không?

Việc giáo viên trong trường làm đơn thư gửi lên Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Krông Pắk không phải vì quyền lợi của học sinh mà vì quyền lợi của người thầy.

Đây là điều khiến cho chúng ta nhiều suy ngẫm nhất.

Trường Trung học cơ sở 719- nơi có 100% học sinh đang học thêm ( Ảnh: Tùng Vi- Quỳnh Hương)
Trường Trung học cơ sở 719- nơi có 100% học sinh đang học thêm ( Ảnh: Tùng Vi- Quỳnh Hương)

Chúng tôi vào Website của trường Trung học cơ sở 719 thì được biết ngôi trường này có quy mô trường lớp rất lớn.

Trường có tới 32 lớp học, có 97 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 1000 học sinh. Trong đó, có 8 tổ chuyên môn và 86 giáo viên đứng lớp.

Với quy định hiện nay thì trường Trung học cơ sở 719 là trường loại I.

Và, cũng từ thông tin đã giới thiệu của nhà trường, chúng tôi được biết trường đã đạt danh hiệu “tập thể lao động tiên tiến cấp tỉnh”; đạt trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2: 2008 – 2013.

Như vậy, đây là một ngôi trường lớn và có uy tín trong ngành giáo dục của tỉnh Đắk Lắk.

Điều chúng tôi thấy ngỡ ngàng nhất là chuyện học thêm của học sinh hiện nay quy định là không ép buộc nhưng trường có 100% học thêm nên đây là một dấu hỏi rất lớn đối với tập thể lãnh đạo và giáo viên nhà trường. 

Điều bất ngờ nữa là tất cả 86 giáo viên lại không có thầy cô nào lên tiếng, thông tin, gửi đơn thư gửi lên cấp trên của mình về sự việc này.

Chỉ khi việc chi trả tiền dạy thêm không được đảm bảo mới gửi đơn thư lên Phòng Giáo dục để “đề nghị Hiệu trưởng cần chi trả lại số tiền, số tiết mà mình đã dạy thêm ở trường trong năm học 2017 – 2018”!

Nhà trường mà trung thực, tử tế thì người đời làm sao biết sự thật ảnh 2Một trường học ở Krông Pắk vi phạm, dạy thêm thu tiền của gần 1.000 học sinh

Chúng ta đều biết, với một trường học ở khu vực Tây Nguyên như huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thì điều kiện kinh tế cũng chưa hẳn là khá giả.

Bởi, những khu vực này phần lớn là dân từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp và ở đan xen với đồng bào các dân tộc thiểu số nên kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn.

Điều kiện như vậy mà nhà trường mở lớp dạy thêm cho 100% học sinh là điều không phù hợp chút nào.

Vậy nhưng, nhà trường vẫn tổ chức dạy thêm cho tất cả học sinh trong trường và gần như giáo viên trong trường đều…đồng ý với kế hoạch này.

Khi có đơn thư về việc chi trả tiền dạy thêm cho giáo viên không đúng với quy định thì Phòng Giáo dục về thanh tra và nội dung đúng như giáo viên phản ánh.

Theo thông tin từ ông Phạm Xuân Vinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk thì : “Trong hơn 4 tháng năm 2018, Trường Trung học cơ sở 719 thu hơn 417 triệu đồng từ dạy thêm.

Theo quy định, giáo viên trực tiếp đứng lớp được hưởng 80% từ tiền dạy thêm số tiền này, tương đương hơn 333 triệu đồng.

Tuy nhiên nhà trường chỉ chi cho giáo viên trực tiếp đứng lớp 175 triệu đồng, số tiền còn lại đã được chi trả rất nhiều khoản trong trường”.

Nếu như, Hiệu trưởng nhà trường thực hiện việc chi trả tiền đúng quy định thì chắc chắn giáo viên không phải gửi đơn thư lên cấp trên.

Đồng thời, lãnh đạo Phòng Giáo dục cũng không biết được thực trạng dạy thêm của nhà trường. Và chắc chắn, việc dạy thêm cho 100 % học sinh sẽ vẫn được duy trì.

Nhà trường mà trung thực, tử tế thì người đời làm sao biết sự thật ảnh 3Có tăng lương giáo viên cũng khó hạn chế dạy thêm học sinh chính khóa hiện nay

 Vì sao lại huy động dạy thêm cho 100% học sinh trong nhà trường?

Chúng ta chỉ cần nhìn vào số tiền mà vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin cũng có thể tính ra số tiền mà các thành viên Ban Giám hiệu được hưởng hàng tháng.

Nếu chỉ cần trích lại 20% tổng số tiền thu được từ việc dạy thêm của nhà trường thì hàng tháng mỗi vị cũng được hàng chục triệu đồng (trường Trung học cơ sở 719 có 1 Hiệu trưởng và 1 Phó Hiệu trưởng).

Tuy nhiên, số tiền mà Ban Giám hiệu chi trả cho giáo viên đứng lớp mới hơn 40% tổng thu nên dư luận mới biết được sự việc tréo ngoe này.

Khi sự việc vỡ lở, ông Nguyễn Viết Linh- Hiệu trưởng nhà trường đã thừa nhận các sai phạm đúng như khiếu nại của giáo viên, cũng như kết luận bước đầu của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Bởi, “Chiếu theo quy định thì việc chi không đủ 80% cho giáo viên đứng lớp là sai”. Và, có lẽ những cái “sai” này đang khá phổ biến ở các nhà trường.

Điều đáng buồn hơn cả là cái “sai” này chỉ là cái sai trong chuyện chi trả tiền cho giáo viên dạy thêm không đúng quy định.

Nếu được chi trả đúng 80 % số tiền thì có lẽ thì giáo viên trong trường vẫn mải mê với việc dạy thêm của mình.

Phụ huynh học sinh vẫn phải cho con mình đi học thêm hàng tháng và lãnh đạo ngành giáo dục ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cũng không hay biết thực trạng dưới cơ sở đang được xảy ra như thế nào!

Tài liệu tham khảo:

-Website trường Trung học cơ sở 719

-https://tuoitre.vn/mot-truong-day-them-cho-100-hoc-sinh-20190219150644651.htm

-http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mot-truong-hoc-o-Krong-Pak-vi-pham-day-them-thu-tien-cua-gan-1000-hoc-sinh-post195835.gd

NGUYỄN CAO