Nhà trường gửi “Thư ngỏ” nhiều lần trong năm học khiến phụ huynh ngán ngại!

14/01/2020 06:45
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Điều mà các hiệu trưởng nhà trường đang làm là họ không trực tiếp đứng ra kêu gọi phụ huynh đóng góp, hỗ trợ tiền và không bao giờ ký tên vào thư ngỏ.

Nhiều trường học bây giờ rất sợ phụ huynh phản ảnh với báo chí về việc vận động xã hội hóa những khoản tiền không được phép vận động. Chính vì vậy, họ chuyển sang gửi thư ngỏ đến phụ huynh học sinh trong nhà trường.

Điều mà các hiệu trưởng nhà trường đang làm là họ không trực tiếp đứng ra kêu gọi phụ huynh đóng góp, hỗ trợ tiền và không bao giờ ký tên vào thư ngỏ.

Điều này cũng đồng nghĩa là nếu có sự việc gì xảy ra, nếu cấp trên vào cuộc, báo chí lên tiếng thì đương nhiên là họ chẳng có liên quan gì. Tất cả là do Ban đại diện cha mẹ học sinh trong nhà trường tự làm.

Các khoản tiền nhà trường vận động phụ huynh chưa được công khai minh bạch (Ảnh minh họa: phapluatplus.vn)

Các khoản tiền nhà trường vận động phụ huynh chưa được công khai minh bạch

(Ảnh minh họa: phapluatplus.vn)

Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm phát thư ngỏ đưa cho học sinh đem về cho cha mẹ để hỗ trợ mua sắm cơ sở vật chất trong lớp học như máy chiếu, quạt điện, sửa lại hệ thống điện trong phòng học, ủng hộ học sinh nghèo mua bảo hiểm y tế...

Dịp 20/11, nhà trường gửi thư mời phụ huynh vào trường xem biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Vào cổng, phụ huynh phải mua vé vào xem. Khi xem biểu diễn văn nghệ liên tục bị cắt ngang bởi cứ hai tiết mục thì người dẫn chương trình lại dừng lại vận động phụ huynh chung tay hỗ trợ học sinh nghèo, đọc tên những phụ huynh đã ủng hộ tiền cho nhà trường.

Cứ thế, danh sách phụ huynh hỗ trợ mỗi lúc một nhiều hơn bởi người này nhìn người kia cùng nhau ủng hộ.

Cuối học kỳ, phụ huynh lại nhận được thư ngỏ của nhà trường kêu gọi phụ huynh hỗ trợ để khen thưởng cho học sinh đạt các danh hiệu trong học tập. Trong cuối thư ngỏ có dòng chữ đề nghị phụ huynh hỗ trợ bao nhiêu thì ghi vào thư ngỏ. Điều này cũng đồng nghĩa là thư ngỏ này sẽ thu lại để đề phòng “thất lạc” ra bên ngoài.

Điều trớ trêu nhất là phụ huynh đóng tiền để nhà trường khen thưởng cho học sinh nhưng nhà trường chỉ tổ chức phát giấy khen cho học trò tại lớp vào buổi sinh hoạt cuối tuần. Học sinh giỏi, học sinh khá cũng đều nhận 1 cái giấy khen mà phụ huynh thì đa phần đều hỗ trợ.

Nhà trường gửi “Thư ngỏ” nhiều lần trong năm học khiến phụ huynh ngán ngại! ảnh 2Lẽ nào chúng ta bất lực với lạm thu?

Thế nhưng, hỗ trợ để khen thưởng cuối kỳ cho học trò mà nhà trường không phát thưởng, chỉ tặng mỗi giấy khen có lẽ phụ huynh sẽ có những suy nghĩ chẳng hay ho gì về nhà trường. Họ cảm thấy như nhà trường đang dối lừa họ vậy.

Cận Tết, nhà trường lại tổ chức phong trào gây quỹ mùa xuân để hỗ trợ học sinh nghèo, lại tổ chức văn nghệ, lại gửi thư  ngỏ, thư mời đến phụ huynh và đương nhiên nhiều phụ huynh lại phải đóng tiền. Vẫn biết, chính sách hỗ trợ học sinh nghèo rất nhân văn và thiết thực nhưng nhà trường cũng đừng quá lợi dụng chính sách này mà vận động phụ huynh quá nhiều.

Những khoản tiền vận động thư ngỏ sẽ đi về đâu?

Nhiều phụ huynh thắc mắc với chúng tôi rằng ở trường con họ học là trường thành phố nên chuyện học sinh nghèo trong trường chỉ chiếm một số lượng cực nhỏ. Mỗi lớp chỉ vài ba em học sinh mà thôi nhưng sao nhà trường cứ vin vào học sinh nghèo để vận động mãi vậy?.

Bởi, từ đầu năm học đến nay thì nhà trường đã nhiều lần gửi thư ngỏ và tổ chức một số phong trào vận động đều lấy danh nghĩa là vận động cho học sinh nghèo có phải tội cho các em học sinh này không. Hỗ trợ cho học sinh nghèo thì cũng chỉ dừng lại ở sách, vở, quần áo, nhiều nhất là cái xe đạp là cùng.

Trong khi, ngay từ đầu năm học thì địa phương đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo như: trao học bổng, đồ dùng học tập, phương tiện đi lại...cho học sinh nghèo rồi. Chính vì vậy, nhà trường cũng chỉ hỗ trợ thêm một phần nữa thôi.

Hơn nữa, trường học ở thành phố thường có số lượng học sinh rất đông mà đa phần phụ huynh đều đóng góp khi nhận được thư ngỏ. Bởi, hiện nay khi phụ huynh ở khu vực đô thị hỗ trợ thì ít nhất cũng phải từ 100 ngàn trở lên, người nhiều lên đến tiền triệu.

Việc khen thưởng cho học trò thì hiệu trưởng, kế toán nhà trường đã có dự trù cụ thể khi làm kế hoạch xin kinh phí đầu năm rồi. Trong khoản kinh phí nhà nước cấp thì đều đã phân bổ cụ thể cho những hoạt động, từng khoản chi.

Vậy nhưng về trường thì nhiều hiệu trưởng nhà trường luôn kêu là không có kinh phí khen thưởng cho giáo viên và học sinh. Vì thế, học kỳ nào cũng gửi thư ngỏ để phụ huynh hỗ trợ khen thưởng cho học trò.

Điều đáng bàn nhất là những khoản kinh phí vận động này sẽ đi về đâu? Thu chi như thế nào thì phụ huynh không biết, thậm chí giáo viên của nhà trường cũng không biết.

Phụ huynh thì chỉ thấy thư ngỏ con mình cầm về thì đóng góp vì sợ không đóng góp thì con mình sẽ khó xử với thầy cô, bạn bè trong lớp. Giáo viên chủ nhiệm thì chỉ biết gửi thư ngỏ và nhận tiền mà phụ huynh đóng góp rồi nộp lại cho nhà trường.

Tiền nhà trường thu, thư ngỏ nhà trường gửi sao người phát động, ký tên lại là đại diện hội cha mẹ học sinh?

Nhà trường gửi “Thư ngỏ” nhiều lần trong năm học khiến phụ huynh ngán ngại! ảnh 3Lạm thu là lừa đảo học trò và cha mẹ các em, không gì biện minh được

Phải nói thẳng ra rằng việc phát động phụ huynh đóng góp các loại quỹ, các khoản tiền là do nhà trường phát động, thư ngỏ cũng do nhà trường soạn, in ấn và phát đến tay phụ huynh. Và, đương nhiên là tiền cũng do nhà trường nhận...

Có điều hiệu trưởng nhà trường mượn tay Ban đại diện cha mẹ học sinh để thoái thác trách nhiệm của mình và sợ liên lụy đến chiếc ghế mà mình đang ngồi. Họ tìm cách thuyết phục Ban đại diện cha mẹ học sinh đồng ý kế hoạch và ký vào thư ngỏ để sự việc này... khách quan hơn.

Nhưng, thử hỏi có Ban đại diện cha mẹ học sinh nào biết rõ về nhà trường thiếu gì, cái gì hư hỏng và những em học sinh nào nghèo? Tất nhiên họ cũng chẳng bao giờ biết nhà trường thu chi các khoản tiền xã hội hóa này như thế nào. Tất cả cũng chỉ vào ký một vài chữ ký cho hợp thức hóa giấy tờ mà thôi.

Ban đại diện cha mẹ học sinh của một số nhà trường đã và đang bị hiệu trưởng lợi dụng và đẩy trách nhiệm đến tay nhưng thực tế thì quyền lợi của họ chẳng được gì. Dân gian vẫn thường nói: “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hoàn toàn phù hợp với vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong một số nhà trường.

Việc phụ huynh hỗ trợ cho nhà trường không phải là chuyện quá lớn và họ đang làm theo lương tâm, trách nhiệm của người cha, người mẹ đối với con em của mình và vì cộng đồng.

Vì thế, việc vận động của nhà trường cũng cần hướng vào những việc làm ý nghĩa, thiết thực. Điều đặc biệt là hiệu trưởng nhà trường cần minh bạch các khoản thu- chi và không nên quá lợi dụng vào lòng tốt của phụ huynh để làm những điều khuất tất.

NGUYỄN NGUYÊN