“Nhà không cửa”, mở lối riêng truyền cảm hứng yêu thích môn Lịch sử cho học sinh

12/08/2020 06:15
Quỳnh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với tinh thần “em muốn làm gì đó cho cộng đồng", sinh viên Vương Thị Thơm mở lối riêng truyền cảm hứng, vun đắp niềm yêu thích bộ môn Lịch sử trong mỗi học sinh.

Từ trải nghiệm cũng như niềm yêu thích lịch sử, Vương Thị Thơm đến từ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cùng các thành viên trong nhóm đã xây dựng lên một dự án truyền cảm hứng yêu thích lịch sử thực sự ý nghĩ với cái tên: “Nhà không cửa”.

Học sinh tìm hiểu lịch sử theo một cách đặc biệt. Ảnh: NVCC

Học sinh tìm hiểu lịch sử theo một cách đặc biệt. Ảnh: NVCC

Dự án hướng đến cộng đồng

Nói về ý tưởng xây dựng dự án, Thơm chia sẻ: “Nhà không cửa” là dự án được hình thành như là một phần kết quả của việc tôi và nhóm khi tham gia chương trình I COMMIT 14 – một chương trình phát triển khả năng lãnh đạo của thanh niên Việt Nam thông việc làm các dự án xã hội”.

Ban đầu nhóm dự định làm một dự án về môi trường, sau đó nhờ sự hướng dẫn, đặc biệt là sau khi lắng nghe câu chuyện của các thành viên trong nhóm, Thơm đã quyết định làm về lịch sử.

Để biết học sinh Trung học cơ sở gặp vấn đề gì liên quan đến lịch sử, Thơm cùng các thành viên trong nhóm đã phải thực hiện các cuộc điều tra khảo sát, thực hiện các cuộc trò chuyện với cả học sinh và phụ huynh.

Cuối cùng, nhóm đã hình thành được dự án “Nhà không cửa” với mục đích tạo ra nguồn học lịch sử bổ ích và truyền cảm hứng, vun đắp tình yêu lịch sử cho học sinh, để các em nuôi dưỡng niềm đam mê bộ môn này thông qua các lớp học và trò chơi.

“Chúng tôi tâm niệm, khi đứa trẻ hiểu về lịch sử dân tộc sẽ nuôi dưỡng trong các em tình yêu thương và sự biết ơn đối với gia đình, xã hội, với những gì các em có được ngày hôm nay”, Thơm chia sẻ.

Không chỉ mang dự án đến tham gia chương trình I COMMIT 14, Thơm cùng các bạn trong nhóm đều mong muốn được phát triển bản thân thông qua việc thực hiện các dự án xã hội. Chính tinh thần “Em muốn làm gì đó cho cộng đồng" là nguyên nhân lớn nhất khiến Thơm thực hiện dự án này.

Đến với lịch sử là một cái duyên

Thơm cho biết không coi lịch sử chỉ là một môn học. Nếu chỉ gò bó lịch sử là một môn học, người ta sẽ chỉ nghĩ đến việc học và thi lịch sử ở trường.

Lịch sử thì thú vị và rộng lớn hơn thế, đó là khi bạn đi qua một con phố, bạn biết con phố ấy được mang tên vị anh hùng nào; hoặc khi bạn cùng gia đình đi đến một ngọn núi du lịch, bạn được nghe kể cách quân ta lợi dụng địa hình núi để thắng địch,... Lịch sử vốn ở quanh ta và luôn luôn thú vị.

Workshop “Nồi của bà có gì” với chủ đề thời bao cấp – tìm hiểu thời bao cấp thông qua món ăn. Ảnh: NVCC

Workshop “Nồi của bà có gì” với chủ đề thời bao cấp – tìm hiểu thời bao cấp thông qua món ăn. Ảnh: NVCC

Đa số các thành viên trong nhóm không phải là những người từ khi bắt đầu dự án đã có niềm đam mê mãnh liệt với lịch sử, nhưng trước khi tạo được bất cứ ảnh hưởng nào lên cộng đồng hay thay đổi bất cứ điều gì, Thơm hiểu rằng bản thân cần là hiện thân của sự thay đổi trước.

Đó là khởi đầu cho những khoảnh khắc loay hoay và nhận ra mình khi bước vào thế giới lịch sử, là những câu hỏi, đào sâu, tự trả lời.

Tình yêu trẻ là thứ khiến Thơm bắt đầu dự án, nhưng thứ giúp cô bạn tiếp tục niềm đam mê ngoài tình yêu ấy ra, còn là sự tò mò về quá khứ, về sợi chỉ kết nối quá khứ - tương lai, về những góc nhìn khác biệt cần sự trung dung khi soi chiếu.

Chính vì vậy, mặc dù không chuyên nhưng lại có “duyên” với lịch sử, cái “duyên” ấy làm cho Thơm nhận ra rằng lịch sử đâu chỉ là một môn học, thực tế nó thú vị và rộng hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó Thơm cũng thấy hiện nay có rất nhiều bạn học sinh chưa có một cơ hội để hình thành cái “duyên” với lịch sử. Chính vì vậy, Thơm muốn làm gì đó để các bạn học sinh có cơ hội này.

Được biết, dự án bắt đầu vào tháng 12 năm 2019 với buổi workshop đầu tiên được tổ chức vô cùng giản dị ở Tân Ấp, Long Biên (Hà Nội). Lúc ấy, chương trình vẫn chưa được tốt như bây giờ, nhưng Thơm vẫn giữ tinh thần chủ đạo đó là vui vẻ để tìm hiểu lịch sử.

Đến hiện tại nhóm đã tổ chức thêm được 2 lần workshop “Nồi của bà có gì” với chủ đề thời bao cấp – tìm hiểu thời bao cấp thông qua món ăn. Bên cạnh đó, chuỗi 3 buổi workshop “Hồi đáp 1802: Mối thù thiên thu Nguyễn Huệ - Nguyễn Ánh” được tổ chức thông qua hệ thống trò chơi, với mong muốn tóm lược, cung cấp tư duy lịch sử…

Có lúc, dự án có 15 thành viên bao gồm cả các cộng tác viên. Tuy nhiên, trong thời điểm không chạy dự án như hiện tại thì nhóm có 6 thành viên và cũng có kế hoạch tuyển thêm thành viên trong thời gian tới.

Khi được hỏi về nguồn ngân sách để thực hiện dự án, Thơm chia sẻ rằng mình không có nguồn hỗ trợ cố định.

Buổi workshop gần nhất thì nhóm nhận sự hỗ trợ từ quỹ của một nhóm phụ huynh để mua dụng cụ học tập (thực hiện để làm món ăn cao cấp) và in ấn.

“May mắn là chúng mình có quen chị Hường – một phụ huynh năng nổ thực hiện các chương trình học tập cho các bạn nhỏ. Thông qua chị, chúng mình có nhận được sự giúp đỡ về mặt kinh phí từ các bác phụ huynh có con tham gia chương trình”, Thơm chia sẻ.

Ban đầu, việc thu hút người tham gia thực sự là vấn đề lớn, câu hỏi làm thế nào để truyền thông đến các bạn học sinh Trung học cơ sở – những người chưa thực sự lớn để có thể quyết định mọi việc và cũng chưa thực sự ở trên mạng xã hội.

Thơm cùng các thành viên trong nhóm quyết định truyền thông chéo: đầu tiên đăng thông tin vào các nhóm facebook của hội cha mẹ dạy con, các nhóm yêu thích lịch sử.

Tại fanpage của “Nhà Không Cửa”, nhóm cũng tập trung vào nhóm các bạn trẻ - những người có khả năng có em nhỏ trong tầm tuổi Trung học cơ sở. Điều quan trọng hơn cả đó là việc thực hiện nội dung và hình ảnh.

Vượt qua mùa dịch với workshop online

Trong quãng thời gian thực hiện dự án, có lẽ khó khăn lớn nhất của nhóm là liên quan đến câu chuyện Covid.

“Trước khi dịch bùng nổ, nhóm may mắn đã tổ chức được một buổi workshop. Tuy nhiên tình hình sau đó thì khá nghiêm trọng, nên chúng mình quyết định làm workshop online.

Tuy nhiên, trong nhóm, không ai có kinh nghiệm là workshop online cả. Chúng mình cũng lo lắng rất nhiều về hiệu quả các các trò chơi được thiết kế. Nhưng chẳng lẽ không biết nên không làm? Chúng mình đều nghĩ phải làm mới biết được”, Thơm nói.

Thế nên, 2 buổi workshop online đã được thực hiện. Dù có một số lỗi xảy ra, đặc biệt là những lỗi đến từ đường truyền mạng, zoom và cả những sự cố "cháy" chương trình, nhưng sau cùng, vẫn có các bạn học sinh đồng hành đến những phút cuối cùng dù quá giờ.

Với Thơm và các bạn, thành công của 2 buổi workshop online chính là câu chuyện thích ứng thời Covid. Đó là câu chuyện về dám làm và hiểu được tình cảm, sự quan tâm của học sinh với lịch sử.

Dự án của Thơm không chỉ không chỉ bồi dưỡng kiến thức về lịch sử mà còn truyền thụ những câu chuyện cuộc sống hết sức nhân văn, giáo dục cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước.

Và khi tình yêu quê hương, đất nước đã thấm sâu trong lòng sẽ tạo nên động lực để các em phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập.

Quỳnh Trang