Nhà khoa học Phạm Đức Chính nhận định, Quy chế 2021 là một bước "cải lùi"

17/07/2021 06:04
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy chế 2021 tạo điều kiện cho ra lò hàng loạt tiến sĩ rởm và giáo sư rởm, xa rời mục tiêu hội nhập của khoa học và giáo dục Việt Nam.

Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ để thay thế Quy chế năm 2017.

Điều đáng nói, về công bố quốc tế thì Quy chế 2017 quy định rất rõ tiêu chuẩn đối với nghiên cứu sinh và người hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Cụ thể, Quy chế 2017 yêu cầu nghiên cứu sinh cần công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI hoặc Scopus.

Bài báo ISI hoặc Scopus này có thể được thay thế bằng 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

Như vậy để thấy, Quy chế 2017 gửi thông điệp rõ ISI, Scopus là chuẩn quốc tế mà các trường cần phải lấy làm căn cứ để hội nhập tuy vậy quy chế cũ cũng tính đến các yếu tố đặc thù với một số ngành vì điều kiện không phù hợp với tạp chí ISI, Scopus hoặc chưa đủ năng lực đáp ứng độ khó của tạp chí ISI-Scopus thì có thể thay thế bằng phương thức khác, ví dụ như là 2 bài công bố ở hội thảo quốc tế.

Trong khi đó Quy chế 2021 ra đời thì những yêu cầu về hội nhập quốc tế đã không còn nữa. Bởi theo Quy chế này, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục ISI/Scopus hoặc bài đăng ở hội thảo quốc tế không còn là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp với nghiên cứu sinh nữa. Quy chế này bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước (0,75 điểm trở lên).

Nhiều chuyên gia cho rằng, nghiên cứu sinh tối thiểu phải có công bố quốc tế để tăng cường khả năng hội nhập. Thế nhưng Quy chế mới lại không cần công bố quốc tế cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Do đó, theo các chuyên gia này nếu chuẩn đầu ra không cao hơn, thì ít nhất cũng nên giữ như quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ năm 2017 chứ không nên quay về cách đo chất lượng như quy chế cũ từ lâu đời. Đây rõ ràng là bước lùi của khoa học.

Nghiên cứu Quy chế, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính - Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – nhà khoa học đã có hơn 100 công bố quốc tế ISI trong lĩnh vực Cơ học và là một trong ba nhà khoa học đã được Hội đồng Giải thưởng đề xuất trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 cho rằng:

“Quy chế 2021 là một bước lùi nghiêm trọng trở về quá khứ, tạo điều kiện cho ra lò hàng loạt tiến sĩ rởm và giáo sư rởm, xa rời mục tiêu hội nhập của khoa học và giáo dục Việt Nam”.

Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính - Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính - Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ảnh: NVCC)

Mấu chốt quan trọng cốt lõi nhất đối với tiến sĩ là chuẩn đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế thì qua nghiên cứu Quy chế 2021 Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính thấy rằng, thay vì tiếp tục cải tiến quy chế 2017, thì quy chế mới 2021 lại cải lùi. Không tuân thủ các tiêu chí quốc tế khách quan trong thời đại hội nhập quốc tế này, chúng ta sẽ không có đội ngũ tiến sĩ thực sự chất lượng.

“Tôi đồng ý với cả 2 quy chế là cần đạt chuẩn tiếng Anh ngay từ đầu vào, nhưng nên là chuẩn thi quốc tế, chứ không phải là bằng trong nước”, nhà khoa học Phạm Đức Chính nhấn mạnh.

Chưa kể, Quy chế mới còn điều chỉnh tăng số lượng nghiên cứu sinh/người hướng dẫn trong cùng một thời gian. Cụ thể, giáo sư được hướng dẫn độc lập tối đa 7 nghiên cứu sinh (quy chế cũ là 6); phó giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học được hướng dẫn độc lập tối đa 5 nghiên cứu sinh; tiến sĩ được hướng dẫn độc lập tối đa 3 nghiên cứu sinh. Trường hợp đồng hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh được tính quy đổi tương đương hướng dẫn độc lập 0,5 nghiên cứu sinh.

Khi số lượng tăng lên nhiều người lo ngại vấn đề chất lượng thì Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Đức Chính cho rằng, Quy chế 2017 đã nhấn mạnh vào chuẩn công bố quốc tế đối với nghiên cứu sinh, lẽ ra quy chế mới cần phải nhấn mạnh vào tiêu chuẩn quyết định hơn là thầy hướng dẫn phải chủ biên ít nhất 1 bài báo quốc tế uy tín trong mấy năm gần nhất.

"Còn giáo sư muốn hướng dẫn tới 7 nghiên cứu sinh cùng lúc thì phải chủ biên ít nhất 7 bài báo quốc tế uy tín trong 5 năm gần nhất. Nghiên cứu sinh có khá mà thầy kém thì cũng khó mà công bố quốc tế được", chuyên gia này nhấn mạnh.

Thùy Linh