Nhà giáo và mùa World Cup

08/07/2018 06:51
Đăng Bình
(GDVN) - Mùa World Cup, có thầy thua độ vay tiền bạn bè, người thân, cùng đường còn hỏi vay mượn luôn cả phụ huynh.

LTS: Mùa World Cup đúng vào dịp nghỉ hè nên nhiều giáo viên được thoả sức xem đá bóng.

Tuy nhiên, nạn cá độ bóng đá đã khiến không ít gia đình giáo viên lao đao.

Toà soạn trân trọng gửi đến bài viết của nhà giáo Đăng Bình về vấn đề này.

Mùa World Cup về, đi ra đường hay tới các công sở, ta dễ dàng bắt gặp những ánh mắt thâm quầng, những khuôn mặt phờ phạc, đói ngủ.

Thế nhưng chỉ có nhà giáo là sướng nhất “có thể thức thâu đêm xem hết các trận cầu và sáng mai có thể nằm ngủ nướng tới tận trưa”.

Thoải mái thời gian xem World Cup nhưng niềm sung sướng này cũng trực tiếp gây ra khá nhiều rắc rối làm nảy sinh những mâu thuẫn trong gia đình.

Xem World Cup một mình sẽ mất cảm hứng, nên các thầy thường rủ nhau tụ tập đến nhà một ai đó ngồi xem.

Vì nhiều thời gian nên có đêm xem luôn cả 3 trận. Nhưng chỉ xem không cũng chán nên họ thường rủ nhau bắt độ cho vui.

Cá độ bóng đá đã làm nhiều gia đình mâu thuẫn. Ảnh minh hoạ trên VOV.
Cá độ bóng đá đã làm nhiều gia đình mâu thuẫn. Ảnh minh hoạ trên VOV.

Trước là bắt bữa nhậu, chầu café, bữa ăn sáng, sau thì bắt bằng tiền.

Người ăn được hứng khởi bắt tiếp. Người thua độ lại ra sức gỡ gạc. Thế là thua lại càng thua. 

Tiền nhậu, tiền café, tiền ăn sáng cũng ngót ngét vài trăm ngàn đồng/ngày. Chưa nói tiền bắt độ mà thua nữa.

Lương giáo viên ba cọc ba đồng, có bao nhiêu lương thì vợ biết tường tận. Vì thế, dù cố gắng cũng không thể có “quỹ đen”.

Phần lớn các thầy đến tháng nhận lương đều nộp hết tiền cho vợ.

Khoản tiền lương ít ỏi hai vợ chồng cộng lại phải khéo chi tiêu mới đủ cho 4 người trong gia đình chi tiêu và chi phí học hành cho các con trong tháng.

Nhà giáo và mùa World Cup ảnh 2Mùa… trộm trường

Mọi khoản chi đã được lên tích kê chi tiết, tháng ấy chỉ chi trội lên dăm trăm ngàn đồng đã mắc nợ qua tháng sau rồi. 

Nhận lương và nộp đủ nên có thầy chẳng buồn nhận lương mà giao luôn thẻ ATM cho vợ giữ. Vì thế chẳng có đồng nào có thể “lấp liếm” được.

Nay thua độ, túng quá sinh liều. Người vay mượn bạn bè, hết chỗ vay nên đánh liều hỏi cả "tiền nóng".

Có thầy cùng đường hỏi vay mượn luôn cả phụ huynh. May mắn thắng được vài trận lại chi vào tiền ăn nhậu còn tiền nợ cứ khất lần.

Có người xui rủi thua liên tiếp nên nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con mà chưa biết lấy gì để trả.

Ngày ăn thì hỉ hả, cười nói và càng nhậu nhẹt, tiệc tùng nhiều hơn. Ngày thua về xin tiền vợ.

Đương nhiên sẽ không được nên nổi cáu gây chuyện, đá thúng đụng nia. Bởi thế, không khí trong gia đình vô cùng u ám, mệt mỏi. 

Là thầy giáo hằng ngày đạo mạo thanh cao, rao giảng đạo đức về cách sống, cách làm người, về cách đối nhân xử thế.

Nhà giáo và mùa World Cup ảnh 3Nghỉ hè giáo viên làm gì?

Nhưng khi lâm vào cảnh nợ đòi hằng ngày cũng bê tha, cũng cãi chày cãi cối, cũng đao to búa lớn với vợ con, với xóm làng…

Thế là, căn nhà trước đây vốn đầm ấm vui vẻ là thế, nay bỗng chốc trở thành địa ngục vì tiếng cãi nhau, chửi bới, mạt sát nhau của hai vợ chồng.

Đã không ít lần khu phố bỗng náo loạn khi thấy cảnh chồng cầm dao lùa vợ đòi chém, những tiếng gọi mày tao, rồi tiếng la hét, nguyền rủa nhau cứ vang lên chát chúa.

Bà con chòm xóm cũng chẳng thể can ngăn vì họ hiểu con ma cá độ đã làm mờ lý trí, dây dưa vào nhỡ hỏi mượn tiền không cho mượn cũng mất luôn tình làng nghĩa xóm.

Không ít người nguyền rủa World Cup, xem bóng đá là tai họa, là reo rắc cảnh nợ nần, là nguyên nhân cho gia đình họ xào xáo.

Họ không chịu hiểu rằng tất cả là do máu đỏ đen, do lòng tham tột độ muốn “dỡ nhà người khác về làm chuồng heo nhà mình” (cách nói vui của nhiều người) nên mới đẩy gia đình đến thảm cảnh ấy.

Đăng Bình