Nhà giáo và mạng internet

21/11/2013 10:59
Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam
(GDVN) - Toàn bộ xã hội đang thay đổi vì mạng len lỏi vào từng nhà, từng hoạt động thông qua internet và mạng di động. Giáo dục cũng không thoát khỏi những tác động do công nghệ đem lại. Các giáo viên, giảng viên tại tất cả các cấp từ tiểu học, phổ thông và đại học đang phải đối diện những thách thức và cơ hội trong giảng dạy.


Cách đây vài ngày trên một tờ báo có đăng tải một loại bài viết nêu ý kiến về vấn đề này tuy nhiên trong loạt bài báo đó đã vô tình khắc họa ngành giáo dục đang sợ hãi và lo âu trước áp lực công nghệ thông tin. Sự hiểu nhầm đó có thể mang tới nhiều tai hại và áp lực không đáng có cho cộng đồng giảng viên và mang lại sự cổ súy cho những hành động và suy nghĩ tiêu cực từ phía học sinh và phụ huynh.

Cộng đồng thầy giáo là một phần không thể tách rời cộng đồng tri thức. Trên thực tế, các thầy cô giáo đã, đang và sẽ cập nhật sử dụng công nghệ hàng ngày trong giáo dục và đào tạo. Giáo án điện tử, tham khảo tài liệu, chia sẻ cộng đồng giảng viên v/v là những hoạt động chuyên môn các thầy cô giáo đã thực hiện từ lâu.

Loại bài viết nói trên chỉ khắc họa và đề cập tới một phần rất nhỏ - mạng xã hội thay vì đề cập tới toàn bộ công nghệ ảnh hưởng tới giáo dục như thế nào. Trên bình diện lớn, công nghệ mang lại tích cực nhiều hơn tiêu cực cho cộng đồng giảng viên, học sinh và phụ huynh.

Thế giới phẳng tri thức: Ưu thế đầu tiên của công nghệ đó chính là tạo điều kiện cho thầy cô giáo và học sinh tiếp cận nhiều nguồn tài liệu trên nhiều định dạng khác nhau từ internet. Vai trò của thầy cô giáo trong thời  đại công nghệ cần thay đổi từ  cách tiếp cận Giảng Viên tới Học Sinh tới việc Giảng viên là người định hướng, hướng dẫn và tạo cảm hứng cho các bạn học sinh tự tìm tòi và phát hiện kiến thức qua mạng.

Thông tin trên mạng rất nhiều và không có kiểm chứng, người giảng viên chính là thuyền trưởng giúp các em học sinh biết các kiến thức Đúng- Đủ - Đẹp đang nằm ở đâu. Thông qua công nghệ, các thầy cô giáo dễ dàng tiếp cận các bài giảng, tri thức bằng cách truy cập hoặc liên hệ trực tiếp với các đồng nghiệp.

Áp lực hoàn thiện cho các thầy cô giáo: Nhờ vào công nghệ, học sinh và bản thân thầy cô giáo có khả năng xem xét và đánh giá năng lực giảng dạy với các đồng nghiệp trên toàn quốc. Đây chính là áp lực vô hình giúp cho các thầy cô giáo và nhà trường tự hoàn thiện bản thân. Trước tấm gương công nghệ, mọi vấn đề chưa hiệu quả đều được phản ánh chính xác và rõ ràng.

Công cụ tuyệt vời cho giảng dạy: Giảng dạy đòi hỏi nhiều sức lực từ các thầy cô giáo. Ai đã từng đứng lớp 4-6 tiết một ngày sẽ hiểu sức khỏe quan trọng như thế nào đối với các thầy cô. Không có lý khi chúng ta nói vui nghề giáo là nghề “ bán cháo phổi”. Thông qua các công cụ như quay video, youtube, facebook, các thầy cô dễ dàng đăng tải các video, tài liệu bài giảng giúp cho quá trình giảng dạy tại lớp ít áp lực hơn.

Các học sinh kém thông thường yêu cầu các thầy cô giáo giảng lại bài. Trong trường hợp này các video quay bài giảng và các chỉ dẫn chi tiết sẽ giúp học sinh xem lại bài mà không tốn công sức thầy cô.

Công cụ tương tác với học sinh và phụ huynh: Các mạng xã hội là môi trường lý tưởng giúp các thầy cô giáo, phụ huynh và các em học sinh tương tác với nhau. Các giáo viên có thể cập nhật, thông báo bài vở, hạnh kiểm và các vấn đề lưu ý tới cha mẹ và các em học sinh rất hiệu quả. Có thể nói rằng chưa bao giờ các thầy cô giáo lại có điều kiện tương tác một tới một đối với phụ huynh và học sinh.

Thông qua các mạng xã hội, các thầy cô giáo có thể nhận được trực tiếp các nhận xét và phản hồi từ học sinh và phụ huynh. Mạng xã hội còn là môi trường cho các em học sinh tương tác với nhau và giúp nhau học tập tốt hơn.

Như chúng ta đã vừa điểm qua, công nghệ thông tin và mạng xã hội mang lại nhiều giá trị cho toàn bộ cộng đồng giảng viên, học sinh và phụ huynh. Cũng có nhiều ý kiến lo ngại về các vấn đề tiêu cực mạng xã hội mang lại cho cộng đồng giáo viên như những lời chỉ trích, phê phán không đúng cách của các bạn học sinh.

Điều đó chắc chắn có tuy nhiên chúng ta có thể hạn chế một cách chủ động và tích cực nếu như chính bản thân mỗi thầy cô xây dựng cho mình một trang mạng xã hội chính thức để giao tiếp với phụ huynh và học sinh. Các thầy cô giáo cần phải cập nhật và nâng cấp chính bản thân mình để trở thành người giảng viên trên lớp và người thuyền trưởng cho cộng đồng học sinh của mình.

Chủ động truyền thông những gì học sinh muốn theo cách học sinh thích là phương tiện tốt nhất hạn chế những thông tin tiêu cực. Các thầy cô giáo và nhà trường cần thiết lập những kênh truyền thông chính thống trên mạng giúp cho các bạn học sinh nêu các ý kiến xác đáng. Bên cạnh đó, các thầy cô cũng cần lưu ý các phát ngôn và hành xử trên lớp và bên ngoài cho  phù hợp.

Quan trọng nhất, các lãnh đạo và quản lý trong nhà trường cần phải có những hướng dẫn, chỉ dẫn và hình thức xử lý nhằm giúp các em học sinh sử dụng mạng xã hội hiệu quả và phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam. Điểm khác biệt duy nhất của các bạn học sinh và các người dùng mạng xã hội thông thường khác đó là các em còn là học sinh dưới 18 tuổi và vẫn phải chịu hướng dẫn và quản lý của nhà trường và bố mẹ về hành xử một cách hợp lý trên mạng xã hội cũng như ở ngoài đời.

Trường không thể ra trường lớp không thể ra lớp khi người thầy giáo đứng trên bục giảng phải sợ hãi vì bất kỳ một  điều gì. Chúng ta - xã hội cần phải  đồng lòng giáo dục các em  nhằm bảo vệ uy tín thầy cô giáo vì đó là những cái quan trọng nhất để tạo nên rường cột cho cả hệ thống giáo dục.  
Vũ Tuấn Anh - Viện Quản lý Việt Nam