Nhà giáo chân chính chẳng thích ai thương hại họ

19/11/2021 06:32
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một lớp học có bao nhiêu học sinh là có bấy nhiêu thế giới, mỗi em là một thiên hướng cuộc đời...vì vậy, hãy hiểu đúng lao động của nhà giáo.

Trong buổi Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Đại học sư phạm Hà Nội và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất (lần thứ 2) diễn ra ngày 18/11, Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường đã có bài diễn văn chia sẻ cảm xúc.

Trường Đại học sư phạm Hà Nội là cái nôi sư phạm của nước

Mở đầu, thầy Minh nói: “Hôm nay, các thế hệ thầy và trò, cán bộ viên chức Trường Đại học sư phạm Hà Nội tụ hội về đây để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường.

Về đây là về với tình thầy trò, tình đồng nghiệp, tình bạn bè và tình người để ôn lại những kí ức đẹp đẽ của một thời đáng nhớ, ôn lại truyền thống quá đỗi hào hùng về mái trường thân yêu này; tĩnh tâm để nhìn lại mình và xác định trọng trách cao cả cho tương lai Nhà trường trong vận hội mới của dân tộc và của thời đại để nâng cánh cho những ước mơ chân chính.

Về đây là về với nguồn cội, về với ân tình nghĩa cả, về với trọng trách của quá khứ để suy ngẫm và hành động cho tương lai, về để tri ân những thế hệ đã cống hiến trọn đời mình cho mái trường này và cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Về đây để tiếp sức cho những gì cao đẹp, cho những thế hệ tương lai đang tiếp bước trên con đường vinh quang và còn nhiều gian khó.

Hôm nay đây, có thể có cả những nụ cười và cả những giọt nước mắt; những cái bắt tay run rẩy vì sức vóc đã tận hiến cho cuộc đời này, và có cả những nuối tiếc khôn cùng vì hoàn cảnh”.

Trong buổi Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Đại học sư phạm Hà Nội và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất (lần thứ 2) diễn ra ngày 18/11, Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường đã có bài diễn văn chia sẻ cảm xúc

Trong buổi Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập trường Đại học sư phạm Hà Nội và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhất (lần thứ 2) diễn ra ngày 18/11, Giáo sư Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường đã có bài diễn văn chia sẻ cảm xúc

Nhân sự kiện trọng đại này, Giáo sư Nguyễn Văn Minh ôn lại rằng, hành trình đi đến tương lai tươi sáng của mái trường này đã phải trải qua những thăng trầm và gian khổ.

Hành trình từ Ban đại học Văn khoa, hành trình từ liên khu IV, hành trình từ nơi đất bạn – khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), để khởi nguồn và hội tụ về thành Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hôm nay.

Hành trình từ khu sơ tán trong nhà tranh vách nứa, dưới mưa bom bão đạn; chấp nhận sự phân ly vì an toàn và vì khát vọng ngày mai tốt đẹp.

Hành trình của những người ở lại và những người ra trận và không ít người đã mãi mãi không về.

Hành trình của những thế hệ mở đường để đi đến hôm nay quả thật không thể nào tưởng nỗi. Mặt đất vốn dĩ hoang vu, không có dấu chân của người đi mở đường thì người sau sẽ sa vào lạc lối.

Những tòa nhà khang trang hôm nay dù còn rất khiêm tốn, chắc chưa hề có trong trí tưởng của các thế hệ trước đây, nhưng trong họ chắc chắn có niềm tin và khát vọng về một mái trường khang trang, một nền giáo dục tốt đẹp và đó là diễm phúc để lại cho chúng ta.

Chúng ta, những người có mặt hôm nay ở đây, những người đang tiếp tục hành trình vì những giá trị cao đẹp; những người thầy nơi biên ải xa xôi, nơi bản làng heo hút, nơi phố thị đông người hãy dành sự hàm ơn cao nhất cho những thế hệ tiền bối, dù họ không cho chúng ta tiền bạc, không cho chúng ta miếng cơm, manh áo nhưng họ đã cho chúng ta ý chí, khát vọng và giúp cho con tim của chúng ta căng tràn tình yêu thương để chúng ta dám sống, dám vượt qua những khốn khó, những cô đơn và dám hiến thanh xuân đời mình cho những điều nghĩa cả.

Chúng ta tự hào về mái trường này, vì đây là cái nôi sư phạm của nước Việt Nam độc lập. Chính từ đây, Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã tạo tiền đề để xây dựng Trường Đại học sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh), Trường Đại học sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên); Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2.

Sau ngày đất nước thống nhất, Trường Đại học sư phạm Hà Nội đã tăng cường đội ngũ để phát triển các trường đại học sư phạm ở miền Nam như Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học sư phạm Huế (nay là Trường Đại học sư phạm thuộc Đại học Huế), Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn), Khoa Sư phạm của Đại học Cần Thơ.

Cuộc đời, sự nghiệp và đức hi sinh của các thế hệ tiền bối để lại cho chúng ta nhiều bài học

Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội tự hào rằng, Trường đã tạo ra một gạch nối quan trọng trong việc xây dựng tình hữu nghị với nước bạn Lào, Campuchia, các nước châu Phi, châu Âu, châu Mỹ thông qua các hoạt động hợp tác giáo dục. Nhà trường nhận thức rằng, tình hữu nghị bền chặt và trường tồn phải được tạo ra từ quan hệ văn hóa thông qua giáo dục.

Chúng ta tự hào về mái trường này, tự hào về những thế hệ sinh viên, học viên trưởng thành từ đây, vì chính họ đã mang vinh quang về cho Nhà trường bằng đức tính phụng sự và hi sinh cho một nền giáo dục tiến bộ. Họ mang sự dung dị, gần gũi, đằm thắm, khiêm tốn và gieo mầm yêu thương, khát vọng cho những thế hệ học sinh mà không kém sự hào hoa và khoáng đạt. Họ làm việc, hi sinh trong thầm lặng. Tầng sâu của phẩm chất đó được nuôi dưỡng bởi cốt cách mô phạm thiêng liêng, bởi mạch ngầm giá trị mà các thế hệ tiền bối đã chắt chiu để lại.

Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội - Nguyễn Văn Minh.

Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội - Nguyễn Văn Minh.

Theo thầy Minh, cuộc đời, sự nghiệp và đức hi sinh của các thế hệ tiền bối cho chúng ta nhiều bài học quý giá.

Thứ nhất, đó là bài học quý báu về lòng yêu nước, đức tính phụng sự, đức hi sinh vô bờ bến của trí thức chân chính. Một thế hệ trí thức đầu tiên đặt nền móng cho mái trường này, sẵn sàng chấp nhận rời bỏ vinh hoa phú quý để trở về phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn và thậm chí chưa biết tương lai của họ sẽ ra sao, nhưng chắc chắn thôi thúc trong họ là Tổ quốc, là đất nước, là độc lập tự do và vì dòng máu Việt; khiến chúng ta có quá nhiều suy ngẫm. Một thế hệ trí thức đã nếm mật nằm gai, có lúc là đơn độc giữa vùng đất cỗi cằn của Liên khu 4, để gieo con chữ cho thế hệ tương lai.

Thứ hai, cuộc đời và sự nghiệp của các vị tiền bối cho chúng ta bài học về khát vọng khởi tạo một nền giáo dục tiến bộ của một đất nước độc lập, tự do.

Có lẽ, ít ai hình dung rằng, trong trăm bề thiếu thốn, trong ngổn ngang chiến cuộc, trong tay gần như chẳng có gì, nhưng trí tuệ đã tạo ra trí tuệ, và những khát khao thành hành động mỗi người. Những thế hệ trước đây đã thấm thía của nỗi đau mất nước, nỗi đau dân tộc, họ nhận thức rằng “Một dân tộc dốt là dân tộc yếu” nên họ đã dấn thân mà chẳng một chút mảy may toan tính. Gần như tay không, họ đã xây dựng một hệ thống giáo dục, một hệ thống đơn sơ nhưng thật vĩ đại. Khi đủ độ lùi về thời gian, chúng ta càng thấm thía những tư tưởng nhân văn và tiến bộ, về tầm nhìn thời đại và trọng trách lịch sử của tiền nhân.

Thứ ba, đó là bài học về dám nghĩ, dám làm vì sự tiến bộ, vì lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước. Xin nhắc lại, các Luận văn cấp 1, cấp 2; khi mới ra đời không phải dễ dàng chấp nhận, và không ít cản trở; nhưng chẳng vì một lợi ích riêng tư, nên họ đã quyết đi đến cùng, và nhờ đó đã đặt nền móng cho đào tạo bậc cao sau này. Đó là đại học hóa hệ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học khi chưa có những qui định rõ ràng; đó là sự kiên trì trong nghiên cứu về rừng ngập mặn để đi đến giải thưởng Cosmos danh giá.

Thứ tư, đó là bài học về sự tự học, tự nghiên cứu, và là con đường phát triển tốt nhất cho mỗi người. Tinh thần này được bắt đầu từ những người thầy thế hệ đầu tiên của Nhà trường và lan tỏa cho đến ngày nay. Buổi ban đầu, mỏng manh về đội ngũ; sách vở, tài liệu hầu như chẳng có gì, giáo trình thì nghèo nàn và chủ yếu là bằng tiếng Pháp; thiếu tất cả; nhưng họ đã tự học, tự nghiên cứu để có những bài giảng cho sinh viên. Chúng ta trân quý biết bao những tập san in đầu tiên đã úa màu theo năm tháng vẫn còn lưu trong thư viện, đó là sự bắt đầu cho những tạp chí khoa học, cho giáo trình ngày nay.

Thứ năm, đó là sự gắn bó keo sơn giữa nghiên cứu, đào tạo khoa học cơ bản và khoa học giáo dục. Đây là đặc trưng căn bản tạo nên bản sắc, giá trị riêng trong đào tạo của Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sự đồng hành của khoa học cơ bản và khoa học giáo dục là sự bổ sung, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau mà không hề mâu thuẫn. Chính vậy, không lấy gì làm lạ khi nhiều giảng viên, sinh viên của Nhà trường không những trở thành giảng viên, giáo viên dạy tốt mà còn nghiên cứu tốt; không lấy gì làm lạ, nhiều lần các giáo sư, Phó Giáo sư được phong trẻ nhất Việt Nam đều là các sinh viên tốt nghiệp tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội; số công bố quốc tế có uy tín của Nhà trường nằm trong nhóm đầu trong hệ thống đại học của Việt Nam. Đồng thời với nó là sự tiên phong trong việc phát triển khoa học giáo dục, tích cực và chủ đạo trong các cuộc cải cách, đổi mới giáo dục nước nhà.

Đất nước muốn văn minh phải nâng cao dân trí

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường Đại học sư phạm Hà Nội vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó là sự định vị của giáo dục Việt Nam, của đại học Việt Nam, tọa độ của khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Quan trọng hơn, chúng ta ý thức sâu sắc rằng, đất nước muốn văn minh phải nâng cao dân trí, phải có người thực tài và người tài phải được tôn trọng đúng nghĩa, được tự do làm việc và cống hiến. Nghĩa vụ của giáo dục là khơi thông dân trí để họ được sống bình đẳng; phát hiện, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nhân tài để họ tự do sáng tạo, để phục vụ đất nước.

Điều này đặt ra cho trí thức, cho nhà giáo Việt Nam nhiều câu hỏi lớn. Không chỉ vậy, bài học về tư cách, về bản lĩnh, về tính phụng sự, về việc dùng người luôn là chìa khóa mở đường cho đất nước phát triển.

Nghĩa vụ của chúng ta trong thời đại mới là giáo dục để các thế hệ học sinh giữ vẹn nguyên tâm hồn Việt, bằng cách định hình các giá trị cao quý của dân tộc; tạo dựng những con người có tư duy độc lập, hành động thông minh, có ý chí tự cường, dám dấn thân vì khát vọng cao cả và bản lĩnh đi tới tương lai. Chúng ta nhớ rằng, những gì đang diễn ra trong trường học hôm nay, sẽ là tương lai của xã hội ngày mai.

Do đó, thầy Minh giao nhiệm vụ,Trường Đại học sư phạm Hà Nội phải là mảnh đất cho những ý tưởng mới ươm mầm và trỗi dậy. Bổn phận của chúng ta là khơi dậy tài năng của mỗi con người và tạo đà cho tài năng phát triển. Chúng ta có nghĩa vụ giáo dục con người sống chính cuộc đời và khát vọng chân chính của họ, chứ không phải của người khác; nhưng có tình cảm, trách nhiệm với người khác và với cuộc đời.

Chúng ta có nghĩa vụ xác định, giáo dục là tạo động lực, là hình thành cách tư duy và hướng đến hành động hiệu quả. Giáo dục tạo ra sự thay đổi và tiến bộ; chinh phục cái mới, và là bà đỡ cho những ý tưởng sáng tạo. Vì rằng, nếu giáo dục chỉ hướng con người đến hành động giản đơn và lặp lại thông thường thì điểm cuối của cuộc đời đã hiển hình trước mắt.

Chúng ta có những thuận lợi, nhưng chúng ta phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và khắc nghiệt của thời đại. Chúng ta nhớ rằng, ngày nay, sự xâm chiếm của ngoại bang không đơn thuần là súng đạn, mà khi bị bào mòn về bản sắc, về văn hóa, tụt hậu về giáo dục; hệ quả là suy yếu về kinh tế, sẽ tạo ra sự lệ thuộc.

Vì vậy, khi đã mang trong mình mạch ngầm giá trị, chúng ta không thể để đất nước thấm máu đào này cứ nghèo nàn mãi được. Trọng trách của một đại học sư phạm trọng điểm không đơn thuần là giải quyết các nhiệm vụ trước mắt mà phải dự báo được những gì sẽ diễn ra trong tương lai của giáo dục và đưa ra cách thức giải quyết. Chính thế, hãy dám thay đổi, hãy dám làm cái mới; dẫu biết rằng, có lúc phải trả giá, nhưng hãy dấn thân, nếu đó là vì lợi ích đất nước, lợi ích dân tộc.

Muốn vậy, Nhà trường sẽ phải xây dựng mô hình quản trị mới, cải tiến và cập nhật chương trình đào tạo, cách thức đào tạo hiện đại, trên nền tảng công nghệ số; xây dựng một môi trường học thuật thoáng đãng, văn minh, hiện đại; có các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục, tạo cơ sở lý luận vững chắc để cải thiện chất lượng giáo dục; mạnh dạn đề xuất các cơ chế để những tài năng sư phạm hội tụ về đây được phát triển và cống hiến để đào tạo ra các sinh viên đáp ứng yêu cầu giáo dục trong thời đại mới.

Thầy và trò Nhà trường kỳ vọng trong giai đoạn tới, Đảng, Nhà nước sẽ có những chính sách đột phá để phát triển giáo dục. Kinh nghiệm của Mỹ, Anh, Úc trong những năm 80 cho thấy, không phải cứ rót nhiều tiền thì giáo dục phát triển; trong khi Singapore, Phần Lan, Hàn Quốc đầu tư đúng mức nhưng giáo dục họ phát triển, vì họ đầu tư để tuyển chọn được đội ngũ thầy cô giỏi, tâm huyết vào nghề giáo. Đây là chìa khóa của phát triển giáo dục.

Nhà giáo chân chính không bao giờ muốn đánh giá họ cao hơn những gì họ có, và cũng chẳng thích ai thương hại họ, nhưng cái cần là nhìn nhận một cách đúng mức về họ. Một lớp học có bao nhiêu học sinh là có bấy nhiêu thế giới, mỗi em là một thiên hướng cuộc đời, để giáo dục đúng nghĩa mỗi học sinh là cả một khổ công, vì vậy, hãy hiểu đúng lao động của nhà giáo.

Nhân dịp cả xã hội, toàn ngành đang hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội gửi lời tri ân đối với toàn thể các thế hệ cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên, học sinh của nhà Trường, gửi lời chúc mừng đến các đồng nghiệp, những người đã và đang đồng hành vì một nền giáo dục tiến bộ.

Thùy Linh