Nhà báo ơi, Tết này chúng tôi ăn Tết ngon hơn!

27/01/2020 07:49
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhờ những bài phản ánh của Báo, chúng tôi thấy đỡ bị áp lực hơn trước, thấy vui hơn vì cảm giác những kẻ yếu thế như mình đang được bảo vệ.

Khi màn pháo hoa chào mừng năm mới vừa kết thúc cũng là lúc chúng tôi nhận được tin nhắn, những cuộc điện thoại của một số giáo viên ở vùng núi huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Tin nhắn của một giáo viên tại huyện Kỳ Sơn (Ảnh tác giả)
Tin nhắn của một giáo viên tại huyện Kỳ Sơn (Ảnh tác giả)

Sau những câu chúc Tết chúc mừng năm mới, các thầy cô giáo ấy đều chia sẻ niềm vui về những đổi thay ở ngành giáo dục quê mình.

Các thầy cô không quên gửi lời cảm ơn đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vì đã đăng tải khá nhiều những bất cập về ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn.

Nhờ thế, ngành giáo dục nơi đây đã có những đổi thay tích cực mang lại lợi ích cho  một bộ phận không nhỏ cho các thầy cô giáo.

Tết này chúng tôi ăn Tết ngon hơn

Thầy X. (đã được đổi tên) một giáo viên tiểu học người dân tộc thiểu số cho biết: “Mọi năm, kể cả những ngày Tết, nhà em cũng không thoải mái đi chơi Tết vì cứ lo ngay ngáy giáo án chưa soạn được.

Mỗi tuần phải soạn gần 30 cái giáo án nên tranh thủ mấy ngày Tết được nghỉ phải soạn trước kẻo đi dạy sẽ không có thời gian”.

Nhà báo ơi, Tết này chúng tôi ăn Tết ngon hơn! ảnh 2
Một số trường học ở Kỳ Sơn thu tiền sai đã hoàn trả đầy đủ cho phụ huynh

Cô X. cũng cho biết: “Giáo viên nơi này cũng bức xúc, cũng có người ý kiến, kiến nghị.

Thế nhưng, bao nhiêu năm nay cũng chẳng thay đổi được gì.

Nhà em cũng không ngờ, chỉ sau bài báo phản ánh được đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì quy định này đã được chấn chỉnh kịp thời.

Tết này, nhà em đi chơi nhiều nơi lắm ”.

Cô Y. thì hồ hỡi cho biết: “Nhà em Tết này vui lắm, ngủ được nhiều hơn và ăn Tết ngon hơn. Cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam”.

Nhà em không còn phải đi lao động vào ngày nghỉ cuối tuần nữa

Cô L. giáo viên một trường mầm non tại Kỳ Sơn tỏ ra rất vui mừng thông tin:

“Bài viết của chị phản ánh về Trường Mầm non Na Ngoi 1 về việc hiệu trưởng nhà trường bắt giáo viên đi lao động không công 2 ngày nghỉ cuối tuần làm trường nhà em và một số trường mầm non khác trên địa bàn cũng được thơm lây.

Hiệu trưởng nhà em thấy trường bên bị báo nêu nên sợ và không bắt giáo viên đi lao động nữa”.

Thế là, những bài phản ánh không chỉ tác động với chính ngôi trường ấy mà có tác dụng dây chuyền với nhiều trường học trong cùng một địa bàn. Vì thế, nhiều giáo viên trong vùng đã được hưởng lợi.

Giáo viên chúng tôi không phải nộp tiền trực Tết, trực hè

Đó là chia sẻ của khá nhiều giáo viên tại huyện Kỳ Sơn. Bởi sau những bài viết phản ánh trực tiếp tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Na Loi về việc thu tiền giáo viên không trực Tết và trực hè.

Nhà báo ơi, Tết này chúng tôi ăn Tết ngon hơn! ảnh 3
Ở trường Na Ngoi 1, giáo viên muốn nghỉ cuối tuần thì nộp cây hoa bạc trăm

Các thầy cô không chỉ được nhà trường trả lại số tiền đã thu trước đó mà Tết năm nay (2020) giáo viên không phải nộp tiền trực nữa. Việc phân công giáo viên trực Tết cũng hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, những trường học khác trên địa bàn cũng thực hiện đúng theo quy định không còn chuyện “Hiệu trưởng thích thu là cứ thu thôi như trước đây”.

Chúng em là độc giả hằng ngày của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

Một số thầy cô giáo nơi đây cho biết, do trước đây mạng internet nơi này không có hoặc có khá chập chờn.

Vì thế, giáo viên cũng ít được đọc báo điện tử. Từ ngày đọc được một số bài viết về trực Tết, trực hè đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên nơi đây đã biết đến báo nhiều hơn.

Thế là: “Ngày nào chúng em cũng phải lướt vào tờ báo đọc vài lần. Trang báo 24H. có nhiều bài viết hay, phản ánh những góc khuất trong nhiều trường học ở nhiều cấp học trong cả nước.

Nhờ những bài viết này, một số hiệu trưởng tự cho mình là “vua một cõi” thích làm gì thì làm đã biết tiết chế hơn.

Những giáo viên này cũng cho biết: “Nhờ thế, chúng tôi thấy đỡ bị áp lực hơn trước, thấy vui hơn vì cảm giác những kẻ yếu thế như mình đang được bảo vệ.

Chúng tôi chân thành cảm ơn Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam! Chúc tờ báo mãi luôn là người bạn đồng hành trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay”.

Phan Tuyết