Nguồn lực quốc gia cho đại học, trường lãng phí, trường khát khao

07/12/2019 06:59
Tùng Dương
(GDVN) - Các trường đại học kiểu “gà công nghiệp” đã có bầu sữa ngân sách nhà nước để tiêu xài thoải mái, béo nhất là các dự án đầu tư, ban quản lý dự án với tỷ lệ %.

Tiếp theo bài: Dự án 1.000 ha đất 16 năm chưa xong, thật đau xót

Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.

Đến dự và phát biểu ý kiến, ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội Khóa 12 - 13, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết:

“Ngày 20/9/2017 thì báo Vietnamnet có đưa thông tin hàng nghìn tỷ đồng đã nằm chết dí tại đây và trách nhiệm thuộc về ai?

Khi đó chủ đầu tư là Đại học Quốc gia quá ỳ ạch nên chuyển lại cho Bộ Xây Dựng, nhưng hình như Bộ Xây Dựng coi đây là con nuôi nên càng ỳ ạch hơn và vừa rồi lại chuyển lại cho Đại học Quốc gia làm chủ đầu tư".

Video: Cơ chế tự chủ, trường lãng phí, trường khao khát

Cũng theo ông Tiến: "Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội lãng phí biết bao nhiêu. Trong khi các trường đại học khác ngoài công lập thì từ đất đai, vốn đầu tư hoặc là sự hỗ trợ về vay vốn của ngân hàng thì cũng đang rất chật vật cùng rất nhiều khó khăn khác.

Vậy thì tại sao chúng ta không chia sẻ nguồn lực, tạo mọi điều kiện để cho các trường đại học mà họ tự chủ về tài chính như Trường Đại học Tôn Đức Thắng? Họ sẽ cất cánh được trong khi họ chỉ cần cơ chế, chứ họ không cần nguồn vốn.

Trong khi các trường đại học kiểu “gà công nghiệp” thì cứ phải có bầu sữa ngân sách nhà nước và tiêu xài thoải mái, và béo nhất là các dự án đầu tư, các ban quản lý dự án cũng như các chủ dự án.

Họ béo vì họ không cần làm gì cũng vẫn có tỷ lệ %, tỷ lệ thuận bỏ túi theo quy mô dự án. Việc này tôi đã phát biểu công khai trong kỳ họp Quốc hội khóa 12 và 13 khi tôi còn làm đại biểu Quốc hội.

Đại học quốc gia, đại học vùng gồm nhiều trường đại học chuyên ngành, là ý thứ 2 tôi nói lãng phí nguồn lực. Đó là lãng phí cơ sở hạ tầng dùng chung, đại học vùng gồm rất nhiều trường đại học thành viên trong cùng một trường như Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Tây Bắc, Đại học Thái Nguyên…

Rất nhiều đại học thành viên gần như độc lập, riêng rẽ nên khả năng dùng chung cơ sở hạ tầng khác nhau, chia sẻ các nguồn lực cũng rất hiếm hoi vì họ độc lập.

Nguồn lực quốc gia cho đại học, trường lãng phí, trường khát khao ảnh 1

Lãng phí các trung tâm giáo dục thường xuyên-dạy nghề vì tư duy có dự án có tiền

Từ 3 đến 5 trường đại học cùng một nơi thì tại sao không kết nối với nhau? Ngày hôm nay khu giáo dục quốc phòng đang để trống thì mời trường kia sang, khu thí nghiệm hôm nay không dạy thì mời trường khác sang sử dụng…

Nếu làm được như vậy thì giáo dục đại học sẽ tận dụng được tất cả các nguồn lực của nhau như giảng đường, ký túc xá…

Nhưng mỗi trường đại học trong Đại học Quốc gia, hoặc trong đại học vùng thì đều cát cứ, riêng hết và tất cả đều có như thế, không có hạ tầng dùng chung.

Vì các trường thành viên ở cách xa nhau, chia cắt nên các trường cát cứ, độc lập mạnh ai người đó làm, không có khả năng kết nối chia sẻ để tạo nên nguồn lực chung, động lực chung để phát triển đại học vùng hoặc đại học quốc gia. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn.

Ví dụ như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 6 trường đại học thành viên cùng nhiều đơn vị trực thuộc, nhưng tất cả cơ sở hạ tầng dùng chung không được khai thác, mỗi ông hiệu trưởng như một bá chủ khu vực của mình, không bao giờ nghĩ rằng đây là vì đất nước.

Không biết chia sẻ, cộng hưởng nguồn lực để tạo nên sức mạnh chung của các trường đại học, cũng như vì sự phát triển của Giáo dục đại học".

Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.

Đến dự tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đương nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa 14.

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội Khóa 12 -13, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Ông Phan Hồng Dũng, đại diện Vụ kế hoạch, Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tuấn -Trưởng ban quản lý vận hành Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Tùng Dương