"Người trong cuộc" nói về muôn vàn cái khó với các trường cao đẳng y khi tự chủ

04/01/2022 06:58
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường cao đẳng y trong quá trình tự chủ giống như một đứa trẻ. Người làm cha mẹ phải cùng đồng hành, chắp cánh thì đứa trẻ đó mới trưởng thành, phát triển.

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua, đổi mới giáo dục đại học theo hướng tự chủ có thể nói là bước chuyển mình mang tính lịch sử. Đã có những tín hiệu đáng mừng ở một số cơ sở đào tạo, đủ để khẳng định sự đúng đắn của chủ trương tự chủ đại học.

Tuy nhiên, với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, dù đã có những quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 nhưng các trường cao đẳng hiện nay vẫn gặp phải nhiều vướng mắc khi thực hiện tự chủ, đặc biệt đối với những cơ sở đào tạo mang tính đặc thù như các trường cao đẳng y.

Còn nhiều vướng mắc khi thực hiện tự chủ

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho rằng hướng dẫn tự chủ hiện nay còn thiếu thực tế và chưa chú trọng vào đặc thù ngành đào tạo.

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tân, bản chất của tự chủ trong giáo dục không phải là tự túc về mặt tài chính. Muốn đẩy nhanh tự chủ tại các trường cao đẳng y thì nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất, cấp nhiều kinh phí hơn để trang bị các thiết bị phục vụ đào tạo. Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, ngành phải theo dõi, đánh giá năng lực đào tạo của từng trường để tránh đầu tư lãng phí.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội chia sẻ: “Có rất nhiều hướng dẫn về tự chủ tài chính, các trường được phép tự chi. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều trường cao đẳng y tuyển sinh ảm đạm và hầu như không đạt chỉ tiêu đề ra, kéo theo nguồn thu từ học phí giảm. Không có nguồn thu, những hướng dẫn tự chủ khó đi vào thực tiễn.

Mặt khác, tài chính hạn hẹp, chế độ đãi ngộ không đảm bảo, trường cũng khó giữ chân người tài. Thực tế, nhiều giảng viên được Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội hỗ trợ học lên thạc sĩ, tiến sĩ nhưng sau khi học xong, cơ sở khác chiêu mộ với lương, thưởng tốt hơn, họ sẵn sàng rời đi”.

Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. (Ảnh: trường Cao đẳng Y tế Hà Nội)

Tiến sĩ Phạm Văn Tân - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hà Nội. (Ảnh: trường Cao đẳng Y tế Hà Nội)

Cũng theo Tiến sĩ Phạm Văn Tân, mặc dù Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đã tự chủ loại 2, chi thường xuyên từ năm 2018 nhưng các kế hoạch tài chính của trường vẫn phải thông qua Sở Tài chính.

Bên cạnh đó, bản chất của tự chủ trong giáo dục là xóa bỏ cơ chế dưới đề xuất, trên phê duyệt, nhưng trường chưa được quyền tự quyết trong vấn đề bổ nhiệm, thay đổi cơ cấu bộ máy nhân sự. Những vấn đề liên quan đến thay đổi bộ máy nhân sự, trường đều phải trình lên Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và chờ xét duyệt.

Về hoạt động chuyên môn, chưa có sự đồng thuận quản lý giữa 2 Bộ là Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nên khung chương trình đào tạo từng ngành nghề cao đẳng, bộ tiêu chí kiểm định về các ngành đào tạo và chuẩn đầu ra chưa thực sự thống nhất, cụ thể.

Ngoài ra, chương trình đào tạo hệ cao đẳng khá lệch so với đại học nên sinh viên muốn liên thông rất khó khăn.

“Theo tôi, giải pháp cấp bách và lâu dài là nhà nước tăng mức đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe để xứng đáng là một nghề đặc thù. Với các trường y, cơ sở vật chất ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của hoạt động dạy và học.

Khác với những ngành nghề khác, hoạt động nghề nghiệp của người cán bộ y tế đòi hỏi độ chính xác cao vì nó liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người bệnh. Vì vậy, sinh viên ngành y phải được đào tạo bài bản để có thể đáp ứng công việc sau khi ra trường.

Các trường cao đẳng y trong quá trình tự chủ giống như một đứa trẻ. Người làm cha mẹ phải cùng đồng hành, chắp cánh thì đứa trẻ đó mới trưởng thành và phát triển được”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cho hay.

Nguồn thu không đủ bù đắp chi phí chuyển dịch sang tự chủ tài chính

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Nhà giáo Ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cho biết: "Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên tự chủ, tự đảm bảo 100% chi thường xuyên từ năm 2021. Trong quá trình tự chủ có thuận lợi cũng có những khó khăn.

Trước đó, trường được nhà nước đầu tư nên cơ sở vật chất khá khang trang. Tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, một số hạng mục đã xuống cấp. Lĩnh vực y tế cũng thay đổi liên tục, xuất hiện nhiều dịch bệnh mới nhưng máy móc, thiết bị của nhà trường không thể theo kịp bệnh viện trong đào tạo thực hành, nghiên cứu.

Theo Nhà giáo Ưu tú, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, mức thu học phí của trường không được tăng đúng như lộ trình mà phải giữ ổn định do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của trường. Hiện tại, nguồn thu không đủ bù đắp chi phí khi chuyển dịch sang tự chủ tài chính và chi thường xuyên.

Mặt khác, như sinh viên ngành kỹ thuật khi đi thực tập tại các nhà xưởng, công ty sẽ được hỗ trợ phí thực tập, trả lương. Nhưng đối với ngành y, trường phải trả phí đào tạo cho bệnh viện trong quá trình sinh viên thực tập.

Sinh viên trường Y trong giờ thực hành. (Ảnh: Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên)

Sinh viên trường Y trong giờ thực hành. (Ảnh: Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên)

"Thực tế sinh viên chủ yếu học nghề, thực hành tại các bệnh viện. Các em cũng đóng góp công sức đi trực, chăm sóc bệnh nhân theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng. Chính vì vậy, nên có thảo luận, thống nhất giữa nhà trường và bệnh viện về phí đào tạo và phí hỗ trợ thực tập để chi trả cho các em".

Chia sẻ với phóng viên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên cũng đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tự chủ đối với cơ sở đào tạo mang tính đặc thù, đặc biệt là các trường cao đẳng y.

Thứ nhất, phải xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật cho từng mã ngành nghề đào tạo của các trường. Từ đó có thể tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.

Thứ hai, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần sớm xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trong đào tạo cao đẳng và trung cấp đối với ngành nghề hộ sinh. Hiện nay, Bộ đã ban hành định mức kinh tế kỹ thuật đối với ngành dược và điều dưỡng.

Theo đó, các sở, ban, ngành tại địa phương sớm cụ thể hóa định mức kinh tế kỹ thuật trong đào tạo áp dụng tại địa phương và ban hành đơn giá đào tạo, mức thu học phí.

Thứ ba, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người học. Nhà nước nên chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa đối với các trường cao đẳng y, có kế hoạch đặt hàng, cam kết đầu ra cho người học.

Ngọc Ánh