"Người trong cuộc" nói gì về những tiết dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới?

16/04/2022 06:44
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đánh giá được quy định đến tính toàn diện về năng lực kỹ năng kiến thức. Hình thức cũng rất đa dạng từ việc đánh giá trong quá trình học đến các bài kiểm tra

"Năm vừa qua, trường tôi được chọn để tiến hành dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình dạy thực nghiệm hầu hết các bộ môn ở lớp 6, lớp 7, và hiện nay chúng tôi cũng đang tiến hành dạy thử nghiệm các bộ môn của lớp 8 với khoảng 40 tiết học. Tất cả các tiết dạy này đều do giáo viên của nhà trường thực hiện.

Các bài dạy được phủ theo mạch của môn học. Chẳng hạn với môn Toán, có 3 mạch bài là Số và Đại số, Hình học và Đo lường, Thống kê và xác suất, với mỗi mạch kiến thức này sẽ tiến hành dạy thử nghiệm một bài, và theo phân bổ kiến thức trong mỗi bài đó có thể là dạy 1 tiết, nhưng cũng có thể mỗi bài phải dạy trong 2 tiết”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) đã cho biết.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo thầy Cường: “Trường chúng tôi là một trong những cơ sở đầu tiên tại Hà Nội được lựa chọn tiến hành dạy thực nghiệm sách giáo khoa lớp 6. Nhà trường được tiếp nhận sách giáo khoa của học sinh bản mẫu theo nguyên bản như sách thật, mỗi học sinh tham gia tiết học thực nghiệm đó được phát một bản in. Các thầy cô dạy bài thực nghiệm sẽ được nhận bản mẫu sách giáo khoa và sách giáo viên.

Về quy trình thực hiện: Sau khi được phân công của Ban giám hiệu, thầy cô sẽ tiếp cận các bản thảo mẫu đó, nghiên cứu triển khai bài học như một tiết dạy thông thường. Có nghĩa, giáo viên hiểu thế nào về nội dung trong sách sẽ tiến hành dạy đúng như vậy, nhóm tác giả hoàn toàn không can thiệp vào tiết dạy để thầy cô có thể đánh giá các mức độ đáp ứng từ sự cụ thể hóa chương trình đến sự phù hợp về đổi mới phương pháp, cách tổ chức hoạt động của thầy và trò.

Nhóm tác giả, nhà xuất bản cùng rất nhiều thầy cô dự tiết dạy thực nghiệm. Việc dự giờ này không phải để đánh giá giáo viên dạy giỏi hay không, mà mục đích để đánh giá việc học sinh và giáo viên tổ chức các hoạt động theo mục tiêu bài học như vậy có vướng mắc vấn đề gì, có chỗ nào chưa hợp lý, có chỗ nào băn khoăn, cần kiến nghị điều gì. Giáo viên có thể trình bày những dự định đã được triển khai trong tiết học đó cũng như điều chưa làm được, đồng thời tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm ngay sau tiết dạy.

Những thầy cô có nhiệm vụ phải tham chiếu từ những yêu cầu của chương trình đối với sự cụ thể hóa của sách giáo khoa trong các bài cụ thể về việc đảm bảo chương trình, tính hợp lí,…tất cả các vấn đề đó được lập thành văn bản góp ý với những nội dung đã đạt, hoặc có thể đã đạt nhưng cần sữa chữa một chút, và có những nội dung chưa đạt.

Ví dụ: Với bài A, học sinh đã đạt được việc này, phải hiểu điều kia. Từ mục tiêu của chương trình, tác giả sách giáo khoa cụ thể hóa vào các bài học. Thầy cô tổ chức thực hiện việc đó lại càng phải làm rõ nét hơn khi nắm bắt được mục tiêu quy định chương trình và đặc điểm cụ thể học sinh lớp mình. Có thể nói, tựu trung của quá trình giảng dạy, sự đổi mới rõ nét nhất là cách tiếp cận bài học của các tiết dạy thực nghiệm là hoàn toàn mới so với chương trình sách giáo khoa hiện hành.

Với yêu cầu giáo viên phải đổi mới rõ nét phương pháp giảng dạy, đó là cách tiếp cận bài học bằng các hoạt động, học sinh tham gia hoạt động dưới sự hướng dẫn, tổ chức hoạt động của thầy cô. Thông qua các hoạt động đó những kiến thức học sinh thu nhận được một cách tự nhiên, hoàn toàn không bị áp đặt. Học sinh tiếp cận kiến thức qua các hoạt động, qua đó dần hình thành năng lực, tiếp thu kiến thức, kỹ năng."

Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Có công cụ đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh?

Trong quá trình dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới, có công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh hay không? Về vấn đề này, thầy Cường nói: “Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có được mục tiêu hình thành năng lực chung và năng lực riêng đặc thù của từng bộ môn.

Các thầy cô nhận thức rất rõ năng lực của người học không thể hình thành ngay được sau những tiết học đơn lẻ, mà nó sẽ có được qua một quá trình. Nhưng trong tiết học đó chúng ta phải cụ thể hóa mục đích để hình thành các năng lực đó bằng các hoạt động cụ thể.

Giáo viên tự xây dựng các tiêu chí đánh giá học sinh theo đặc điểm của vùng miền, đặc điểm năng lực của lớp mình giảng dạy. Có thể vẫn một bài học nhưng đối với các em học sinh ở Hà Nội và với học sinh ở vùng cao thì tiêu chí đánh giá của các thầy cô ở hai vùng đó có thể sẽ khác nhau mặc dù đích đến của bài học là hình thành phẩm chất, năng lực nhất định cho học sinh được quy định.

Hiện nay, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã có đầy đủ mục tiêu với từng môn học, cấp học. Khác với chương trình hiện hành, ngoài việc ban hành sách giáo khoa, còn đi kèm một bộ tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng, có nghĩa sau khi tiến hành bài học này, học sinh sẽ có được chuẩn kĩ năng này ở đầu ra với kiến thức là gì, kĩ năng là gì.

Giáo viên nghiên cứu bài học và thực hiện theo những sự gợi ý ở sách giáo viên. Sự cụ thể hóa sẽ dần dần hình thành qua các bài học, và năng lực của học sinh cũng được hình thành dần dần, càng lớp cao hơn thì năng lực sẽ phát triển chuyên sâu hơn.

Có thể hiểu năng lực học sinh sẽ được hình thành trong cả một quá trình dài, qua chuỗi hoạt động của bài học, của một chương học và rộng hơn là cả một học kì, hết một năm học. Ở những bài học sau, sự gửi gắm của tác giả cụ thể trong các hoạt động đó đều có “ngầm” hình thành năng lực cụ thể của học trò”.

Cũng theo thầy Cường: "Nói về đánh giá năng lực, phẩm chất thì Thông tư 22 ban hành kèm với chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sử dụng đánh giá cho năm học hiện tại 2021 -2022 dành cho học sinh lớp 6; năm học 2022 -2023 cho lớp 7 và dần dần đối với lớp 8, lớp 9, đồng thời cũng dần thay thế cho Thông tư 58 và Thông tư 26.

Theo đó, Thông tư 22 quy định, không đánh giá theo hệ số của môn học nào, cũng không tính điểm trung bình chung các môn. Như vậy, các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ là cơ hội để thầy cô đánh giá học sinh. Việc đánh giá được quy định đến tính toàn diện về năng lực, kỹ năng, kiến thức. Hình thức đánh giá cũng rất đa dạng. Từ việc đánh giá trong quá trình học đến các bài kiểm tra.

Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Bài kiểm tra thường xuyên trong năm học tùy theo kế hoạch của nhà trường, và trong các bài đó phải đánh giá được năng lực, phẩm chất, kiến thức kĩ năng thì đây chính là cơ hội đánh giá rõ nét nhất. Ngoài ra, các thông tư hiện nay đang hướng dẫn việc đánh giá học sinh theo đa dạng hình thức, trong mỗi bài học giáo viên có thể đánh giá được học trò qua các hoạt động đơn lẻ hoặc tập thể, thậm chí thông qua sản phẩm.

Hình thức đánh giá đa dạng và mới nhất là đánh giá dự án học tập, học trò được giao các dự án, sau khi học sinh thuyết trình về dự án đó, căn cứ những tiêu chí về năng lực phẩm chất, kĩ năng mà trước đó thầy cô đã đưa ra để đánh giá.

Những bài giảng được dạy thực nghiệm tại trường chúng tôi và cũng đồng thời cũng được triển khai dạy thử nghiệm tại nhiều trường ở các vùng miền khác nhau nhằm đánh giá các mức độ, phản hồi khách quan của thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, người dự giờ, tổ nhóm chuyên môn và sự đáp ứng của học sinh trong từng tiết dạy".

Thầy Cường cho biết thêm: “Theo quy định, đối với mỗi bản mẫu sách giáo khoa, lựa chọn các bài học để tổ chức thực nghiệm mang tính đại diện về loại bài, thể hiện điểm mới về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Các đơn vị tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên, ít nhất 15% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học đến dưới 105 tiết/năm học, ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại. Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài học trước khi tổ chức dạy thực nghiệm lần thứ hai.

Lớp có học sinh được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm thuộc khối lớp học sách giáo khoa được thực nghiệm. Việc dạy thực nghiệm thực hiện đối với học sinh toàn lớp vào thời điểm phù hợp với năng lực của học sinh. Giáo viên dạy học và giáo viên dự giờ dạy thực nghiệm là những người đang trực tiếp dạy học môn học có sách giáo khoa được thực nghiệm”.

Tùng Dương