Người thầy phải được đối xử, quan tâm như với lực lượng vũ trang

01/02/2020 06:17
Phó Giáo sư Đặng Bá Lãm
(GDVN) - Ngành giáo dục cần thay đổi như thế nào để đóng được vai trò là “quốc sách hàng đầu”, thể hiện trước hết vào sự thay đổi chương trình giáo dục.

LTS: Tiếp tục bàn về vị trí của người thầy trong thời đại 4.0, Phó Giáo sư Đặng Bá Lãm - Trưởng ban Khoa học và Dịch vụ của Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã chỉ ra trách nhiệm nặng nề của người thầy đối với việc thực hiện sứ mệnh “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Trong đó, có những đề xuất với ngành giáo dục về việc cần thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục để đóng được vai trò đó.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Vị thế người thầy

Bình thường đối với xã hội trách nhiệm của người thầy đã lớn lao, công việc của người thầy đã nặng nề. Chính vì vậy mà hai tổ chức quốc tế lớn là UNESCO va ILO đã công bố khuyến nghị về vị thế nhà giáo năm 1996.

Phó Giáo sư Đặng Bá Lãm cho rằng, cần có cơ chế đãi ngộ người thầy như lực lượng vũ trang. (Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng trong lễ tốt nghiệp).
Phó Giáo sư Đặng Bá Lãm cho rằng, cần có cơ chế đãi ngộ người thầy như lực lượng vũ trang. (Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng trong lễ tốt nghiệp).

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục thì trách nhiệm và công việc của người thầy càng nặng nề hơn. Để người thầy hoàn thành được sứ mệnh cao cả và nặng nề đó của mình, có một số vấn đề phải được giải quyết như là điều kiện tiên quyết.

Cụ thể, điều kiện đầu tiên là thực sự thực hiện quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI, tháng 11- 2013) ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước ta.

Điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chủ trương đó là thực sự đặt giáo dục ở vị trí quốc sách hàng đầu.

Ngày tết thầy- ngẫm về vai trò của người thầy xưa và nay

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ những biểu hiện trong thực tế có thể cho phép nhận xét rằng rằng giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu.

Hiện nay, có thể nhận thấy rõ sự ưu tiên cho quốc phòng và an ninh, tiếp đến là cho phát triển kinh tế.

Vì thế trong xã hội ta hiện nay các ngành quân đội, công an, dầu khí đang ở vị thế rất cao, thanh niên mong ước được làm việc trong các khu vực đó, giáo dục còn lâu mới vươn tới được.

Nhiều người nghĩ rằng điều đó là đương nhiên: chăm lo cho quân đội để bảo vệ đất nước, xây dựng lực lượng công an để trị an, còn dầu khí là nguồn ngoại tệ chủ yếu của đất nước.

Nhưng như thế là vẫn suy nghĩ theo nếp cũ. Lịch sử cho thấy rằng đến những năm cuối cùng trước khi sụp đổ (1991) Liên Xô vẫn có lực lượng quân đội, công an vào loại hùng hậu nhất thế giới, sản lượng dầu mỏ cũng đứng hàng đầu trong các nước sản xuất mặt hàng này.

Thế mà nhà nước đó đã tan rã rất nhanh như là người khổng lồ chân đất sét. Trái lại, Thụy Sỹ là nước có quân đội nhỏ nhưng lại là nước có nền an ninh vững chắc, cũng là nước đứng ở tốp đầu trên các mặt GDP theo đầu người, số bằng phát minh khoa học, số lượng sáng chế công nghệ, HDI, xếp hạng hạnh phúc người dân...

Như vậy an toàn của đất nước không nằm ở số lượng và chất lượng vũ khí và phát triển đất nước không quyết định ở tài nguyên, mà an ninh và phát triển đất nước quyết định ở con người.

Phẩm chất của con người, lòng yêu nước, lòng quý trọng, chăm chỉ, sáng tạo làm giàu đẹp cho quê hương đều do giáo dục mà có.

Vì vậy trong chiến lược phát triển đất nước ở thời bình như hiện nay phải nêu khẩu hiệu, phương châm: Giáo dục, giáo dục và giáo dục.

Không quan tâm tối đa cho giáo dục, sẽ thua cả trong cuộc chiến chống nội xâm

Thực hiện Giáo dục là quốc sách hàng đầu phải thực sự được thể hiện trong sự ưu tiên hàng đầu cho giáo dục trên các phương diện lãnh đạo, quản lí, đầu tư nhân tài, vật lực.

Đồng thời, người thầy và cán bộ quản lí giáo dục phải được đối xử, được quan tâm huấn luyện và chỉ huy như chiến sỹ, sỹ quan trong thời chiến.

Về mặt tổ chức, lực lượng tham gia giáo dục phải được bố trí hợp lý để gánh vác trách nhiệm quyết định đối với sự ổn định và phát triển đất nước.

Về mặt quá trình, giáo dục phải được thiết kế và thực thi một cách đồng bộ, nhất quán từ giáo dục mầm non đến đại học.

Đào tạo người thầy

Để thay đổi chương trình giáo dục, đội ngũ người thầy hay những người giáo dục phải thay đổi cơ bản về số lượng, cơ cấu thành phần và chất lượng. Người thầy phải là những người tốt nhất trong những người cùng lứa trong xã hội.

Về mặt thể chất, tâm hồn và trí tuệ người thầy phải xứng đáng được xã hội giao cho trọng trách chăm lo cho thế hệ tương lai, cũng là đảm bảo cho sự an toàn và phồn vinh của đất nước.

Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang

Khi vị trí giáo dục được xác định lại, khi giáo dục thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, khi hệ thống giáo dục được tổ chức lại, chương trình giáo dục được thiết kế lại, thì đội ngũ những nhà giáo dục sẽ thu hút thanh niên, ít nhất là như các trường sỹ quan quân đội và ngành công an hiện nay.

Nghị quyết 29 đề ra từ năm 2020 giáo viên tất cả các cấp bậc học của giáo dục phổ thông phải được đào tạo từ trình độ đại học trở lên.

Đó là một ý tưởng rất mới mẽ và tiến bộ, thay đổi hẳn quan niệm trước đây cho rằng phải ở các cấp bậc học trên mới cần thầy giáo trình độ cao.

Ngược lại trẻ càng bé thì càng khó dạy, càng cần người thầy có hiểu biết và phương pháp thành thục.

Tôi muốn đề nghị thêm rằng không chỉ giáo viên phổ thông mà giáo viên mầm non cũng phải được đào tạo ở trình độ cao như vậy.

Để thực hiện sự thay đổi cơ bản giáo dục phổ thông như đã đề xuất trên, hệ thống đào tạo giáo viên phải thay đổi về cả tổ chức, cấu trúc, nội dung và phương pháp.

Khi đã tổ chức lại để có một nền giáo dục phổ thông tốt, thì giáo dục nghề nghiệp và đại học sẽ có điều kiện để có chất lượng tốt mà đặc trưng lớn nhất là người học dễ dàng thích nghi với các biến động về xã hội và công nghệ.

Giáo dục nghề nghiệp cần bám sát nhu cầu của sản xuất và dịch vụ và tốt nhất là đào tạo tại cơ sở sản xuất và dịch vụ.

Giáo dục đại học chủ yếu cung cấp nền tảng tri thức và văn hóa, tinh thần và phương pháp học tập sáng tạo để có thể tự thích nghi khi công nghệ thay đổi. Đó là điều mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi.

(*): Tít chính và tít phụ do Tòa soạn đặt

Phó Giáo sư Đặng Bá Lãm