Người ta "ăn" cả tờ giấy kiểm tra của học trò

23/05/2019 06:28
THANH AN
(GDVN) - Nếu không kê khống như vậy làm sao bà Linh có thể cân đối được khoản chi mua giấy, mua mực và khoản thu tiền giấy kiểm tra của học trò từ các trường?

Bà Trần Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành (Hậu Giang) vừa bị Uỷ ban kiểm tra huyện ủy ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo”.

Nguyên nhân dẫn đến mức kỷ luật này là bà Linh cho mở lớp thăng hạng cho giáo viên khi chưa xin chủ trương và kê khống giấy A4 để làm đề kiểm tra học kỳ.

Sự việc cho thấy bà Linh đã có nhiều vi phạm trên cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục của một huyện. Trong đó, đáng lưu ý nhất là kê khống giấy để hưởng tiền chênh lệch trên cả những tờ giấy kiểm tra của học trò. 

Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Thành- nơi bà Trần Thị Thùy Linh làm Trưởng phòng (Ảnh: congly.vn)
Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Thành- nơi bà Trần Thị Thùy Linh làm Trưởng phòng (Ảnh: congly.vn)

Nhưng, sự thực thì đâu chỉ có bà Linh ở Hậu Giang mà thực tế các nơi khác, phòng, sở giáo dục cũng đang thu tiền giấy kiểm tra hàng năm với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường bên ngoài.

Bởi đề kiểm tra học kỳ là sản phẩm “độc quyền” nên các trường và học sinh không có sự lựa chọn nào hơn trong mỗi năm học.

Theo phản ánh của Báo Lao động thì: “Bà Linh đã chỉ đạo cấp dưới thỏa thuận với các cơ sở mua, bán văn phòng phẩm trên địa bàn, kê khống số lượng giấy A4 để làm đề thi, giấy thi, đáp án phục vụ cho kỳ thi học kỳ II năm học 2017-2018 của khối trung học cơ sở.

Số lượng kê khống là 840 ram giấy A4, nhận về số tiền hơn 58 triệu đồng. Số tiền này không được đưa vào sổ kế toán, sổ quỹ tiền mặt của cơ quan, không được công khai trong Ban lãnh đạo, tập thể cơ quan.

Số tiền này được chi theo chỉ đạo của bà Linh, nhưng không cung cấp được chứng từ, không có quyết toán với cơ quan tài chính”.

Có một sự thực mà giáo viên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thấy rất rõ là hàng năm thì lãnh đạo phòng, sở giáo dục đều ra đề kiểm tra học kỳ cho một số môn học.

Mỗi môn, đề kiểm tra thường chỉ có một mặt giấy A4, rất ít môn in 2 mặt giấy nhưng giá mà học sinh đã và đang đóng lâu nay là 1000 đồng/ đề kiểm tra.

Người ta "ăn" cả tờ giấy kiểm tra của học trò ảnh 2Phát hiện ra sai phạm tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành

Trong khi, những cán bộ ra đề đều đã được hưởng tiền chế độ theo quy định hiện hành của ngành.

Điều này cũng đồng nghĩa là đề kiểm tra đã được nhà nước trả tiền. Việc còn lại là phòng, sở sao in đề và cấp về nhà trường.

Việc photo đề thì đã có số lượng cụ thể của từng trường gửi lên, cán bộ văn phòng chỉ photo và đóng vào từng gói theo từng đơn vị. Sát ngày kiểm tra, cấp ra đề gửi email cho các trường đến nhận.

Nhưng vì sao giá đề kiểm tra lại được kê cao đến vậy? Giá thị trường hiện nay nếu photo cả 2 mặt giấy có giá từ 200 đến 250 đồng /tờ vậy mà những lãnh đạo ngành giáo dục đều chủ trương thu đến 1000 đồng/ tờ giấy kiểm tra?

Tuy nhiên, không ai dám kêu ca, phàn nàn cả. Những người có thể tiếp cận, tham dự các cuộc họp do lãnh đạo phòng, sở triệu tập không dám phát biểu ý kiến thì ai dám lên tiếng đây?

Giáo viên đứng lớp làm sao có cơ hội diện kiến với lãnh đạo để có thể phản ánh. Vì thế, năm này thu được, năm sau cũng vẫn tiếp tục và người thiệt thòi nhất là học sinh và phụ huynh phải đóng tiền.

Việc bà Trần Thị Thùy Linh, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành (Hậu Giang) kê khống 840 ram giấy A4, nhận về số tiền hơn 58 triệu đồng trong học kỳ II năm học 2017-2018 sẽ dễ hiểu vô cùng.

Bởi nếu không kê khống lên như vậy làm sao bà Linh cân đối được khoản chi mua giấy, mua mực và khoản thu tiền giấy kiểm tra của học trò từ các trường?

Một ram giấy A4 có 500 tờ, toàn khối trường Trung học cơ sở huyện Châu Thành (Hậu Giang) có 7 trường. Vậy mà chỉ 1 học kỳ bà Trưởng phòng đã kê khống lên đến 840 ram giấy sẽ bằng 420.000 tờ giấy.

Người ta "ăn" cả tờ giấy kiểm tra của học trò ảnh 3Tờ giấy thi của học trò - không phải chuyện nhỏ

Nếu Phòng ra đề 10 môn học thì mỗi trường sẽ có số lượng là 6000 học sinh mới làm hết số giấy này.

Trong khi, trường huyện thì may ra chỉ có trường thị trấn là có số lượng khoảng trên dưới 1000 học sinh, trường ở nông thôn thì chỉ bình quân khoảng 500 học sinh.

Số giấy kia bà Trưởng phòng có thể làm gì cho hết? Nếu bà Linh không kê khống giấy làm sao cân đối được các khoản thu-chi này. Bởi, thực tế cấp phòng thường chỉ ra một số môn học/ khối chứ không bao giờ phòng ra toàn bộ các môn học.

Chính vì cấp phòng, cấp sở in sao đề, thu giá cao, thành ra đến cấp trường cũng vậy. Mỗi năm, học sinh thường phải đóng tiền giấy kiểm tra cho nhà trường với giá cao hơn thực tế nhiều lần.

Một số cửa hàng bán văn phòng phẩm vì thế mà họ thường có mối quan hệ rất đặc biệt với những cán bộ quản lý phòng, sở và ban giám hiệu trên địa bàn.

Họ tạo mối quen thân để bán các loại văn phòng phẩm và còn bán hóa đơn, nhiều khi thông đồng với nhau để kê khống một số mặt hàng mà nhà trường mua hàng năm.

Những khi kiểm tra học kỳ, nếu phòng, sở hay nhà trường in sao đề không kịp vì số lượng nhiều thì họ cũng thường đưa ra các mối làm ăn lâu năm, khép kín để tiện cho… mọi thứ.

Dù không quá bi quan bởi chúng tôi tin vẫn luôn tin có rất nhiều lãnh đạo phòng, sở, ban giám hiệu đang khát khao cống hiến cho ngành, đang vì học thân yêu của mình, nhưng rồi nhiều lúc cũng phải trăn trở, nghĩ suy.

Tờ giấy kiểm tra của học trò mà họ còn kê khống như vậy thử hỏi những cái lớn hơn sẽ như thế nào đây?

Tài liệu tham khảo:

https://laodong.vn/giao-duc/ke-khong-840-ram-giay-a4-truong-phong-giao-duc-bi-canh-cao-734829.ldo

THANH AN