Ngôi trường Quảng Trị có 3 học sinh vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia

02/07/2020 14:41
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lần thứ ba Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng trị đã có được cầu truyền hình trực tiếp trận chung kết của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Cuộc thi đường lên đỉnh Olympia là sân chơi trí tuệ thu hút nhiều học sinh giỏi bậc trung học tham gia.

Văn Viết Đức, học sinh Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị là người đầu tiên đưa cầu truyền hình về Quảng Trị và cũng là nhà vô địch cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15 (Ảnh nhà trường)

Văn Viết Đức, học sinh Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị là người đầu tiên đưa cầu truyền hình về Quảng Trị và cũng là nhà vô địch cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15 (Ảnh nhà trường)

Nhiều em nói rằng, được đứng ở sân chơi ấy đã là thành công, chiến thắng vòng tuần đã là vinh dự, vòng tháng, vòng quý là thành tích mà bao người mong ước.

Lê Thanh Tân Nhật, người thứ hai mang cầu truyền hình về trường (Ảnh VTV3)

Lê Thanh Tân Nhật, người thứ hai mang cầu truyền hình về trường (Ảnh VTV3)

Còn vào được trận chung kết sẽ là giấc mơ, niềm mong mỏi của biết bao học sinh. Vì không chỉ mang lại vinh dự cho một cá nhân còn là niềm tự hào cho cả ngôi trường và người dân tỉnh nhà.

Văn Ngọc Tuấn Kiệt người thứ ba mang cầu truyền hình về trường trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 (Ảnh VTV3)

Văn Ngọc Tuấn Kiệt người thứ ba mang cầu truyền hình về trường trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 (Ảnh VTV3)

Biết bao ngôi trường có bề dày thành tích dạy và học, biết bao học sinh giỏi xuất sắc đã dự thi nhưng vẫn chưa một lần có được cầu truyền hình. Vậy mà, Trường Trung học thị xã tỉnh Quảng Trị lại có đến 3 lần đón vinh dự ấy.

Không thể diễn tả hết niềm vui, niềm tự hào của thầy và trò cùng biết bao người dân nơi đây.

3 nhà leo núi vào chung kết

Người đầu tiên phải kể đến là em Văn Viết Đức, học sinh Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị.

Đức sinh năm 1997 đã xuất sắc vượt qua nhiều thí sinh xuất sắc khác để ghi danh vào cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 15.

Ngỡ như thế đã là điều kỳ diệu vì 3 bạn chơi cùng em năm đó lại đến từ những ngôi trường tiếng tăm và phong độ chơi từng vòng trước đó cũng vô cùng xuất sắc.

Ai dám nghĩ một học sinh tỉnh lẻ lại bứt phá giành ngay ngôi quán quân nhưng Viết Đức đã làm được điều đó.

Học sinh thứ 2 là em Lê Thanh Tân Nhật, Trường Trung học phổ thông thị xã tỉnh Quảng Trị đã được xướng tên trong trận chung kết năm và lần thứ hai cầu truyền hình được mang về cho nhà trường.

Thiếu chút may mắn nên Tân Nhật vẫn chưa chạm được vào vòng nguyệt quế, em chỉ dành được vị trí á quân trong cuộc thi năm đó.

Năm học 2019-2020 cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 20 tiếp tục được gọi tên em Văn Ngọc Tuấn Kiệt, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông thị xã tỉnh Quảng Trị.

Đồng nghĩa với việc đưa cầu truyền hình trực tiếp về trường lần nữa. Vậy là lần thứ ba chỉ trong 5 năm qua, học sinh của trường đã xuất sắc đưa được cầu truyền hình trực tiếp trận chung kết năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia về trường.

Ươm mầm cho cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Có thể nói đến thời điểm này, Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị là ngôi trường duy nhất đón 3 cầu truyền hình.

Cô Phan Thiên Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông thị xã Quảng Trị cho biết:

“Để có thành tích này, ngoài sự phấn đấu nỗ lực của bản thân các em, nhà trường đã tạo được sân chơi trí tuệ, tổ chức cuộc thi chinh phục ở trường để khơi nguồn đam mê cho học sinh để kích thích sự tìm hiểu và tham gia .

Qua mỗi lần chơi, nhà trường đã sàng lọc các đối tượng và tiếp tục đầu tư. Cứ sàng lọc, sàng lọc và đầu tư như thế, học sinh sẽ được bồi dưỡng nhiều kiến thức cho bản thân.

Ngoài ra, nhà trường thành lập Ban chinh phục đỉnh cao để hỗ trợ cho cuộc thi tìm kiếm tài năng ở trường.

Cùng với đó, kho câu hỏi Olympia được thiết lập. Thầy Lê Công Long, giáo viên vật lý của trường đã phối hợp cùng một giáo viên thuộc Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh tự viết ra một phần mềm có chức năng hoạt động không khác trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam.

Học sinh cũng được khuyến khích gửi câu hỏi đến Ban chinh phục đỉnh cao. Những câu hỏi nhận được giáo viên sẽ chọn lọc và nhập vào kho câu hỏi online trong phần mềm này.

Những cuộc thi Olympia thu nhỏ với tên gọi Chinh phục đỉnh cao được nhà trường tổ chức liên tục giữa các học sinh trong trường suốt cả năm học để chọn ra một người xuất sắc nhất đăng ký dự thi Đường lên đỉnh Olympia.

Nhờ sự chuẩn bị chu đáo đó, học sinh không chỉ được bồi dưỡng về kiến thức còn nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trước đám đông tạo cho các em khả năng bình tĩnh và tự tin để trả lời câu hỏi.

Cô Nga cho biết thêm: “Hiện nay, nhà trường vẫn đang tiếp tục bồi dưỡng và chuẩn bị cơ sở vật chất để đón cầu truyền hình vào tháng 9 sắp tới”.

Phan Tuyết