Nghe cô giáo Ê đê kể chuyện đi vận động học sinh đến trường

08/03/2020 06:23
Thùy Linh
(GDVN) - Cô H’Dinh Byă kể, học sinh chủ yếu là người dân tộc Kinh còn cô giáo là người dân tộc Ê đê nên lúc đầu nhiều phụ huynh không cho con đến trường.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn quốc có 15.501 trường mầm non, 201291 nhóm lớp cùng với hơn 5,4 triệu học sinh, đạt tỷ lệ ra lớp trên 63%.

Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định giáo dục mầm non là nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng, áp lực cao nhất, học sinh bé nhất, thời gian làm việc trong ngày dài nhất, lương thấp nhất so với bảng lương trong ngành giáo dục...

Dặm đường mang con chữ lên vùng hẻo lánh

Các thầy cô đến trường chăm sóc trẻ từ tinh mơ và trở về lúc chiều muộn; đối tượng của các thầy cô là trẻ nhỏ và rất hiếu động, để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, trong suốt thời gian ở trường, các thầy cô phải luôn chân luôn tay, luôn mắt, không một giây phút nào được lơ là.

Mặc dù Đảng, nhà nước và xã hội đã rất quan tâm, đã có nhiều chính sách nhưng hiện nay đời sống của giáo viên mầm non nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức xã hội và chính sách chưa tương xứng với vị trí, vai trò và sự đóng góp của các thầy cô giáo mầm non.

“Bao thầy cô bám thôn, bám bản, nỗ lực, dốc lòng dốc sức huy động trẻ đến trường chăm từng bữa ăn giấc ngủ, bao tấm gương hy sinh cả niềm vui của gia đình để đến chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng sâu, vùng xa. Có cô giáo đã tâm sự: ngày nào cũng đón các cháu đến trường, nhưng rất ít cơ hội được đưa đón con mình đi học” – Bộ trường Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Để thấu hiểu hơn giáo viên mầm non, tôi có dịp gặp cô H’Dinh Byă – giáo viên trường Mầm non Sơn Ca, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk khi cô ra Hà Nội. Cô là một trong 127 gương điển hình tiên tiến cấp học mầm non được nhận bằng khen của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. 

Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô H’Dinh Byă cho biết, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp sư phạm Đắk Lắk cô được về công tác tại một điểm lẻ của trường Mầm non Sơn Ca. Việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ mầm non mang lại cho cô rất nhiều trải nghiệm, cung bậc cảm xúc.

Cô H’Dinh Byă kể, học sinh chủ yếu là người dân tộc Kinh còn cô giáo là người dân tộc Ê đê nên lúc đầu nhiều phụ huynh không cho con đến trường vì lo ngại cô giáo không dạy được. (Ảnh: Thùy Linh)
Cô H’Dinh Byă kể, học sinh chủ yếu là người dân tộc Kinh còn cô giáo là người dân tộc Ê đê nên lúc đầu nhiều phụ huynh không cho con đến trường vì lo ngại cô giáo không dạy được. (Ảnh: Thùy Linh)

Cô H’Dinh Byă kể, nơi đây học sinh chủ yếu là người dân tộc Kinh còn cô giáo là người dân tộc Ê đê nên nhiều phụ huynh không cho con đến trường vì lo ngại cô giáo không dạy được. 

Thậm chí nhiều phụ huynh còn cho rằng trẻ đến trường chỉ chơi, nghe hát, nghe kể chuyện nên không cho con đi học, khi thấy giáo viên đến nhà tuyên truyền, vận động là họ đóng cửa, không tiếp. 

Thấu hiểu sự lo lắng đó, cô giáo trẻ chân ướt chân ráo vào nghề đã hàng ngày đến từng gia đình để giải thích, vận động phụ huynh cho em đến trường, tạo niềm tin với họ rằng cô hoàn toàn có thể dạy học sinh và đến trường ngoài ca hát, kể chuyện thì các em còn được học nhiều môn học khác. 

Cứ như vậy, cô nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh và giờ đây sau 10 năm công tác dù điều kiện người dân còn khó khăn, cơ sở vật chất của nhà trường chưa phong phú nhưng cha mẹ đã đưa con đến trường, trao cho cô giáo.
 
“Nghề giáo viên mầm non phải đối diện với nhiều áp lực, từ nhiều phía đặc biệt là áp lực từ phía phụ huynh khá lớn. Khi gửi trẻ, phụ huynh yên tâm trao con cho cô giáo, đó cũng là một niềm hạnh phúc vô bờ đối với với giáo viên”, cô H’Dinh Byă vui vẻ nói.

Cô Giàng Thị Chá ước bản làng sẽ có điện để học sinh bớt thiệt thòi
Cô Giàng Thị Chá ước bản làng sẽ có điện để học sinh bớt thiệt thòi

Cùng chung niềm vui, hạnh phúc khi nhìn thấy trẻ được bố mẹ đưa đến trường, cô Phan Thị Thu Hằng - Hiệu trường trường Mầm non Bình Văn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ:

“Trường tôi hiện có 5 nhóm lớp với 100 học sinh - nơi có tổng số học sinh ít nhất toàn huyện, dù là trường vùng cao nhưng đến nay 100% các cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số đã đến trường và bớt nhút nhát hơn hẳn”. 

Cô Hằng kể, vài năm trở về trước, phụ huynh chưa quan tâm nhiều đến việc cho trẻ đi học mầm non nhưng trường thuộc vùng 135 nên kể từ khi tỉnh có nhiều chế độ chính sách hỗ trợ học sinh như miễn giảm học phí, hỗ trợ ăn trưa… nhờ có hỗ trợ đó mà tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt cao hơn. 

Nói về đơn vị mà mình quản lý, cô Hằng tâm sự: “Chúng tôi gặp khó khăn nhất là đường đi lại và cơ sở vật chất thiếu thốn, có những điểm trường cách trung tâm khá xa ngoài ra địa phương chủ yếu là người dân tộc thiểu số”. 

Do đó, theo kinh nghiệm của cô Hằng, phương pháp dạy học hiệu quả nhất là mỗi ngày đến trường, cô giáo đối xử với trẻ bằng tình cảm yêu thương chân thành, đáp lại trẻ sẽ yêu quý và phụ huynh sẽ thực sự tin tưởng.

Thùy Linh