Nghề báo cho tôi đi nghe chuyện thanh xuân trên những điểm trường gió hú

21/06/2021 06:35
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên đỉnh núi cao, những thôn bản nằm heo hút giữa rừng, tiếng ê a của học trò tạo thành âm điệu của sự sống, thanh điệu gắn liền với những thanh xuân đã qua...

Qua 4 năm công tác tại Báo điện tử Giáo dục Việt Nam và nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, may mắn tôi được Ban biên tập tạo điều kiện để đi đến những vùng khó khăn về giáo dục như Mường Tè (Lai Châu), Nậm Pồ (Điện Biên), Lũng Cú (Hà Giang) hay những ngôi trường của tỉnh Quảng Trị nằm sâu trong dãy Trường Sơn….để tìm hiểu đời sống, các hoạt động giáo dục của thầy cô giáo, các em học sinh.

Tôi mong muốn lắng nghe và truyền tải được những chia sẻ, tâm tư của các thầy cô giáo, học sinh nơi đây.

Thanh xuân để lại ở những lớp học mù sương

Tôi nhớ chuyến đi thực tế ở huyện Mường Tè (Lai Châu), tôi đã được các thầy cô giáo dẫn đường để có thể đến được những điểm trường heo hút nhất. Khi chúng tôi đang di chuyển về xã Pa Vệ Sử, thầy giáo Nguyễn Đình Tình, Phó Hiệu trưởng Tiểu học Pa Vệ Sử chỉ vào con đường mòn kéo vệt mờ mờ qua đỉnh đồi: “Đường này bọn anh ngày xưa lên đến Chà Gá đấy. Từ xã lên đến điểm trường đó đi mất 1 ngày. Phải đi nhanh không có tối”….

Tác giả trong chuyến công tác tại điể trường U Pa Tết (Nậm Ngà - Tà Tổng- Mường Tè - Lai Châu)

Tác giả trong chuyến công tác tại điể trường U Pa Tết (Nậm Ngà - Tà Tổng- Mường Tè - Lai Châu)

Theo tay thầy Tình chỉ, “con đường” là một vệt chân trâu đi, người dân cũng đã đốt nương phủ. Cắt qua con đường mòn ấy là một con đường mới đang được thi công, đường to hơn, đi được xe máy. Nhờ có con đường ấy giờ đây các thầy cũng đỡ vất vả hơn, không còn cảnh đi đến trường bằng cả tay cả chân nữa.

Con đường mòn mà thầy Tình chỉ cho chúng tôi chỉ là một trong vô vàn khó khăn mà các thầy cô giáo ở huyện Mường Tè đã đi qua.

Trong căn phòng gỗ tuềnh toàng dành cho giáo viên, thầy giáo Lường Văn Hợp lặng lẽ nhìn ra màn sương đặc quánh quấn quanh những rẻo cao của điểm trường Sín Chải A (xã Pa Vệ Sử).

Năm học này cũng là năm học thứ 20 thầy Lường Văn Hợp (sinh năm 1979) bước vào nghề giáo và cũng là năm thứ 3 thầy cắm tại điểm trường này.

Thầy Hợp đến với Mường Tè từ những ngày theo đuôi trâu đi mở lớp rồi lại mở lớp đuổi theo nương của bà con người La Hủ.

Trong lớp học, 8 đứa trẻ quây quần nghe thầy giáo giảng bài, căn phòng học gỗ được xây dựng từ năm 1999 nay đã xuống cấp.

Có lẽ quá bất ngờ khi gặp nhà báo, thầy Hợp tỏ ra khá lúng túng không biết trả lời các câu hỏi của phóng viên như thế nào.

Lớp học xuyên nắng, gió của thầy Lường Văn Hợp và đám học trò ở Sín Chải A. Ảnh: LC

Lớp học xuyên nắng, gió của thầy Lường Văn Hợp và đám học trò ở Sín Chải A. Ảnh: LC

Khi được gợi mở những câu chuyện thường ngày, thầy Hợp mới mở lòng về hành trình từ ngày còn là chàng trai tuổi đôi mươi với khát vọng gieo chữ nơi bản cao. Câu chuyện của thầy Hợp và những người giống thầy đã được tôi viết và đăng tải trên trang giaoduc.net.vn. Nó phần nào giúp chúng ta hiểu và chia sẻ hơn với vất cả của các thầy cô cắm bản.

Không chỉ thầy cô ở huyện Mường Tè, những câu chuyện của thầy cô ở Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng để lại trong tôi nhiều tâm tư, trăn trở.

Trên đỉnh núi, thôn Hùn 2 (xã Ba Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị) có 10 nóc nhà và một điểm trường ọp ẹp được dựng bằng gỗ. Trong lớp học thầy giáo người Vân Kiều giảng bài cho…3 lớp học với 10 học sinh.

Nơi đỉnh trời này sẽ là ốc đảo mỗi khi mưa về. “Mưa rừng Trường Sơn thì suốt cả tuần, chẳng đi đâu được, ở lại đôi khi cả tháng vì mưa xong đường cũng đã đi được đâu”, thầy giáo Hồ Văn Hải – giáo viên điểm ở điểm trường thôn Hùn 2 chia sẻ.

Ngay cạnh lớp học là “tiệm tạp hóa” của thầy Hải. Tiệm tạp hóa “đặc biệt nhất thôn” bởi chỉ bán những thứ lặt vặt, nhu yếu phẩm, những thứ hàng hóa thầy Hải xuống xã mua. Và chủ yếu là…bán chịu cho dân bản.

Với thâm niên gần 20 năm cắm bản, thầy Hải bảo, công tác ở những điểm trường trên đỉnh Trường Sơn này, các thầy, các cô đều phải chuẩn bị cho mình một cái “tạp hóa” như vậy để ngoài việc giúp mình còn giúp học trò và bà con trong xóm bản.

Tại điểm trường Pa Lin của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao (Đakrông – Quảng Trị), tôi được gặp thầy giáo Hồ Văn Phùng (sinh năm 1979) là người Vân Kiều - là người thầy của 3 thế hệ của nhiều gia đình ở Pa Lin. Thế nhưng, đó chưa phải là kỷ lục khi có thầy giáo ở điểm trường A Sau dạy đến 4 thế hệ. Cả tuổi trẻ thầy Phùng đã đi gieo chữ khắp các bản cao của vùng biên giới nơi đây.

Chuyện của những người ở lại

Mỗi vùng đất, mỗi ngôi trường đều có những đặc điểm khác nhau, điều kiện khó khăn khác nhau nhưng điểm chung ở những vùng đất khó đó là tấm lòng hết mình của các thầy cô giáo.

Cho dù điều kiện vật chất còn vất vả, đời sống của các cô còn khó khăn nhưng vượt lên tất cả, thầy cô cống hiến tuổi trẻ, sức lực, trí tuệ cho học trò. Họ được người dân hết sức kính trọng, học trò yêu thương.

Thầy giáo Hồ Văn Hải và học trò trên điểm Thôn Hùn 2. Ảnh: LC

Thầy giáo Hồ Văn Hải và học trò trên điểm Thôn Hùn 2. Ảnh: LC

Có trực tiếp gặp, trò chuyện với các thầy cô giáo ở những lớp học nơi đỉnh trời gió hú, tôi nhận ra rằng cuộc sống của các thầy cô giáo khác xa những gì tôi và bạn đọc tưởng tượng. Thật không dễ để các thầy cô chia sẻ khó khăn của bản thân. Họ phải xa gia đình, con nhỏ. Đó luôn là một nỗi buồn thầm kín khó có thể sẻ chia và đó còn là những vấn đề liên quan đến chế độ, phụ cấp…

Gác lại những khó khăn đó, nhiều giáo viên trẻ đã gắn bó với giáo dục vùng cao. Cô giáo Vũ Phương Thảo- giáo viên trường Mầm Non Tà Tổng (huyện Mường Tè- Lai Châu) người đã có 15 năm gắn bó với vùng đất khó Tà Tổng chia sẻ: “Mình cũng từng phải đối diện với cả…tiếng thở của mình. Khi bốn bề yên lặng, học trò về hết, cô giáo chỉ còn lại một mình trong một căn phòng cô đơn”.

Không ít thầy cô không chịu được cảnh cô đơn, vì gánh nặng mưu sinh cũng đã bỏ lại học trò, bỏ trường, bỏ lớp về lại phố thị.

Hạnh phúc năm thứ 15 của cô giáo Vũ Phương Thảo. Ảnh: LC

Hạnh phúc năm thứ 15 của cô giáo Vũ Phương Thảo. Ảnh: LC

“Đó cũng là điều rất bình thường thôi, ai cũng có cuộc sống của mình. Khi họ không thể vượt qua được, họ phải tìm về những điều gì mình cho là tốt hơn”, thầy giáo Hoàng Linh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Pa Nang (Đakrông- Quảng Trị) chia sẻ với người viết khi nói về các thầy cô giáo đã bỏ lại vùng cao về với phố thị.

Được đi, được tiếp xúc với những giáo viên như thầy Lường Văn Hợp, thầy Hồ Văn Phùng, cô giáo Vũ Phương Thảo…và được lắng nghe câu chuyện, tâm sự rất thật của thầy cô cắm bản gieo chữ. Nghề báo đã cho tôi cái duyên đó.

Trần Phương