Ngành giáo dục Gò Vấp tự túc kinh phí đi học tập thì chẳng vấn đề gì!

25/03/2020 06:21
Ánh Dương
(GDVN) - Nếu Trường Bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho giáo viên đi học tập thực địa bằng tiền túi cá nhân thì rất đáng hoan nghênh.

Không lạ… những chuyến đi

Ngày 24/3/2020, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: “Ngành giáo dục Gò Vấp 4 lần liên tục đi học tập thực địa tỉnh xa, thu tiền triệu”, thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh. [1]

Nội dung bài báo cho biết, Trường Bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh 4 tháng tổ chức 4 chuyến đi học tập thực địa bên ngoài thành phố cho giáo viên trong quận.

Cụ thể, những lần đi học tập thực địa này đều được kết hợp với du lịch, tổ chức bên ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, tham quan và tổ chức ở những địa điểm rất xa, chuyến đi dài ngày, qua nhiều địa phương khác nhau.

Thời gian học tập thực tế chỉ chiếm một khoảng thời gian nhỏ, chi phí của người tham gia đóng cao hơn nhiều so với giá ngoài thị trường.

Hình ảnh một chuyến tham quan của sinh viên. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Dialy.hcmussh.edu.vn)
Hình ảnh một chuyến tham quan của sinh viên. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Dialy.hcmussh.edu.vn)

Thế nhưng, với giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh thì không ai lạ gì những chuyến đi như thế này, bởi nhiều quận huyện thường xuyên tổ chức.

Họ đi từ tầm “vi mô” ở cấp tường, cho đến tầm “vĩ mô” lên đến Phòng, Sở. 

Hàng năm, cứ đến mùa mưa (Sài Gòn có hai mùa rõ rệt, đó là mùa mưa và mùa khô.

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, còn mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4), khoảng thượng tuần tháng 10 là ngành giáo dục thường tổ chức những chuyến đi sinh hoạt chuyên môn ngoài thành phố và rải rác kéo dài sang mùa khô năm sau – một vòng khép kính như chu kì tuần hoàn của trời đất.

Những điểm đến quen thuộc mà cán bộ quản lí thường ấn định là Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt, Cần Thơ… và cũng có khi đi xa hơn đến tận miền Trung, miền Bắc hoặc một phương trời mơ ước nào đó.

Đi nhiều, sinh hoạt chuyên môn chẳng được bao nhiêu

Chúng tôi công tác một trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố, đã từng có dịp “tháp tùng” lãnh đạo trong những chuyến đi này.

Hoạt động ngoại khóa – sân sau tiềm tàng của hiệu trưởng
Hoạt động ngoại khóa – sân sau tiềm tàng của hiệu trưởng

Chuyến đi xa nhất mà chúng tôi tham gia là thành phố Vũng Tàu (cách Sài Gòn 100 km) để sinh hoạt chuyên môn cụm với giá tour 2 triệu đồng (2 ngày 1 đêm).

Thành phần của chuyến đi này là ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn, trợ lí thanh niên, kế toán và thủ quỹ của các trường lên tới cả trăm người.

Đến với thành phố biển nổi tiếng ở vùng Đông Nam bộ, ngày thứ nhất, “cán bộ chủ chốt” của từng trường tự do sinh hoạt như ngủ, tắm biển, mua sắm…

Tối đến thì các trường tập trung ăn cơm ở nhà hàng sát biển ngập tràn gió lạ, cùng với màn giao lưu văn nghệ (hát với dàn nhạc sống, có nhạc công đệm organ) để thặt chặt tình đoàn kết giữa các trường trong quận với nhau.

Không biết sợi dây đoàn kết thắt lại được bao nhiêu, nhưng các hiệu trưởng, hiệu phó thì có dịp tửu nhập ngôn xuất – hát hò vang cả nhà hàng, chẳng kém gì yến tiệc.

Trong cơn say vì hơi men và không gian đã được đổi gió (so với tiết trời ở Sài Gòn), nhiều vị hiệu trưởng không quên tự hào ra mặt về phong trào và thành tích của trường mình. 

Nào là năm nay trường tổ chức được bao nhiêu giải thể thao, rồi thì những học sinh, giáo viên tiêu biểu đạt giải cấp trường, Sở…

Cùng với đó là những tràng vỗ tay của những con người “khi vui thì vỗ tay vào” và tiếng cụng li “dzô”, “dzô” đôm đốp.

Rượu, bia vào, nhiều người đã thấm mệt trở về khách sạn say giấc nồng. Nhưng cũng có tốp ngồi đến canh 3 (giờ Tý – 23 đến 1 giờ sáng) mới lảo đảo về phòng. Thế mới biết, giáo viên dễ có... mấy tay về tửu lượng!

Sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao bằng mấy con sào (khoảng 9 giờ) thì cuộc họp gọi là sinh hoạt chuyên môn mới bắt đầu.

Cụm trưởng – cũng là hiệu trưởng của một đơn vị, mặt còn ngái ngủ cầm tớ giấy A4 đọc sơ kết những việc đã làm được trong năm qua và đề ra phương hướng cho năm học mới.

Sau khoảng 15 phút đọc, vị cụm trưởng dừng lại (vì đã hết nội dung) và xin ý kiến đóng góp của giáo viên.

Đợi khoảng 1 phút quan sát hội trường không có cánh tay nào đưa lên, cụm trưởng tuyên bố kết thúc cuộc họp, cám ơn các trường đã nhiệt tình tham gia và hẹn năm sau gặp lại.

Đầu giờ chiều, chuyến xe đưa chúng tôi trở lại Sài Gòn trong niềm hân hoan của mọi người với chuyến sinh hoạt chuyên môn thành công tốt đẹp.

Góc khuất…

Nhưng chẳng mấy ai biết rằng, số tiền chi 2 triệu đồng/người cho chuyến đi đều là tiền lấy từ kinh phí của trường.

Hoạt động trải nghiệm sao cứ nhất thiết phải đưa học sinh đi tham quan du lịch?
Hoạt động trải nghiệm sao cứ nhất thiết phải đưa học sinh đi tham quan du lịch?

Điều đáng nói là, những chuyến đi như thế này hầu như chỉ gắn với một công ty nhất định và người đứng ra tổ chức cũng không mấy lạ mặt.

Chẳng biết công ty này có dây mơ rễ má với ai không và người tổ chức có thực sự vô tư, trong sáng dấn thân cho… chuyên môn hay không, là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Với đơn vị sở tại, khi chi khoản này thì phải cắt khoản kia, không cắt hoạt động của học sinh thì cũng cắt phúc lợi của tập thể giáo viên, nhân viên – mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Ngoài ra, những chuyến đi này cũng là mầm móng cho nhóm lợi ích ở trường học có dịp nhen nhóm, hình thành, phát triển dẫn đến xa rời lợi ích của học sinh, giáo viên.

Khi nhóm lợi ích hình thành thì trường học sẽ mất dân chủ bởi cái nhóm này thường rất bảo vệ nhau và sẽ triệt tiêu sự đấu tranh của giáo viên.

Trở lại việc Trường Bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho giáo viên liên tục đi học tập thực địa bên ngoài thành phố, nếu người đi tự bỏ tiền túi cá nhân mà học thì chẳng vấn đề gì.

Bởi nói như bà Trần Thị Bích Thuận – Phó Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng khi trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:

“Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức các buổi tập huấn, thảo luận, đề xuất ý kiến cho tất cả các mặt hoạt động của ngành… cũng như mong muốn tăng cường các buổi học tập thực địa để đổi mới giáo dục từ các trường”. [1]

Nếu số tiền này được lấy tiền từ ngân sách của từng đơn vị kết hợp với việc đi du lịch không trong sáng thì rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Còn nhớ, năm 2018 Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo cụ thể cho ngành giáo dục thành phố: không tổ chức các hội nghị tổng kết, sơ kết, hội nghị chuyên đề của ngành ngoài địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gây tốn kém, lãng phí và không thật sự cần thiết. [2]

Công bằng mà nói, ngành giáo dục Gò Vấp nhiều năm qua đã có những thành tích nổi trội so với các quận, huyện khác của Thành phố Hồ Chí Minh, cũng nhờ công tác chuyên môn được đầu tư có hiệu quả.

Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành giáo dục Gò Vấp tổ chức đi thực địa nhiều chuyến kết hợp với du lịch, đến những địa phương ngoài thành phố như Kiên Giang, An Giang, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, đi qua các địa bàn Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn với chi phí hàng chục triệu đồng khiến giáo viên bức xúc phản ánh là có cơ sở.

Thiết nghĩ, chăm lo chuyên môn là việc cần làm và làm cho tới nơi tới chốn vì giáo dục là quốc sách.

Nhưng, nếu nếu tổ chức những hoạt động (gắn với giáo dục) thiếu minh bạch, gây lãng phí và chưa rõ hiệu quả đến đâu thì có lẽ đã đến lúc ngành giáo dục Gò Vấp nên chấm dứt để khỏi mang tiếng và tai tiếng.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/nganh-giao-duc-go-vap-4-lan-lien-tuc-di-hoc-tap-thuc-dia-tinh-xa-thu-tien-trieu-post207959.gd

[2] //www.phunuonline.com.vn/sang-chanh-nhu-nganh-giao-duc-tp-hcm-a109949.html

Ánh Dương