Ngân hàng thế giới đánh giá, hệ thống giáo dục Việt Nam phát triển ấn tượng

20/10/2018 07:46
Thùy Linh
(GDVN) - 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, ngành giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.

Ở bậc mầm non, ngành đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt đối với khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,; quy định về tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục. 

Các chương trình, đề án phát triển giáo dục mầm non được tăng cường. Vì thế, chất lượng giáo dục ở bậc học này ngày càng được nâng lên.

Với giáo dục phổ thông, việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được triển khai hiệu quả. 

Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. 

Đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; thẩm định các chương môn học và tổ chức thực nghiệm chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa: VTV)
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, chất lượng giáo dục ở các cấp học, trình độ đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh minh họa: VTV)

Với bậc đại học, đào tạo đã bắt đầu gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động. 

Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên.

Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển rõ rệt, vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có 02 đại học nằm trong nhóm 1000 trường danh tiếng nhất thế giới.

Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình đại học tự chủ không có Bộ chủ quản nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình đối với xã hội của các cơ sở giáo dục đại học...

Mặc dù đạt những kết quả tích cực nhưng ngành giáo dục vẫn còn những tồn tại cần giải quyết ví như, tiến độ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới bị chậm năm, chưa bảo đảm lộ trình tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ngân hàng thế giới đánh giá, hệ thống giáo dục Việt Nam phát triển ấn tượng ảnh 2Ngân sách đã chi cho giáo dục riêng năm 2017 là hơn 248 ngàn tỷ đồng

Hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi có đổi mới nhưng chưa đồng bộ:

Cấp tiểu học thực hiện quy chế đánh giá năng lực người học, còn cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn thực hiện quy chế đánh giá kết quả học tập.

Chương trình học tập là các môn học riêng nhưng lại tổ chức các bài thi tổng hợp.

Giáo dục phổ thông chuyển sang định hướng đánh giá năng lực, trong khi giáo dục đại học vẫn đánh giá kết quả học tập theo niên chế kết hợp học phần.

Chất lượng hệ thống đánh giá người học của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế.  

Mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo đang được phân bố theo vùng miền và địa phương thiếu khả năng liên kết vùng và sự dịch chuyển của lực lượng lao động giữa các địa phương; việc đầu tư cho giáo dục đại học dàn trải chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực. 

Hệ thống giáo dục đại học chưa được phân tầng theo các định hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng để xác định tỷ trọng giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ, làm căn cứ xác định trọng tâm đầu tư để có sản phẩm chất lượng cao; hệ thống giáo dục đại học chưa được phân loại về chất lượng giáo dục, do đó chưa có chính sách ưu tiên đối với nhóm cơ sở giáo dục đại học hoạt động hiệu quả.

Và trong 3 năm gần đây, số lượng dự án hợp tác quốc tế, tổng vốn tài trợ cho các dự án tài trợ không hoàn lại, chương trình hỗ trợ theo các thỏa thuận và điều ước đã ký kết bị suy giảm. Công tác quản lý cơ sở giáo dục nước ngoài, các cơ sở giáo dục liên kết với nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. 

Thùy Linh