Nếu phát hiện học sinh xăm mình, nhà trường xử lý thế nào?

15/05/2021 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh đã biết lỗi xin trường xem xét. Mọi người phạm pháp còn được xem xét đủ khía cạnh giảm nhẹ chứ nói gì đến học sinh. Các em cần uốn nắn hơn là triệt tiêu.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề nếu học sinh xăm hình thì các trường học sẽ xử lý thế nào? Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), nêu quan điểm: “ Trước tiên chúng ta cần quan tâm đến mấy điểm sau, thứ nhất là tất cả những quy định này của nhà trường đã được thông báo trước, chi tiết với mỗi sự việc học sinh không được làm hay chưa?

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam và con trai. Ảnh: NVCC.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam và con trai. Ảnh: NVCC.

Những vi phạm kiểu như vậy đã được thông báo trước là sẽ đuổi học hay có các hướng xử lý ra sao tới từng gia đình học sinh hay chưa? Hay chỉ nói không được vi phạm quy định đó thôi?

Còn nếu khẳng định những quy định đó bắt buộc là phải nghỉ học hay thế nào? Tự nhiên bây giờ em học sinh đó vi phạm quy định và nhà trường vô tình biết được qua mạng xã hội rồi quyết định cho em đó nghỉ học thì theo tôi là hình thức đó quá nặng theo cách nhìn của học sinh đó.

Việc bị nghỉ học sẽ làm cho em học sinh đó khó khăn trong suy nghĩ và thậm chí có một thái độ khác tiêu cực về nhà trường và các thầy cô.

Điều thứ hai tôi thấy trường học nào đi nữa thì trường đó cũng nằm trong hệ thống Giáo dục của Việt Nam, mà mới đây có Thông tư của Bộ Giáo dục về “Kỷ luật tích cực” và những kỷ luật cao nhất theo Thông tư này là cho học sinh nghỉ học một vài tuần.

Vậy một trường nào đó “vận động” hoặc đưa ra quyết định vi phạm như vậy và cho em học sinh đó nghỉ học luôn thì liệu có đúng với Quy định của Bộ? Đã là trường học thì bắt buộc phải có sự thống nhất trong hệ thống Giáo dục.

Thứ ba là Giáo dục phải dựa trên triết lý sống, hiện nay chúng ta đang nói đến nhân bản, khuyến khích sự sáng tạo của người học, khuyến khích sự độc đáo, năng lực bản thân, phát triển việc học…thì mỗi trường có quyền xây dựng nội quy riêng, nhưng có nên đưa ra những quy định quá chặt chẽ, đi ngược sự phát triển của xã hội đang hội nhập?”.

Học sinh xăm mình. Ảnh minh họa: H.A.
Học sinh xăm mình. Ảnh minh họa: H.A.

Những hành vi nào được chấp nhận, hay không?

Thầy Nam nêu quan điểm: “Thường để có những hình thức kỷ luật phải được đặt trên một số câu hỏi: Liệu rằng hành động đó có gây mất an toàn cho xã hội hay không? Có nghĩa sẽ gây mất an toàn cho bản thân em học sinh đó, cho các bạn trong trường và cho tập thể nhà trường?

Điều nữa là em học sinh đó xăm chữ là những chữ mang tính chất thù hận, kích động, xúi bẩy mọi người làm điều xấu ảnh hưởng đến xã hội và cộng đồng, không tôn trọng mọi người…mang tính chất tiêu cực hay không? Hay đó là tên của chính em đó, thậm chí là một bông hoa nho nhỏ trên tay? Điều đó vô hại.

Tất cả những điều đó sẽ quyết định rằng hành vi của em học sinh đó có phù hợp hay không phù hợp? Ví dụ bản thân em đó luôn luôn ý thức không bao giờ để lộ hình xăm đó ra khi ở trong trường học thì theo tôi không vấn đề gì.

Đôi khi và nhất là hiện nay chúng ta đề cao sự tôn trọng cá nhân và đó là điều đúng. Đôi khi các thầy cô xây dựng nội quy nhà trường, xây dựng hành động nào bị cấm hoặc không bị cấm? Nhưng thầy cô nên đặt việc đó vào bối cảnh triết lý Giáo dục mới thì đương nhiên các thầy cô cần phải điểu chỉnh một số quy định, suy nghĩ về sự việc cho phù hợp.

Tôi nghĩ rằng nếu nhà trường đưa ra được những quy định chi tiết, và những quy định đó được giải thích bằng triết lý rõ ràng, mọi người đều thấy thuyết phục và thực hiện theo, đó mới là đúng.

Các thầy cô hay tất cả chúng ta không thể cho mình “quyền” vi phạm quá nhiều vào quyền tự do của người khác một cách quá khắt khe như vậy, tự đưa ra những hình thức kỷ luật quá mức”.

Thầy Nam chia sẻ thêm: “Tôi vẫn ủng hộ việc nhà trường đưa ra những nội quy, ví dụ việc bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường, có nhiều học sinh nói rằng không thích mặc đồng phục, xấu hoặc vướng…

Nhưng nếu nhà trường giải thích được cho các con rằng việc mặc đồng phục sẽ tạo ra sự công bằng ai cũng như ai, không phân biệt giàu, nghèo, thân phận… giữa các học sinh trong trường, việc đó là rất cần thiết.

Ngoài ra nếu không có đồng phục dẫn đến sẽ có quá nhiều trang phục không hợp với môi trường sư phạm, ảnh hưởng đến học sinh nếu như các em tự do mặc khi đến trường. Nếu thuyết phục như vậy thì học sinh hay ai đi nữa cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận”.

Xăm mình và ý nghĩa của nó với mục đích đơn giản là cá nhân đó muốn lưu giữ một kỷ niệm của bản thân. Ảnh minh họa: H.A.
Xăm mình và ý nghĩa của nó với mục đích đơn giản là cá nhân đó muốn lưu giữ một kỷ niệm của bản thân. Ảnh minh họa: H.A.

Thầy cô cần thay đổi những suy nghĩ “định hình"

Thầy Nam cho biết: “Trước đây chúng ta vẫn nghĩ bệnh Tâm thần bột phát là điên, là nguy hiểm…nhưng sức khỏe tâm thần giờ đây là do các con đang khó khăn tâm lý dẫn đến stress, lo âu, trầm cảm…đó là việc rất bình thường với đời sống xã hội hiện nay.

Thậm chí là mọi người cần phải thông cảm, hiểu cho con người đó và tự mình phải thay đổi quan niệm về mọi việc trong xã hội hiện đại, xã hội đã thay đổi thì mình không thể đứng ngoài cuộc.

Hoặc trước đây những người sống độc thân, không muốn kết hôn thì mọi người lại nghĩ họ có “vấn đề”, nhưng giờ đây người độc thân vẫn có và có thể còn nhiều hơn, hoặc xu hướng kết hôn muộn. Như vậy mình không thể gán nhãn “xấu” về người đó được.

Xăm mình giờ đây có thể là đại diện cho một lối sống, hoặc một phong cách nghệ thuật nào đó, thậm chí xăm mình và ý nghĩa của nó với mục đích đơn giản là cá nhân đó muốn lưu giữ một kỷ niệm của bản thân, cảm xúc cá nhân mà cá nhân họ làm việc đó nhưng luôn luôn có ý thức không làm tổn hại đến ai và xã hội, như vậy tại sao chúng ta có “quyền” can thiệp vào, bắt họ phải giống như mình. Đó là điều vô lý.

Hơn nữa kỷ luật tích cực là khi học sinh phạm lỗi thì cần được thầy cô thấu hiểu, không phải các em cứ phạm lỗi là bị đuổi học. Giáo dục là việc định hướng nhân cách của trẻ. Nếu cứ vi phạm là đuổi học, hoặc "tự rút học bạ" nghỉ học sẽ tạo nên môi trường không tốt cho sự phát triển của học sinh".

Ông Nam nhấn mạnh: "Vậy thì đối với quy định xăm mình, nhà trường cũng cần giải thích lí do vì sao cấm để nhận được đồng thuận của học sinh, phụ huynh để mọi người hiểu rõ, cam kết không vi phạm. Mặt khác, nhà cũng cần nói rõ nếu vi phạm quy định này thì sẽ xử lý kỷ luật ra sao?

Ở trong những môi trường khác, những quy định về hình thức của cá nhân có thể không nghiêm khắc như trường học, nhưng vì các em đang ở trong lứa tuổi được bảo hộ, được giáo dục và hình thành nhân cách, nên cần có những quy định cụ thể để định hướng cho các em. Điều này là đúng đắn".

Tùng Dương