Nếu phải đứng lớp và soạn giáo án theo mẫu 5512 Vụ trưởng Thành đã không nói thế

08/06/2021 06:30
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên cương vị là Vụ Giáo dục Trung học, thầy Thành có xót xa khi trên mạng xã hội thì “quân” của mình đang chào bán, hỏi mua giáo án theo Công văn 5512 hay không?

Sau 7 năm làm Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thì đến ngày 17/3/2020, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành được Bộ giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học. Điều này cũng đồng nghĩa là thầy Nguyễn Xuân Thành có đủ thời gian để hiểu rất kỹ về giáo dục phổ thông cùng những thay đổi của ngành trong những năm qua.

Cũng từ khi thầy Thành lên làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thì Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành khá nhiều văn bản để chỉ đạo chuyên môn cho các cấp học phổ thông. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, được Bộ ban hành ngày 18/12/2020.

Bởi văn bản này có tác động trực tiếp đến đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện các kế hoạch, soạn ra những “kịch bản” để giảng dạy cho học trò. Tuy nhiên, cũng chính văn bản này tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong đội ngũ nhà giáo bởi những áp lực về hồ sơ sổ sách sẽ tăng lên rất nhiều.

Trong bài viết nhỏ này, bản thân người viết- một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở một trường phổ thông có đôi điều trao đổi thêm với thầy Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học để thấy vì sao giáo viên dưới cơ sở lại không đồng tình với nội dung Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ.

Tiếng lòng của giáo viên sau một bài báo

Điều đầu tiên chúng tôi muốn gửi đến thầy Nguyễn Xuân Thành -Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học là cảm ơn thầy đã lên tiếng để giải đáp những thắc mắc về Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, điều này cho thấy sự cầu thị của lãnh đạo Bộ, cũng như của cá nhân Vụ trưởng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, ảnh: moet.gov.vn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành, ảnh: moet.gov.vn.

Tuy nhiên, những điều Vụ trưởng chia sẻ là chưa đủ để giải đáp được những băn khoăn của hàng triệu giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường.

Bởi, ngay sau bài viết thầy trả lời phóng viên Thùy Linh được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 05/6/2021 thì hàng loạt phản hồi của đội ngũ nhà giáo đã tiếp tục lên tiếng về sự việc này.

Cùng với những phản hồi của bạn đọc sau bài viết này thì những ngày sau đó có thêm một số bài viết phản biện đầy tâm huyết của một số nhà giáo, như bài: Vụ trưởng Thành giải thích về thư công tác mẫu giáo án 5512, tôi càng hoang mang của tác giả Hồng Nhung;

Bài Bộ nên cầu thị thu hồi Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, bỏ mẫu giáo án dài dòng vô bổ của tác giả Sơn Quang Huyến; bài Vụ trưởng làm ơn cho xem mẫu giáo án 5512 chỉ 3-5 trang, chớ nói cho qua chuyện của tác giả Thanh An đã làm rõ thêm những điều thầy đã trao đổi.

Đó là chưa kể đến hàng chục bài viết trước đây đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong những tháng vừa qua từng phân tích, phản biện và, phản ánh những bất cập trong thực tế về chủ đề mẫu giáo án 5512.

Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn tiếng lòng của giáo viên được phản ánh trên các trang facebook của giáo viên sau khi những bài viết này được chia sẻ. Ở đó là những trăn trở của những người sẽ trực tiếp soạn thảo 4 kế hoạch theo 4 phụ lục mà Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH của Bộ đã hướng dẫn, yêu cầu.

Họ lên tiếng không hẳn là vì họ sợ khó, sợ khổ bởi ngành giáo dục của chúng ta hàng chục năm qua đã có quá nhiều những hồ sơ sổ sách vô bổ, Bộ cũng là nhiều lần ra văn bản quy định, giảm tải về số lượng hồ sơ số sách nhưng rồi giảm chỗ này lại tăng ở chỗ khác.

Nếu Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành là giáo viên đứng lớp….

Vụ trưởng Thành có biết vì sao mà sau khi Bộ ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì giáo viên lên tiếng nhiều như thế không?

Vụ trưởng có biết vì sao sau khi mình trả lời những thắc mắc của giáo viên về Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì vẫn chưa nhận được sự đồng tình của giáo viên hay không?

Thứ nhất: cho dù Vụ trưởng chia sẻ rằng: “Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh…”.

Thôi thì cứ cho rằng có giáo viên sẽ xác định “không trúng vấn đề” nên mới nói chuyện soạn giáo án theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đến hàng chục trang giấy cho một 1 tiết dạy….

Nhưng, chẳng lẽ giáo viên cốt cán đi tập huấn ở Bộ về lại cũng “không” xác định đúng vấn đề nên họ đang hướng dẫn giáo viên soạn giáo án ở chương trình tập huấn dài lê thê đến thế?

Không tin, thầy Thành cứ vào kiểm tra các bài tập của mỗi mô-đun mà giáo viên đã nộp trên phần mềm tập huấn trực tuyến. Đến bây giờ, giáo viên chúng tôi đã tập huấn xong 3 mô- đun mà vẫn chưa soạn xong giáo án một bài dạy vì nhiệm vụ mỗi mô-đun mỗi khác…

Chỉ riêng kế hoạch đánh giá bài học (mô-đun 3) thì giáo viên chúng tôi cũng đã phải thực hiện đến hơn 5 trang giấy A4, trong khi phần này mới chỉ là một phần trong giáo án mà thôi.

Không tin, thầy Thành có thể đọc lại từng câu chữ hướng dẫn trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH- văn bản mà có thể chính Vụ Giáo dục Trung học của thầy Thành tham mưu, chắp bút soạn thảo ra.

Mục nào cũng yêu cầu giáo viên “nêu cụ thể”, hoạt động nào cũng hướng dẫn, yêu cầu giáo viên liệt kê: “mục tiêu cần đạt”; “dự kiến”;”phương pháp”; “kĩ thuật dạy học”…

Chính vì thế, Vụ trưởng nói: “chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang” thì không biết thầy căn cứ vào điều gì? Văn bản hướng dẫn cụ thể thì Bộ đã ban hành rồi, tập huấn thì Bộ đang triển khai cho giáo viên trên cả nước.

Hàng triệu sản phẩm đã được giáo viên nộp trên phần mềm trực tuyến chẳng lẽ không phải là minh chứng sinh động cho những điều mà giáo viên đã lên tiếng về Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH hay sao?

Thứ hai: Nếu giả dụ thầy Thành đóng vai một giáo viên dạy môn Ngữ văn trung học cơ sở mà kiêm nhiệm thêm tổ trưởng chuyên môn thì thầy sẽ thực hiện việc làm các kế hoạch này như thế nào?

Bởi, theo quy định hiện nay, mỗi tuần giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết và bao giờ giáo viên cũng được phân công dạy 2 khối lớp.

Chúng tôi tạm tính như thế này, nếu thầy Thành được phân công dạy 2 lớp 9 (10 tiết) và 1 lớp 8 (4 tiết), kiêm nhiệm thêm tổ trưởng (3 tiết/tuần). Như vậy, vẫn còn thiếu 2 tiết theo quy định nhưng chỉ cần chừng ấy thôi…

Nếu căn cứ theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì tổ trưởng chuyên môn bắt buộc phải thực hiện cả 4 kế hoạch theo 4 phụ lục thì thầy Thành sẽ xử lý công việc này như thế nào?

Đối với Kế hoạch bài dạy (giáo án) 2 khối sẽ có 315 tiết ( giáo án 9 có 175 tiết, giáo án 8 có 140 tiết) nếu tính theo thầy Thành chia sẻ trong bài phỏng vấn sẽ có 2-3 trang/tiết thì 2 bộ giáo án có khoảng 800 trang, tính theo cách giáo viên đang thực hiện thì rơi vào khoảng 2-3 ngàn trang A4.

Các kế hoạch 1, 2, 3 còn lại nếu làm cụ thể như hướng dẫn, liệt kê mục tiêu cần đạt từng bài, từng chủ đề của cả 4 khối thì ít nhất cũng phải mấy trăm trang giấy A4 nữa (bài viết Vụ trưởng làm ơn cho xem mẫu giáo án 5512 chỉ 3-5 trang, chớ nói cho qua chuyện của thầy Thanh An đã phân tích kĩ chỗ này).

Chỉ cần như vậy thôi, thầy Thành có còn thời gian để làm những công việc khác như: đứng lớp, họp hành, thu tiền học sinh, vận động học sinh khi bỏ học…nữa không?

Trên cương vị là Vụ Giáo dục Trung học, thầy Thành có xót xa khi trên mạng xã hội thì “quân” của mình đang chào bán, hỏi mua giáo án theo Công văn 5512 hay không?

Tuy nhiên…thầy không phải là giáo viên đứng lớp nên mọi chuyện thấy giản đơn hơn nhiều và nói cũng dễ hơn thực hiện rất nhiều.

Chúng tôi hy vọng, trên cương vị là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thì thầy Nguyễn Xuân Thành cùng cán bộ, chuyên viên ở Vụ mà thầy phụ trách cần có những bàn bạc thấu đáo, kỹ lưỡng để có hướng dẫn lại về Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH trước khi năm học 2021-2022 được chính thức bắt đầu.

Bỏ thì tốt và không bỏ thì sẽ thực hiện ra sao để phù hợp, hiệu quả và tiện lợi nhất cho người thầy. Bởi, thời điểm này là lúc toàn ngành giáo dục đang hướng tới mục tiêu thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Muốn chương trình mới hiệu quả thì phải thay đổi cách chỉ đạo, giảm tải cho giáo viên đứng lớp chứ không phải là những kế hoạch nặng nề, hình thức như hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-truong-vu-giao-duc-trung-hoc-giai-thich-mau-giao-an-5512-va-thu-cong-tac-post218343.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN