Nếu không thể yêu trẻ xin hãy từ bỏ nghề!

28/11/2017 06:54
Hoàng Phương
(GDVN) - Nếu như trước đây, tôi mong muốn con đến trường sẽ học được nhiều điều hay lẽ phải thì nay xem những thước phim này, tôi chỉ mong con được an toàn.

LTS: Vụ việc bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (thành phố Hồ Chí Minh) đang khiến dư luận hết sức bức xúc.

Nhiều phụ huynh đã bày tỏ lo ngại, bất an khi gửi con em mình đến nhà trẻ.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được chia sẻ của tác giả Hoàng Phương, một phụ huynh đang có con đi nhà trẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Tôi đã không thể đủ kiên nhẫn để xem hết những thước phim quay lại sự bạo hành trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (xảy ra trên địa bàn quận 12, thành phố Hồ Chí Minh).

Một sự hoang mang trong đầu khiến tôi không thể suy nghĩ được gì ngoài những từ “man rợ”, “tàn nhẫn”.

Một sự bất nhẫn đến tàn tệ

Đây không phải là lần đầu tiên báo chí lên tiếng phản ảnh về tình trạng bạo hành trẻ em của các bảo mẫu.

"Tôi chỉ muốn con mình được an toàn khi đến trường". (Ảnh nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
"Tôi chỉ muốn con mình được an toàn khi đến trường". (Ảnh nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

Hầu như năm nào báo chí cũng phát hiện và phanh phui một vài vụ bạo hành trẻ xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non.

Cách đây vài tháng, mạng xã hội đã từng hãi hùng trước hình ảnh một cô quản lý nhóm lớp mầm non Apollo (cơ sở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) dốc ngược đầu trẻ dọa ném qua cửa sổ.

Rồi những hình ảnh bảo mẫu dọa ném trẻ vào thùng phi, dùng tay, chân đánh dã man vào đầu, chân, tay, thân thể trẻ.

Con số và hành vi bạo hành trẻ vẫn chưa dừng lại. Đó là nỗi đau nhức nhối, gây hoang mang cho những bậc phụ huynh.

Hãy tìm ra nguyên nhân và bảo vệ thế hệ trẻ khi các em chưa thể tự lên tiếng bảo vệ chính mình.

Trước tiên hãy yêu trẻ như yêu từng mạch máu của mình

Nếu như trước đây, tôi mong muốn con mình sẽ học được nhiều điều hay lẽ phải khi đến trường thì nay khi xem những thước phim này điều tôi mong mỏi nhất đó là sự an toàn.

Nếu sự an toàn bị đe dọa thì không thể nào đạt được bất cứ một mục đích giáo dục nào nữa.

Bởi lẽ, nếu đứa trẻ phải sống trong môi trường bạo lực, luôn có tâm lý lo sợ thì làm sao có thể phát triển một cách bình thường?

Đứa trẻ đó không thể ăn ngon, ngủ yên và không học hành được bất cứ điều gì ở một môi trường bất an như thế.

Nếu không thể yêu trẻ xin hãy từ bỏ nghề! ảnh 2

Cô giáo trường Mầm Xanh bạo hành, đày đọa trẻ mầm non

Chưa kể sự bạo hành này còn đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của đứa trẻ bất cứ lúc nào.

Nhìn những ánh mắt sợ hãi, những bàn tay run lên bần bật, những bước chân lùi lại, nép vào một góc của những đứa trẻ khi cô bảo mẫu vung tay, lớn tiếng, đạp chân,…thì không thể nào hình dung nổi sự áp lực của một đứa trẻ đã phải gánh chịu lớn thế nào.

Vẫn biết, nghề nào cũng có đặc thù riêng, những khó khăn vất vả riêng cần sự thấu hiểu. Nghề bảo mẫu cũng vô cùng vất vả.

Chăm sóc một đứa trẻ đôi khi cũng có lúc nóng nảy, la lối hay dùng những hình phạt.

Nhưng tất cả phải xuất phát từ tình thương yêu và sự phát triển của con trẻ.

Xã hội và phụ huynh có thể thấu hiểu được sự vất vả khi các cô phải ngày ngày chăm sóc và dạy dỗ cho trẻ.

Sự dạy dỗ đó có thể không tránh khỏi những hình phạt để trẻ đi vào nề nếp, gương mẫu.

Nhưng những hành động man rợ, đánh đập dã man như những gì đã xảy ra tại các cơ sở tư thục mà báo chí đã phản ánh thì không thể nào chấp nhận được.

Nó sẽ để lại những thương tổn vô cùng lớn cho những đứa trẻ mà khó lòng đo đoán được.

Và mỗi người đã chọn nghiệp giáo viên dạy trẻ thì hãy ý thức được trách nhiệm và sự vất vả của nghề.

Nếu thiếu đi sự kiên nhẫn, tình yêu thương đối với trẻ thì hãy rời bỏ nghề này. Xin hãy yêu trẻ như từng mạch máu của chính mình.

Hãy để trẻ được đến trường an toàn

Hầu hết, các cơ sở để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ là các cơ sở mầm non tư thục, giá rẻ.

Nếu không thể yêu trẻ xin hãy từ bỏ nghề! ảnh 3

Ở Mầm Xanh làm gì có chuyện bộc phát, lỡ tay, đó là hành động của quỷ

Phụ huynh nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Nhưng vì điều kiện hoàn cảnh họ không có đủ khả năng để đăng ký cho con được học các trường tư thục chất lượng cao.

Còn các trường công (giá hợp lý hơn) thì phải có hộ khẩu đúng tuyến.

Mà công nhân thì chủ yếu là dân ngoại tỉnh, vì vậy họ đành chấp nhận gửi con mình ở các cơ sở tư thục giá rẻ này.

Thiết nghĩ, cần phải siết lại cơ chế quản lý các cơ sở mầm non, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục.

Cần phải có sự quản lý chặt chẽ các điều kiện về cơ sở vật chất, con người… trước khi cấp phép cho mở lớp.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường đầu tư các cơ sở giáo dục mầm non dành cho con em công nhân, gia đình có thu nhập thấp để tạo điều kiện cho các bé được đến trường an toàn.

Hoàng Phương