Nếu đi học lại từ 4/5 thì học sinh không nên quá lo

28/04/2020 14:19
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Tinh giảm không có nghĩa là cắt xén chương trình, có thể hiểu trước kia học quá rườm rà, trùng lặp, sau tinh giảm thì tổng kiến thức không thay đổi quá nhiều.

“Nếu học sinh đi học trở lại theo dự kiến từ ngày 4/5 thì thời gian học trực tiếp còn hơn 10 tuần, như vậy tôi thấy không có gì đáng lo về thời gian cho học sinh ôn tập.

Tôi nói không lo là bởi suốt thời gian vừa qua trường chúng tôi đã tổ chức học trực tuyến, học Online rất tốt, vậy nên kiến thức và kỹ năng cần thiết trong chương trình đã đạt được 2/3, chỉ cần 1,5 tháng nữa là chúng tôi hoàn thành chương trình học.

Với khối 9 còn 4 tuần để ôn và khối 12 chúng tôi sẽ luyện tới sát ngày thi, vậy nên thời gian để học sinh ôn thi không có gì quá lo lắng”, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: “Nếu học sinh đi học trở lại theo dự kiến từ ngày 4/5 thì thời gian học trực tiếp còn hơn 10 tuần, như vậy tôi thấy không có gì đáng lo về thời gian cho học sinh ôn tập". Ảnh: Tùng Dương.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: “Nếu học sinh đi học trở lại theo dự kiến từ ngày 4/5 thì thời gian học trực tiếp còn hơn 10 tuần, như vậy tôi thấy không có gì đáng lo về thời gian cho học sinh ôn tập". Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Hòa: “Quan điểm của tôi thì Bộ Giáo dục đã tinh giảm chứ không phải là giảm tải, tôi vẫn nói như vậy để giáo viên và học sinh hiểu rõ. Tinh giảm có nghĩa trước đây kiến thức là 10 thì bây giờ còn lại 7 phần, tinh giảm những phần không cần thiết vì các em đã học trùng ở cấp 2 rồi.

Hơn nữa Bộ Giáo dục đã ra đề thi minh họa lớp 12 và thực chất chỉ đòi hỏi những kiến thức cơ bản để thi tốt nghiệp, vậy nên đối với học sinh lớp 12 nói chung thì các em đều trong tầm tay.

Trường chúng tôi cũng đã tiến hành ôn luyện suốt từ đầu năm lớp 12, tăng cường các môn nên cũng không đáng ngại. Phụ huynh thì lo cho việc thi đại học chứ không lo việc thi trung học phổ thông.

Còn việc thi đại học thì thực tế ảnh hưởng bởi dịch bệnh, rồi tinh giảm như hiện nay thì tôi chắc chắn rằng các trường đại học cũng không ra đề làm khó học sinh vì kiến thức các em còn học trong 5 - 7 năm nữa, chứ không phải yêu cầu ngay một lúc.

Các em có thuận lợi là Bộ tinh giảm chương trình, ra đề thi minh họa và theo các giáo viên đánh giá là 70% yêu cầu kiến thức cơ bản, những yêu cầu vận dụng cao không còn mấy. Tôi tin tưởng nếu như các em đi học lại vào ngày 4/5 thì hoàn toàn có thể yên tâm để ôn thi”.

Lấy đâu ra phòng học để tách lớp?

Theo thầy Hòa: “Nhưng hiện nay có một cái khó là Bộ Giáo dục và Bộ Y tế yêu cầu mỗi lớp học không quá 20 học sinh để bảo đảm giãn cách, một lớp học của chúng tôi hiện nay có 35 học sinh phải chia làm 2 thì dễ rồi.

Còn những lớp sĩ số 45 - 47 em thì theo quy định sẽ phải chia thành 2,5 lớp để đạt dưới 20 em 1 lớp, vậy thì không biết các trường sẽ chia thế nào và bố trí giáo viên cũng như thời gian học ra sao?

Trong thời gian lớp 9 và lớp 12 đi học 2 tuần đầu theo dự kiến, các khối khác chưa đi học thì còn có phòng để học, chứ 2 tuần sau các khối đi học nốt thì lấy đâu ra phòng? Không lẽ lại học buổi tối và đó là điều không thể.

Hiện nay trường chúng tôi có 4 lớp khối 9 và 17 lớp khối 12, nếu chia đôi thành 42 lớp thì đã chiếm gần hết số phòng học của nhà trường hiện nay có. Vậy nên Bộ cần nghiên cứu để giãn khoảng cách trong một lớp thay vì tách làm 2 lớp, nó sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu phòng học.

Phần giáo viên thì chúng tôi không quá lo về việc tăng chi phí gấp đôi tiết dạy vì thực tế khó khăn thì nhà trường phải tự chịu thiệt, ngay như 3 tháng vừa qua nhà trường không có nguồn thu mà cũng có được hỗ trợ gì đâu, giờ chịu thiệt thêm chút nữa.

Nhưng có một điều là môn nào vào môn ấy, lớp nào vào lớp ấy đã bố trí từ đầu năm rồi, giáo viên đã quen với tính cách từng học sinh, sự ăn ý giữa cô và trò.

Theo kinh nghiệm của tôi bao nhiêu năm nay là nếu thay giáo viên giữa chừng là học sinh phản ứng ngay mặc dù giáo viên đó rất giỏi. Mấu chốt phải là cô trò ăn ý, hiểu nhau và có sự hợp tác khi làm việc.

Tôi rất lo về tâm lý phản ứng của học sinh, và khi học sinh đã có phản ứng thì phụ huynh sẽ là hậu thuẫn, tạo ra làn sóng tiêu cực không đáng có, từ đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Hơn nữa về biên chế giáo viên của nhà trường cũng vừa đủ với hơn 200 giáo viên cho 90 lớp, giờ thành 180 lớp thì tôi lấy đâu ra người để dạy?

Nếu vẫn phải chia đôi theo quy định thì tôi sẽ bố trí 2 phòng học ở cạnh nhau và giáo viên sẽ làm việc ở cả 2 lớp, khi lớp này học tập nhóm thì giáo viên sẽ sang lớp bên kia và ngược lại, đồng thời bố trí thêm giáo viên trợ giảng.

Nhưng việc này cũng chỉ áp dụng được trong 2 tuần đầu khi chỉ mới có lớp 9 và lớp 12 đi học, còn khi các em đi học hết thì tôi chỉ có thể thực hiễn giãn cách trong lớp chứ không thể chia lớp ra làm 2 được”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: "Về biên chế giáo viên của nhà trường cũng vừa đủ với hơn 200 giáo viên cho 90 lớp, giờ thành 180 lớp thì tôi lấy đâu ra người để dạy?. Ảnh: T.D.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: "Về biên chế giáo viên của nhà trường cũng vừa đủ với hơn 200 giáo viên cho 90 lớp, giờ thành 180 lớp thì tôi lấy đâu ra người để dạy?. Ảnh: T.D.

Chỉ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Thầy Hòa cho biết: “Về vấn đề mà Bộ Giáo dục đã tinh giảm thì thực tế là những phần không cần thiết, trùng lặp với các môn hoặc những cấp trước đã học rồi.

Tinh giảm không có nghĩa là cắt xén chương trình, có thể hiểu là trước kia chương trình học quá rườm rà, trùng lặp, sau khi tinh giảm thì tổng lượng kiến thức học sinh được học vẫn đầy đủ, không có nhiều thay đổi.

Nếu đi học lại từ 4/5 thì học sinh không nên quá lo ảnh 3

Ôn trọng tâm môn Toán vào lớp 10

Qua tinh giảm đợt này mới thấy chương trình học hiện nay quá thừa, nhiều cái trùng lặp.

Ngay như môn Vật lý của tôi hiện nay tôi đã viết sách cho lớp 9, nhưng đến khi viết tiếp cho các lớp sau thì lại không nối tiếp được từ lớp 9 và có nhiều cái nhắc lại.

Kiến thức là học cả đời, hơn nữa kiến thức chỉ để thi đạt tốt nghiệp trung học phổ thông là nói tốp dưới trung bình cần phải phấn đấu để đạt, còn số khá và giỏi vẫn thừa sức vượt qua kì thi này và đạt được điểm cao để thi vào đại học.

Quan điểm của tôi là hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông như năm nay là đúng đắn, và xu hướng về sau cũng nên như vậy, phổ thông là phổ thông chứ sao lại gánh thêm thi đại học.

Chỉ cần với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cộng với học bạ là đã đủ điều kiện cho hơn 80% các trường đại học xét tuyển, còn một số ít các trường có đặc thù riêng thì không bàn.

Học bạ là ghi nhận cả quá trình, còn kì thi là đánh giá chốt cái cuối cùng và có phải học sinh nào cũng thi được điểm 10 đâu, có thể 5 - 6 - 7, vậy nên phổ điểm thể hiện qua kì thi đã là sự phân hóa rồi, và đây chính là điều kiện cơ sở để các trường đại học tuyển sinh tốp cao hay trung bình.

Còn trường nào chuyên ngành có thể tổ chức thi thêm môn chuyên ngành, đó mới là xu hướng đúng của thời đại mới hiện nay, giảm phiền hà, giảm chi phí mà vẫn đạt được hiệu quả”.

Tùng Dương