Nếu chỉ coi học trò là chiếc bình kiến thức, cố nhét sao cho đầy là thất bại

20/04/2021 06:12
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học trò ngày nay rất sáng tạo, chủ động tìm kiếm tri thức, điều quan trọng với thầy cô là phải khơi mở được ước mơ, tự tìm hiểu kiến thức cho mình

Bên lề cuộc hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Huyện đoàn Hiệp Hòa tổ chức tại trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1, phóng viên đã có dịp trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thị Thanh- giáo viên Vật lý của trường.

Theo giới thiệu của thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cao Cường, cô giáo Nguyễn Thị Thanh là giáo viên dạy Vật lý có nhiều năm công tác và là một trong những giáo viên đạt nhiều thành tích của trường.

Cô giáo nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1982) là cựu học sinh trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1, tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội 2 chuyên ngành Vật Lý. Năm 2004, cô học sinh ngày nào quay trở lại trường cũ với vai trò mới, cô giáo.

Trong suốt quá trình 17 năm công tác, cô Thanh luôn tự phấn đấu không ngừng với mong muốn góp một phần công sức vào sự phát triển của nhà trường và sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Cô Thanh tích cực tham gia các buổi lên lớp chuyên đề, có những ý kiến đóng góp sát thực góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học. Những cống hiến không biết mệt mỏi của cô giáo Thanh được thể hiện trong bảng thành tích 2 chu kỳ (mỗi chu kỳ 5 năm) là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Nhiều năm liền tham gia giảng dạy các đội tuyển học sinh giỏi, số lượng học sinh đạt giải cô không nhớ hết nhưng có 3 học sinh đạt giải nhất Vật lý tỉnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh bên cạnh cậu học trò Nguyễn Minh Quân - Học sinh lớp 12A1 vừa đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Vật lý toàn tỉnh Bắc Giang.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh bên cạnh cậu học trò Nguyễn Minh Quân - Học sinh lớp 12A1 vừa đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Vật lý toàn tỉnh Bắc Giang.

Trong buổi trò chuyện bên lề cuộc Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0” cô giáo Thanh đã có những chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân về việc dạy học trong điều kiện mới.

Theo đó, chia sẻ về việc dạy học trong điều kiện của thời đại công nghệ phát triển, cô Thanh cho rằng, sự phát triển của công nghệ đã và đang đặt ra nhiều thách thức cũng như nhiều thuận lợi đối với các thầy cô giáo trong truyền tải kiến thức cho các học sinh.

Sự phát triển của công nghệ cùng với sự năng động của học trò, cô Thanh cho rằng bản thân mình cũng như các giáo viên khác phải không ngừng tự làm mới mình.

Trong chương trình Vật lí cải cách, coi trọng những kiến thức mang tính thực tế, có thể áp dụng vào thực tế đời sống, giảm nhẹ bớt những kiến thức mang tính hàn lâm.

Cô Thanh luôn liên hệ thực tế, cho học sinh mô tả lại một sự kiện, hiện tượng trong thực tế có liên quan đến bài học để vào bài mới nhẹ nhàng, gần gũi, không tạo áp lực cho học trò.

Để kích thích sự tò mò, thôi thúc sự khám phá, sáng tạo trong mỗi học sinh, thầy thường kể chuyện lịch sử, các vấn đề trong thực tiễn liên quan đến bài học.

Những câu chuyện từ thực tiễn đã mang lại nhiều cảm hứng và sự sáng tạo cho học sinh học môn Vật lý.

Để kể được những câu chuyện xung quan môn học, cô Thanh luôn tìm cách trau dồi thêm kiến thức không chỉ môn Vật lý còn các môn học bổ trợ.

“Theo tôi, các thầy giáo cô giáo ngày nay không chỉ trau dồi kiến thức mà còn cả các kỹ năng chuyên môn để phù hợp với hoàn cảnh thực tế của học sinh. Nếu trước đây việc dạy học thường theo kiểu truyền thụ một phía, thầy đọc trò ghi và tập trung giải bài tập thì ngày nay đã khác rất nhiều”, cô Thanh chia sẻ.

Học trò ngày nay không chỉ thụ động vào các bài tập trên lớp hay những bài học thêm, các em không còn chỉ như là chiếc bình rỗng, còn các thầy trút kiến thức vào đó và mong các em lĩnh hội phần nào.

“Bản thân tôi dạy môn Vật lý nhưng không phải tất cả các em học sinh tôi dạy đều bắt các em phải giỏi môn Vật lý được. Gượng ép như vậy hoàn toàn không tác dụng.

Tuy nhiên, tôi quan niệm giáo viên không chỉ là người nhìn nhận ra khả năng của từng em, bồi dưỡng các em phát triển, mà giáo viên cần phải thắp sáng cho em những ước mơ, khát vọng trong các em”, cô Thanh cho biết.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1 nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thuyết trình trong buổi Hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng 4.0".

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1 nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thuyết trình trong buổi Hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng 4.0".

Nhiều năm ôn luyện cho đội tuyển Vật lý trường Hiệp Hòa số 1, cô Thanh cũng cho rằng bản thân cũng đã có những “sai lầm” khiến mình phải nhìn nhận và học hỏi thêm, nhất là trong lĩnh vực giao tiếp với học trò. “Bản thân mình là giáo viên dạy môn tự nhiên nên cũng có nhiều thiệt thòi hơn các giáo viên dạy các môn xã hội trong các truyền tải và nói chuyện với học trò”- Cô Thanh kể.

Tình huống đó là một học sinh mà mình khá kỳ vọng, tuy nhiên, gần đến ngày thi đại học, học sinh này lại tỏ ra có biểu hiện chủ quan, tự tin thái quá, thậm chí có những phút chểnh mảng.

Khi mình hỏi thăm, học sinh này chỉ nói cô yên tâm, em giải quyết được. Học sinh này tự tin đến mức bố mẹ cũng tỏ ra lo lắng, đến hỏi mình. Cũng tâm sự thật là lúc đó cô giáo cũng thấy lo vì mục tiêu học sinh ấy đặt ra cao quá, mà tỏ ra tất chủ quan, mình cũng nêu rõ vấn đề với phụ huynh của em học sinh đó.

Không nghĩ là việc nói với phụ huynh về tình hình của học sinh đã khiến em ấy bị áp lực. Sau kỳ thi, em ấy đã đạt được ý nguyện của mình, gặp lại cô giáo, em ấy chỉ trách nhẹ và không quên nhắc lại là "em bảo em làm được mà cô”- cô giáo Nguyễn Thị Thanh kể lại tình huống mình gặp phải.

Sau tình huống ấy, cô Thanh cho rằng việc tin tưởng học trò rất quan trọng, và quan trọng hơn là cần biết chia sẻ sao cho học trò không bị áp lực, thu nhận kiến thức một cách tự nguyện và tự xác định cho mình được hướng đi và thầy cô giáo là người hướng dẫn nó, bổ sung đó mới là thành công của người giáo viên.

Trần Phương