Nếu cắt thâm niên nhà giáo lúc này, chúng tôi chẳng biết sẽ xoay sở thế nào?

02/06/2020 06:15
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi lương không đủ sống, khi đầu óc còn quay cuồng vì nợ nần, khi ăn bữa trước còn phải lo bữa sau thì những giờ lên lớp cũng khó mà toàn tâm toàn ý được.

Càng gần đến ngày 1/7, nhiều nhà giáo vẫn như đang ngồi trên đống lửa vì chuyện có hay không sẽ bị cắt thâm niên theo Luật Giáo dục 2019?

Nếu bị cắt thâm niên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm nghìn nhà giáo (Ảnh minh họa: Tintuc.vn)

Nếu bị cắt thâm niên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm nghìn nhà giáo (Ảnh minh họa: Tintuc.vn)

Hiện đã có thông báo, lương cơ bản đã không tăng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này, đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người.

Nhưng thâm niên của nhà giáo, có vì đại dịch Covid-19 để hoãn thời gian hiệu lực của Luật Giáo dục hay không vẫn chưa có một phát ngôn chính thức nào từ cấp có thẩm quyền.

Thế nên, chuyện giáo viên lo lắng, hồi hộp vẫn luôn thường trực trong lòng mỗi người.

Nếu cắt thâm niên nhà giáo lúc này, chúng tôi chẳng biết sẽ xoay sở thế nào?

Lương nhà giáo vốn không cao, cũng nhờ có thêm chút phụ cấp thâm niên mà mỗi tháng giáo viên có thêm được từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống của không ít thầy cô giáo cũng tạm ổn.

Người trẻ, thâm niên chưa nhiều nhưng con cái còn nhỏ cũng hạn chế được một số khoản chi tiêu. Giáo viên lớn tuổi thâm niên cao hơn nhưng ngoài nuôi mình còn phải lo cho các con đang tuổi học hành khá tốn kém.

“Nếu bây giờ, tôi bị cắt thâm niên, chúng tôi sẽ lấy gì để nuôi con ăn học khi mọi khoản chi tiêu đã được thắt khá chặt?” cô giáo Tuyết Mai đã nghẹn ngào nói như thế.

Nói rồi cô cho biết, mình công tác đã 30 năm nên tiền thâm niên cũng được hơn 2 triệu đồng.

Hai vợ chồng cùng nghề, nên số tiền hao hụt hàng tháng cũng gần 5 triệu đồng, đúng bằng khoản tiền trả nợ tiền vay ngân hàng xây nhà.

“Nếu nay mất đi khoản tiền khá lớn này, chúng tôi sẽ biết xoay sở thế nào đây?

Tiền ngân hàng chắc chắn phải trả đúng kỳ, vậy thì tiền học của con hàng tháng sẽ phải lấy ở đâu để gửi cho chúng?”

Nói rồi cô thở dài: “Biết thế, chúng tôi đã không dám vay khoản tiền hơn 200 triệu để làm nhà”.

Cô Thu Dung cho biết: “Xưa nay, mình chỉ sống với nghề, không dạy thêm, không làm việc gì khác.

Nay, nếu thâm niên bị cắt lúc này, gia đình tôi sẽ vô cùng khó khăn. Đâu phải dễ gì để kiếm thêm vài ba triệu đồng một tháng. Nếu còn trẻ, tôi cũng sẽ bươn chải như đám trẻ bán hàng trên mạng hay làm chân giao hàng.

Đằng này, tuổi mình đã cao nên có lẽ cũng phải kiếm mươi em học sinh dạy thêm để trang trải cuộc sống. Ngoài dạy thêm, tôi còn biết làm gì?”

Và hàng trăm, hàng nghìn nhà giáo khác cũng cùng chung cảnh ngộ với gia đình hai nhà giáo nêu trên. Thiệt thòi lớn nhất trong việc cắt thâm niên vẫn là các thầy cô giáo lớn tuổi.

Cuộc sống khó khăn ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học

Nghề giáo là nghề đặc thù, sản phẩm của nghề giáo không phải như vụ lúa cấy xạ tháng này, vài tháng sau thu hoạch là biết ngay năng xuất tăng hay giảm?

Không phải như nuôi con gà con heo là biết ngay đạt sản lượng hay không? Để có thể kết luận người chăm sóc cây, người chăn nuôi có nhiệt tình, tận tâm lao động.

Sản phẩm của nhà giáo làm ra được tích lũy bằng cả một quá trình. Thế nên, quả ngọt hay đắng phải nhiều năm sau mới thấy được.

Khi lương không đủ sống, khi đầu óc còn quay cuồng vì nợ nần, khi ăn bữa trước còn phải lo bữa sau thì những giờ lên lớp cũng khó mà toàn tâm toàn ý được.

Điều này, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập của học sinh, hệ lụy này sẽ gây khó khăn cho các em mãi về sau này.

Đề xuất, xếp lương giáo viên theo vị trí việc làm mới nên cắt thâm niên

Chủ trương đãi ngộ tiền lương đối với nhà giáo đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 2 Khóa VIII năm 1996.

Điều này, tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết 29 và câu nói lương nhà giáo sẽ “được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp” nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương cho đến nay vẫn chưa đạt được.

Vậy mà hiện nay, mức lương của nhà giáo lại đang đứng trước nguy cơ bị tụt xuống do bỏ thâm niên. Nếu điều này, diễn ra sẽ đi ngược lại với những chủ trương đúng đắn mà các Nghị quyết trung ương đã khẳng định.

Bởi thế, chúng tôi tha thiết yêu cầu khi nhà nước không cắt thâm niên nhà giáo khi chưa chưa xếp lương theo vị trí việc làm.

Phan Tuyết