'Nền giáo dục không thể hưng vượng vì vẫn thiếu bộ SGK chuẩn'

13/01/2013 06:02
Bảo Nam
(GDVN) - "Ai viết kiểu gì thì viết, không theo một tư tưởng thống nhất. Nếu không nhanh chóng ra được bộ SGK chuẩn thì còn làm hỏng nhiều thế hệ học sinh".

LTS: Thời gian gần đây các nhà giáo dục tiếp tục luận bàn về việc đổi mới sách giáo khoa (SGK), mà vấn đề nằm ở cả hai vế đó là kiến thức trong những cuốn sách và sự lãng phí tiền khủng khiếp. Trước thực trạng này, một trong những nhà khoa học - nhà giáo luôn tâm huyết với sự nghiệp đào tạo là GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn – ĐH Quốc Gia Hà Nội cho hay, chỉ cần 100 tỷ đồng là đủ để hoàn thành toàn bộ chương trình sách chuẩn từ tiểu học cho tới hết đại học.

Bài 1: Dân tộc không thể có nền giáo dục hưng vượng nếu thiếu bộ SGK chuẩn

- Thưa GS, nhiều người nói, nền giáo dục của chúng ta đang “rối như canh hẹ”, mà một trong những vấn đề nan giải nhất chính là chương trình giáo dục và SGK. Quan điểm của GS về vấn đề này thế nào?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Chương trình - sách, giáo viên, và trường lớp là ba yếu tố cơ bản hợp thành nền móng của giáo dục, được mọi quốc gia, mọi thể chế và mọi thời đại coi trọng. Song ở nước ta cả ba yếu tố kể trên  đề có vấn đề nghiêm trọng.

Chương trình giáo dục là cốt lõi của nền học vấn, nhưng chúng ta chưa có chương trình giáo dục chính thức từ phổ thông đến đại học. SGK là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học, học sinh ở bậc phổ thông thì bội thực về sách, còn bậc đại học đói sách học chay triền miên, nghịch lý này ngày càng trâm trọng kể từ khi đổi mới giáo dục đến nay, những người có trách nhiệm vẫn không nghe. Xin cung cấp một số thông tin:

Tại một cuộc họp ở ĐHSP Hà Nội vào năm 1998, NGND.GS Nguyễn Lân - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, đã trao cho bác Phạm Văn Đồng một bộ sách của đứa cháu vừa mới học lớp 2, có 7 quyển sách toán và 7 quyển Văn – tiếng Việt và nhấn mạnh “Hiện giờ, người ta đang cho trẻ em học một cách nhồi sọ. Chuyện bắt học sinh mua nhiều sách cũng tạo cho dư luận xã hội một suy nghĩ: đó chẳng qua là cách làm tiền. Đó là chưa kể cứ một quyển bài tập thì có một quyển giải bài tập nên học sinh cứ giở sách ra mà chép, như thế thì càng vô lý hơn”.

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Mọi cuộc cải cách giáo dục rồi cũng quay về chương trình và sách giáo khoa.
GS. Nguyễn Xuân Hãn: Mọi cuộc cải cách giáo dục rồi cũng quay về chương trình và sách giáo khoa.

Theo số liệu điều tra năm 1998, HS lớp 2 mới có 20 quyển, hiện nay số lượng sách không giảm mà còn tăng lên, có 105 quyển, trong đó 20 quyển bắt buộc và 85 quyển sách tham khảo. Nếu chồng hơn 100 cuốn sách này lên thì chiều cao của chồng sách còn cao hơn cả một học sinh lớp 2.

Chưa kể một số lượng lớn sách bắt buộc mua, ta có 3.120 sách tham khảo cho tất cả học sinh phổ thông. Cụ thể, lớp 1 có 59 cuốn, lớp 2 có 85 cuốn; lớp 3 có 109 cuốn; lớp 4 có 147 cuốn; lớp 5 có 180 cuốn; lớp 6 có 202 cuốn; lớp 7 có 199 cuốn; lớp 8 có 288 cuốn; lớp 9 có 357 cuốn; lớp 10 có 394 cuốn; lớp 11 có 442 cuốn; lớp 12  có 148 cuốn… và như vậy mỗi năm nhân dân phải bỏ ra cả trăm tỷ đồng vì cái sự luẩn quẩn này.

So với mặt bằng chung của các nước trên thế giới ở bậc học phổ thông ta phải giảm tải – bỏ bớt khối kiến thức không thuộc bậc học phổ thông  khoảng 30%-50% trong các  SGK ở tất cả các cấp, và viết lại SGK theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với Việt Nam, đồng thời sử dụng cách trình bày phổ thông thay cho các ngôn ngữ trìu tượng khó học khó nhớ hiện nay.

Trong khi đó ở bậc đại học thầy và trò “đói sách học chay” 25 năm nay, tỷ số giữa số lượng sách ĐH&CĐ trên lượng sách ở bậc phổ thông chỉ chiếm xấp xỉ 1%. Ở bậc ĐH các nước tiên tiến mỗi môn học có ít nhất 10 quyển sách khác nhau, còn ở Việt Nam không có bất cứ ông Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định mỗi môn học có ít nhất 1 giáo trình hay 1 sách. Việc tổ chức giảng dạy ở bậc học này người ta chia làm ba cách: dạy theo niên chế, theo chứng chỉ, và theo tín chỉ. Hiện nay không có bất cứ một chứng minh nào cách tổ chức này tốt hơn cách tổ chức kia. Bậc ĐH là bậc tự hoc, dưới sự hướng dẫn của thầy. Muốn tự học phải có quyển sách, và cũng không có quyển sách nào ghi cho niên chế, cho chứng chỉ hay cho tín chỉ. Không có sách  mà tuyên bố đào tạo theo tín chỉ là khâu đột phá trong đổi mới tư duy giáo dục đại học, theo tôi đây là tuyên bố “xây nhà từ nóc”.

- Có nghĩa là chúng ta chỉ đổi mới cái “ngọn” của giáo dục đại học, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Đầy đủ sách (bao gồm sách giáo khoa, sách tra cứu, giáo trình tài liệu) và chương trình đào tạo ổn định được coi là nền tảng cơ bản cho giáo dục đại học, niên chế, chứng chỉ hay tín chỉ, đều chỉ coi là hình thức tổ chức. Vậy gốc (hay nền tảng) của giáo dục đại học là "ảo", mà khi gốc là ảo thì càng đổi mới càng mất ổn định.

Ðào tạo theo tín chỉ đang được coi là bước đột phá trong đổi mới tư duy trong giáo dục đại học. Vậy giữa các chế độ học theo niên chế, chứng chỉ và tín chỉ đâu là cái chung và đâu là cái riêng, thực chất vấn đề này nằm ở đâu, thiết nghĩ cũng cần phải trao đổi để việc giáo dục đại học nước ta đi vào nền nếp ổn định, có chất lượng và hiệu quả.

- Lỗi này là của ai,
ai sẽ chịu trách nhiệm đứng ra gánh vác và điều chỉnh, thưa GS?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Đây là lỗi hệ thống. 4 năm trước, tức là vào năm 2008, nhóm nghiên cứu của ĐH Harvard đã thực hiện một cuộc khảo sát và đánh giá thực trạng nền giáo dục nước ta theo đơn đặt hàng của Chính phủ. Nhóm giáo sư này nhận định rằng “giáo dục – đào tạo Việt Nam đang khủng hoảng”, “sự thất bại của ngành giáo dục không những kìm hãm sự phát triển của quốc gia mà còn duy trì sự bất công bằng trong xã hội”.

Đến bao giờ mới có chương trình - sách giáo khoa chuẩn?
Đến bao giờ mới có chương trình - sách giáo khoa chuẩn?

Mọi cuộc đổi mới hay cải cách giáo dục ở nước ta, cuối cùng cũng dẫn đến thay đổi CT và viết lại SGK, ấy vậy mà tính từ năm 1980 đến nay chúng ta chưa hề có chương trình chuẩn SGK, đất nước còn nghèo nhưng mỗi năm người dân lại phải tiêu tốn hàng ngàn mua sách, còn Nhà nước phải bỏ ra hàng vạn tỷ đồng cho việc thiết kế lại chương trình và  thay mới SGK, lãng phí một cách khủng khiếp, trong khi chất lượng đào tạo thì rất thấp. Với chương trình học nặng như những năm qua thì đã đẻ ra tình trạng học thêm-dạy thêm. Việc chống dạy thêm và học thêm đã được đề cập trong nhiều Nghị quyết của Đảng , nhiều biện pháp hành chính được áp dụng nhưng kém tác dụng, song nguyên nhân chủ yếu của nó nằm ở CT-SGK- quá tải, do cách tổ chức chẳng giống Ai? So với các nước chương trình giáo dục của ta năng từ 1 đến 3 năm, việc học ở bậc phổ thông làm các em mất tuổi thơ.

- Vậy Giáo sư khẳng định chắc chắn rằng, SGK phổ thông hiện nay không thể dùng được?

GS Nguyễn Xuân Hãn: Chắc chắn là như vậy rồi, kiến thức thì nặng, thừa thãi, trong khi đó sách được viết ra không theo một tư tưởng nào cả. Một chương trình người ta chia làm ba cấp (1, 2, 3) rồi chia cho 3 nhóm, mỗi nhóm lại chia nhỏ cho nhiều tác giả viết. Ai viết kiểu gì thì viết, không theo một tư tưởng thống nhất. Nếu không nhanh chóng ra được bộ SGK chuẩn thì còn làm hỏng nhiều thế hệ học sinh. Có một điều tôi chắc chắn, đó là một dân tộc mà không có lấy một bộ SGK chuẩn thì không thể có một nền trí thức hưng vượng được, cái gốc không chuẩn thì làm sao mà phát triển ở tầm cao được.

Bảo Nam