Nên bỏ quy định không nâng lương trước thời hạn hai lần liên tiếp với nhà giáo

22/08/2021 07:42
Đỗ Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên cho rằng quy định số lần được nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chỉ nên dành cho lãnh đạo đơn vị.

Nâng lương trước thời hạn là một chính sách nhằm khuyến khích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước có động lực phấn đấu trong công tác.

Hầu hết mục đích của người lao động khi tìm kiếm việc làm chính là đảm bảo nguồn thu nhập để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân và gia đình. Vì vậy được nâng lương trước thời hạn là niềm mong mỏi của đa số giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục.

Điều kiện được nâng lương trước thời hạn đối với giáo viên

Theo quy định tại Thông tư 08/2013/TT-BNV và Thông tư 03/2021/TT-BNV (sửa đổi Thông tư 08), để được nâng lương trước thời hạn, viên chức ngành giáo dục phải đạt những điều kiện sau:

- Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

- Lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản.

- Chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và tính đến ngày 31 tháng 12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định.

- Tỷ lệ viên chức và người lao động được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong một năm không quá 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.

- Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

(Ảnh mang tính minh hoạ trên VTV.vn)

(Ảnh mang tính minh hoạ trên VTV.vn)

Kể từ khi Thông tư 08/2013/TT-BNV ra đời, hầu hết các bộ ngành, địa phương đều ban hành quyết định cụ thể hóa về việc nâng lương thường xuyên, trước thời hạn cho đơn vị mình. Vì vậy có tình trạng, cùng công tác trong ngành giáo dục nhưng căn cứ xác định thành tích để xét nâng lương trước thời hạn ở mỗi nơi mỗi khác.

Chúng tôi đưa ra hai dẫn chứng về điều kiện để xét nâng lương trước thời hạn 06 tháng tại hai tỉnh Khánh Hòa và Hòa Bình.

Tại khoản 3, điều 6, Quyết định số 09/2014/QĐ-UBND ngày 18/3/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quy định:

Xét nâng bậc lương trước thời hạn 06 tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, khen thưởng hoặc tặng danh hiệu thi đua một trong các hình thức:

a) Được Bộ trưởng và tương đương hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích thường xuyên trong công tác (không áp dụng đối với các trường hợp được khen thưởng đột xuất hoặc theo đợt, chuyên đề);

b) 02 (hai) năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; đồng thời, năm xét nâng bậc lương trước thời hạn đạt danh hiệu Lao động tiên tiến trở lên.

c) 03 (ba) năm đạt danh hiệu Lao động tiên tiến; đồng thời, năm xét nâng bậc lương trước thời hạn được Giám đốc Sở và tương đương tặng Giấy khen trở lên (áp dụng riêng đối với người lao động).

Khoản 3, điều 5, Quyết định số 05/2021/QĐ-UBND ngày 22/03/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình nêu:

Nâng bậc lương trước thời hạn 6 tháng trong trường hợp đạt một trong các điều kiện, danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng:

a) 01 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở;

b) Được Giám đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; cơ quan Đảng, đoàn thể cấp tỉnh, Huyện ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện tặng giấy khen 03 lần trở lên đối với các ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp có yêu cầu thời gian nâng bậc lương thường xuyên đủ 03 năm (36 tháng) hoặc tặng giấy khen 02 lần trở lên đối với các ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp có yêu cầu thời gian nâng bậc lương thường xuyên đủ 02 năm (24 tháng);

c) 03 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” đối với các ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp có yêu cầu thời gian nâng bậc lương thường xuyên đủ 03 năm (36 tháng); 02 năm được đánh giá, xếp loại chất lượng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” đối với các ngạch hoặc chức danh nghề nghiệp có yêu cầu thời gian nâng bậc lương thường xuyên đủ 02 năm (24 tháng);

d) 01 lần được Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương tặng Bằng khen.

Như vậy, để được xét nâng lương trước 06 tháng, một giáo viên ở tỉnh Khánh Hòa chỉ cần đạt 03 năm Lao động tiên tiến hoặc 02 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Còn tiêu chuẩn của giáo viên ở tỉnh Hòa Bình chỉ cần 01 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở hoặc 01 lần được Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương tặng Bằng khen.

Có thể khi xây dựng những văn bản này, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn về kinh phí, nguồn nhân lực tại địa phương mình nhưng nhìn vào sự khác biệt trong cùng một mức độ thành tích đạt được của người lao động, không ít giáo viên không khỏi chạnh lòng khi so sánh.

Quy định không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn có phù hợp?

Tại khoản d, Điều 3, Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định “Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ trong cùng ngạch hoặc cùng chức danh”. Nghĩa là theo quy định trên, nhà giáo và người lao động sẽ được nâng lương trước thời thời hạn hai lần liên tiếp trong trường hợp được chuyển ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Còn Thông tư 03/2021/TT-BNV (sửa đổi Thông tư 08) lại quy định “Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ”. Như vậy kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2021, khi Thông tư này có hiệu lực, người lao động sẽ không được nâng lương trước thời hạn hai lần liên tiếp.

Nhiều giáo viên cho rằng quy định số lần được nâng lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chỉ nên dành cho lãnh đạo đơn vị (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng). Còn đối với giáo viên, nhân viên thì không nên có sự khống chế.

Bởi lẽ, để được nâng lương trước thời hạn là một vấn đề không hề dễ dàng đối với tất cả mọi giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

Một thực tế hiện nay là phần lớn các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng bậc cao hàng năm đều tập trung vào một số đối tượng cốt cán trong đơn vị như ban giám hiệu, chủ tịch công đoàn, tổng phụ trách, các tổ trưởng chuyên môn.

Chỉ có một số ít giáo viên có được vinh dự này, còn nhân viên trường học lại càng hiếm hoi.

Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động thi đua trong trường học, tạo động lực cho giáo viên, nhân viên trường học trong quá trình công tác, chúng tôi thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp với Bộ Nội vụ, các địa phương để ban hành quy định về xét nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn đảm bảo tính công bằng cho giáo viên trên cả nước, nhất là trong việc xác định thành tích để nâng lương trước thời hạn.

Đồng thời điều chỉnh quy định “Không thực hiện hai lần liên tiếp nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ” chỉ dành cho cán bộ quản lý, lãnh đạo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Hùng