Nâng mức lương, vị thế nhà giáo như thế nào, xin hiến Bộ trưởng 3 giải pháp

25/04/2021 07:31
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Muốn cải thiện vị thế, nâng cao vai trò nhà giáo thì cần cải thiện mức lương, thu nhập nhà giáo, giảm áp lực,… một cách đồng bộ và quyết liệt.

Sau bức thư của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi nhà giáo trên toàn quốc, nhiều thầy cô giáo bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và xúc động đặc biệt là về trăn trở của Bộ trưởng trước “vị thế của nhà giáo” ngày nay.

Trong bức thư, tân Bộ trưởng đề cập “vị thế của nhà giáo”, với sự thấu hiểu “chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, sự tôn nghiêm của nghề cần phải được giữ gìn”.

Đây không chỉ là mong muốn của Bộ trưởng mà còn là mong muốn của nhân dân cả nước, nếu vị thế của nhà giáo được nâng lên thì chắc chắn giáo dục sẽ tiến bộ, giáo dục sẽ lấy lại thời hoàng kim như trước đây thậm chí còn phát triển hơn trước.

Khó khăn lớn nhất là thu nhập giáo viên còn thấp

Hiên nay, thu nhập từ lương, phụ cấp của giáo viên, nhất là giáo viên trẻ còn khá thấp, chưa tương xứng với nghề giáo, “một nghề cao quý trong tất cả các nghề”, “nghề đặc biệt trong tất cả các nghề”, nghề mà tất cả mọi người gọi là “thầy”.

Khó có thể kêu gọi lòng yêu nghề, mến trẻ, toàn tâm, toàn ý, toàn sức cho nghề khi mà thu nhập không đủ trang trải nhu cầu cuộc sống của cá nhân, khi mà phải cố gắng làm thêm mọi việc bên ngoài.

Chỉ khi giáo viên sống được bằng lương thì mới hy vọng vai trò, vị thế của nhà giáo được nâng lên.

Khó khăn lớn nhất trong việc được sống xứng đáng như một người thầy của các nhà giáo ở ta là vẫn đề thu nhập.

Khi thu nhập không đủ, giáo viên tìm mọi cách làm thêm như dạy thêm, bán hàng online,… trang trải cuộc sống nhưng những việc đó khiến đạo đức nhà giáo bị tha hóa dần, hình ảnh người thầy có phần méo mó.

Làm thế nào để tăng lương và nâng cao vị thế của nhà giáo? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Làm thế nào để tăng lương và nâng cao vị thế của nhà giáo? (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Vì làm thêm có thu nhập nên họ tìm cách kiếm thêm càng nhiều càng tốt, khi đó một số toan tính ít lương thiện chen vào, vì đó giáo viên sẵn sàng “bán mình cho quỷ” làm điều trái lương tâm, luật pháp,… nên vị thế người thầy ngày càng mờ nhạt dần.

Giáo viên dạy thêm, bán hàng online,… thì người mua (phụ huynh, học sinh, người dân,…) trở thành thượng đế, họ mua bán song phẳng, họ là thượng đế nên vai trò người thầy lúc này đương nhiên sẽ không còn cao, theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường.

Ở các nước Mỹ, Singapore, Thụy Điển, Phần Lan và các nước châu Âu khác, người thầy rất được tôn trọng, lương trả rất cao, tương xứng.

Do đó khó nhất hiện nay là tìm cách nào để cải thiện thu nhập của nghề giáo, muốn nâng vị thế người thầy, muốn ngành sư phạm lấy lại thời hoàng kim thì lương, thu nhập của nhà giáo phải được cải thiện.

Giáo viên mới ra trường thu nhập chỉ khoảng 3 triệu mỗi tháng mà yêu cầu toàn tâm, toàn ý với nghề thì khó mà nói đến vị thế người thầy.

Ba giải pháp khả thi để nâng lương, cải thiện vị thế nhà giáo

Thật ra tăng lương giai đoạn này thì rất khó, khi mà tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nguồn ngân sách còn được dùng để phòng chống, dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, việc tăng lương hiện nay không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định được, phải dựa trên nguồn nhân lực, nhân sự của ngành, việc tính toán cân đối ngân sách của Bộ Tài chính, Chính phủ,…

Tăng như thế nào để không gây gánh nặng lên ngân sách nhà nước đó mới là điều quan trọng nhất.

Do đó, người viết xin được đề xuất các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng lương từ nội lực hiện tại

Nội lực hiện tại là nguồn ngân sách cấp hàng năm cho giáo dục, giảm các khoản chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động, các nguồn chi khác,… để tăng lương cho nhà giáo mà không tăng áp lực chi ngân sách.

Các cơ sở giáo dục từ nguồn khoán hàng năm, chi phí tiết kiệm,… xây dụng quy chế để có thể chi trả tăng thu nhập tăng thêm cho nhà giáo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo từ nguồn ngân sách cấp hàng năm cho giáo dục thì có thể tiết kiệm các khoản thi, loại bỏ những dự án không hợp lý, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục có nguồn thu,…

Nếu làm tốt, thì từ nguồn ngân sách hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có khả năng quyết định tăng lương một phần cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể quyết định điều này.

Thứ hai, phát triển mạnh mẽ hệ thống trường tư thục

Cả nước hơn 1,3 triệu giáo viên nếu không giảm biên chế thì sẽ rất khó tăng lương.

Mà giảm biên chế theo kiểu tinh giản cơ học áp chỉ tiêu 10% biên chế giáo viên cả nước không khả thi khi mà số lượng học sinh ngày một tăng, việc xuất hiện nhiều môn học mới trong chương trình mới, áp lực giảm sĩ số,…

Do đó, việc giảm biên chế hiện nay là không hiệu quả thậm chí phản tác dụng, khiến cho việc tuyển dụng và phân công công việc vô cùng khó khăn.

Do đó, biện pháp khả thi nhất là có chính sách phát triển hệ thống trường tư thục, nếu tạo điều kiện và tăng quyền hợp lý thì việc mở rộng trường dân lập, tư thục vừa tăng tính cạnh tranh lành mạnh, tăng chất lượng giáo dục và quan trọng nhất là không chỉ giảm 10% biên chế mà có thể giảm đến 20 – 30% biên chế, nhà nước không phải tốn nguồn ngân sách khổng lồ chi cho các trường công lập, khi đó đương nhiên việc tăng lương giáo viên sẽ khả thi hơn rất nhiều.

Thứ ba, thu đủ nguồn thu từ dạy thêm

Hiện nay việc dạy thêm bên ngoài nhà trường dưới hình thức trung tâm (cơ sở dạy thêm) hoặc hộ kinh doanh dạy thêm, nói nôm na là một người đứng tên sau đó hợp đồng với giáo viên theo hợp đồng làm việc.

Cơ sở kinh doanh dạy thêm phải đăng ký kinh doanh.

Việc đó xem như là hoạt động kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, bất hợp lý nhất đó là đã gọi là kinh doanh, doanh thu từ cơ sở dạy thêm, cá nhân dạy thêm là rất lớn, tuy nhiên hầu như nhà nước không được lợi gì, nguồn thu từ dạy thêm không mang lại lợi ích gì cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, mặc dù doanh thu rất lớn tuy nhiên các cơ sở, cá nhân dạy thêm tìm mọi cách khai báo gian dối số lượng học sinh học và số tiền thực nhận để trốn thuế kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân.

Do đó, nếu làm triệt để đúng quy định của pháp luật thì số tiền thu từ kinh doanh dạy thêm vào ngân sách là khoản không nhỏ, có thể dùng để cải cách tiền lương.

Tôi thiết nghĩ, nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh dạy thêm mà cố tình khai báo, gian dối tùy hình thức có thể xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có thể khởi tố tội trốn thuế theo quy định của pháp luật.

Muốn cải thiện vị thế, nâng cao vai trò nhà giáo thì việc cải thiện mức lương, thu nhập nhà giáo, giảm áp lực,… một cách đồng bộ và quyết liệt và không làm tăng áp lực ngân sách là việc có thể thực hiện được trong thời gian tới nếu có sự quyết tâm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA