Nâng chuẩn trình độ hay bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên sẽ hiệu quả hơn?

06/09/2019 06:53
NHẬT DUY
(GDVN) - Thay vì bắt buộc giáo viên phải học cho đủ chuẩn về trình độ thì có lẽ bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên chắc chắc sẽ thiết thực và hiệu quả hơn rất nhiều.

Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và những giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ sẽ được đào tạo lại. Với số lượng giáo viên hiện hành thì Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ đào tạo lại khoảng 400- 500 nghìn giáo viên.

Đây thực sự là bài toán tương đối khó đối với ngành giáo dục trước khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, việc nâng bằng cấp nhưng có nâng cao được chuyên môn hay không lại là 2 phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Thay vì bắt buộc giáo viên phải học cho đủ chuẩn về trình độ thì có lẽ bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên chắc chắc sẽ thiết thực và hiệu quả hơn rất nhiều.

Theo dự kiến sẽ có 400- 500 nghìn giáo viên phải đào tạo lại (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo dự kiến sẽ có 400- 500 nghìn giáo viên phải đào tạo lại (Ảnh minh họa: TTXVN)

Những giáo viên hiện đang giảng dạy trong ngành giáo dục có nhiều thế hệ khác nhau, nhiều hệ đào tạo khác nhau qua các thời kỳ. Tất nhiên, đội ngũ ấy đã được đào tạo và tuyển dụng đúng theo những thời điểm nhất định của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, chuẩn nghề nghiệp giáo viên vừa mới ban hành vào năm 2018, cùng Luật Giáo dục sửa đổi sắp có hiệu lực đã có những quy định chuẩn về trình độ cao hơn so với quy định hiện hành.

Nếu như trước đây, bậc mầm non chuẩn trình độ đào tạo chỉ là trung cấp thì bây giờ được nâng lên trình độ cao đẳng. Những giáo viên tiểu học thì nâng chuẩn từ trung cấp lên đại học và giáo viên cấp trung học cơ sở được nâng chuẩn từ cao đẳng lên đại học.

Như vậy, với quy định mới thì chuẩn trình độ tối thiểu đối với giáo viên mầm non sẽ là cao đẳng và giáo viên phổ thông có trình độ tối thiểu phải là đại học.

Chính vì vậy, có quan điểm cho rằng việc đào tạo lại để nâng cao trình độ là bắt buộc và cũng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng thì những khó khăn, áp lực công việc sẽ còn nhiều hơn.

Nâng chuẩn trình độ hay bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên sẽ hiệu quả hơn? ảnh 2Nhiều thầy cô gặp khó khi nâng chuẩn trình độ

Tuy nhiên theo chúng tôi, đào tạo hình thức nào sẽ thiết thực hơn đối với những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy để đủ chuẩn, đủ trình độ theo Luật Giáo dục sửa đổi mới là điều mà ngành giáo dục sẽ cần hướng tới nhằm đem lại hiệu quả nhiều nhất.

Việc đào tạo để cho 25% giáo viên hiện nay đủ chuẩn về trình độ có lẽ không khó, thậm chí dễ vô cùng nếu vẫn giữ cách đào tạo giống thời gian qua. Giáo viên chỉ cần nộp tiền và đến học để hợp thức hóa bằng cấp thì đơn giản vô cùng.

Học hết các đơn vị kiến thức của chương trình đào tạo đương nhiên sẽ thi và sẽ qua và được cấp bằng. Những giáo viên có trình độ trung cấp hay cao đẳng cũng chỉ đào tạo trong một thời gian ngắn sẽ hoàn thiện về bằng cấp.

Nhưng, hoàn thiện về bằng cấp cho giáo viên như cách dạy từ xa, tại chức lâu nay thì rõ ràng hiệu quả không có mà tốn kém vô cùng.

Nhà nước tốn kém về kinh phí đào tạo, giáo viên tốn tiền ôn, tiền thi, tiền học phí và rất nhiều khoản tiền phải chi trong quá trình học tập. Khi hợp thức hóa trình độ thì đương nhiên phải chuyển ngạch cho giáo viên và hệ số lương chắc chắn phải cao hơn.

Theo chia sẻ với báo chí của ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán cán bộ quản lý giáo dục thì tới đây, Bộ sẽ có lộ trình để đào tạo lại từ 400 - 500 nghìn giáo viên.

Như vậy, khi đào tạo xong thì tất nhiên giáo viên sẽ được chuyển ngạch và tiền lương chắc chắn cũng sẽ được nâng lên theo ngạch thì ngân sách nhà nước cũng phải chi thêm khá nhiều.

Nhưng tăng lương theo bằng cấp "chuẩn trình độ" không đồng nghĩa với tăng chất lượng giáo dục.

Bởi lẽ, bằng cấp thì đạt được mà kiến thức có tương xứng với tấm bằng hay không thì chưa hẳn khẳng định được.

Thông thường, đã đào tạo lại thì đương nhiên là giáo viên phải học nhiều môn và sẽ có những môn không cần thiết, không thiết thực bằng việc bồi dưỡng trực tiếp chuyên môn cho giáo viên.

Nâng chuẩn trình độ hay bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên sẽ hiệu quả hơn? ảnh 3
Nâng chuẩn giáo viên, tiếp tục băn khoăn về số phận 160.000 giáo viên tiểu học

Thay vì đào tạo lại, cũng chừng ấy thời gian, Bộ tiến hành cho số lượng giáo viên chưa đủ chuẩn học tập trung và chỉ cần bồi dưỡng chuyên môn về môn học mà họ đang giảng dạy ở các nhà trường.

Đương nhiên, chuyên môn của giáo viên sẽ được nâng lên và họ sẽ tiếp cận tốt hơn về nội dung, phương pháp khi dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Là người trực tiếp đứng lớp, chúng tôi nhận thấy bồi dưỡng chuyên môn thì đương nhiên giáo viên cũng sẽ thích thú hơn trong học tập để lấy bằng "nâng chuẩn".

Thời gian qua, chúng ta đã thấy quá nhiều bất cập trong việc quy định về chuẩn, về bằng cấp, chứng chỉ cho giáo viên phổ thông. Nhưng, phía sau những tấm bằng và chứng chỉ đó là sự vất vả và tốn kém cho giáo viên vô cùng.

Trong khi đó, khi có những chứng chỉ, bằng cấp rồi cũng chẳng giúp gì cho giảng dạy của mình. Cái lợi thuộc về các cơ sở đào tạo và thiệt thòi, vất vả thuộc về những người thầy đang trực tiếp giảng dạy.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang được Bộ và các địa phương chuẩn bị rốt ráo. Việc cần làm là của ngành giáo dục là bồi dưỡng giáo viên cho hiệu quả để họ có một tâm thế cao nhất khi giảng dạy chương trình mới.

Thực tế, những giáo viên trung cấp học lên cao đẳng, cao đẳng học lên đại học hệ không chính quy đang tồn tại rất nhiều bất cập mà ít hiệu quả.

Vì thế, người thầy dạy môn nào thì bồi dưỡng cho họ môn đó sẽ giúp ích cho mục tiêu của ngành cao hơn là yêu cầu họ đi hợp thức hóa chuẩn trình độ của mình!

Tài liệu tham khảo:

//thanhnien.vn/giao-duc/luong-khoi-diem-cua-giao-vien-se-nang-len-dang-ke-1121265.html

NHẬT DUY