Nâng chuẩn - cơ hội vàng để đào tạo giáo viên dạy môn học mới

06/09/2020 06:16
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Sơn Quang Huyến cho rằng nâng chuẩn giáo viên là cơ hội vàng để đào tạo giáo viên môn học mới, đáp ứng yêu cầu thay đổi chương trình giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn cho chương trình mới áp dụng.

Ở cấp trung học cơ sở, xuất hiện của các môn học mới: Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên. Trung học phổ thông có môn mới là Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Môn Khoa học Tự nhiên là tổ hợp của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; việc tổng hợp ba môn học thành một môn đã nhận được ý kiến trái chiều của dư luận, khi giáo viên cơ bản được đào tạo và giảng dạy 1 môn hoặc 2 môn.

Sẽ xảy ra tình trạng ba thầy cô (hoặc hai thầy cô) cùng dạy một cuốn sách, cùng ra một đề kiểm tra, cùng đánh giá một học trò khi chưa có giáo viên đơn môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Vì vậy vấn đề cấp bách mà dư luận đã đặt ra: Giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật được đào tạo ở đâu?

Thực tế hiện nay, số lượng tuyển sinh cho các ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên, sư phạm Lịch sử và Địa lý, sư phạm Giáo dục kinh tế và Pháp luật rất ít.

Nâng chuẩn giáo viên là cơ hội vàng để đào tạo giáo viên môn học mới, đáp ứng yêu cầu thay đổi chương trình giáo dục. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nâng chuẩn giáo viên là cơ hội vàng để đào tạo giáo viên môn học mới, đáp ứng yêu cầu thay đổi chương trình giáo dục. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Học sinh ngại đăng ký ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên, sư phạm Lịch sử và Địa lý vì chỉ dạy được trung học cơ sở, phải học nhiều môn, nên khó tuyển sinh.

Đây là vấn đề đang rất cần sự vào cuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi phân bố chỉ tiêu đào tạo cho các trường Sư phạm, để đảm bảo việc đào tạo nhân lực cho chương trình mới.

Nâng chuẩn bằng cấp, cơ hội vàng để đào tạo giáo viên môn học mới!

Giáo viên đang dạy trung học cơ sở chưa đạt chuẩn bằng cấp (mới có bằng cao đẳng sư phạm) sẽ được nâng chuẩn (bằng đại học) theo Nghị định số: 71/2020/NĐ-CP.

Lộ trình được thực hiện thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.[2]

Thực tế hiện nay 100% giáo viên trung học cơ sở đã có bằng cử nhân, không có ai có ngành học Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Vì chưa có trường đại học nào đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý có sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Không có trường đại học nào đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý cho giáo viên có bằng cao đẳng nâng chuẩn lên bằng cử nhân.

Như vậy, đến năm học 2021 – 2022 khi chương trình mới áp dụng cho lớp 3 và lớp 6 sẽ xảy ra tình trạng giáo viên đạt chuẩn bằng cấp nhưng không đạt chuẩn môn học của chương trình mới!

Chính vì thế, nâng chuẩn giáo viên, cơ hội vàng để đào tạo giáo viên môn học mới, đáp ứng yêu cầu thay đổi chương trình giáo dục.

Những giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm ngành Hóa học, Sinh học, Vật lý nên bồi dưỡng nâng chuẩn thành Cử nhân sư phạm Khoa học Tự nhiên.

Tương tự như vậy, giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm ngành Địa lý, Lịch sử bồi dưỡng nâng chuẩn thành Cử nhân sư phạm Lịch sử và Địa lý.

Làm như vậy sẽ bớt được ngân sách đào tạo giáo viên ở trường đại học sư phạm, đáp ứng nhanh nhu cầu thực tế của đổi mới chương trình giáo dục, tiết kiệm được thời gian đào tạo giáo viên.

Vì vậy, tôi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch bồi dưỡng cụ thể những giáo viên có ngành đào tạo cao đẳng Hóa học, Sinh học, Vật lý, Địa lý, Lịch sử thành Cử nhân ngành Khoa học Tự nhiên, Cử nhân ngành Lịch sử và Địa lý, trong lộ trình bồi dưỡng nâng chuẩn giáo viên, đáp ứng nhu cầu bức thiết khi thực hiện chương trình mới, chấm dứt tình trạng ba thầy cùng dạy một ... cuốn sách giáo khoa.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-gd-cong-bo-chi-tiet-cac-mon-hoc-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-856809.vov

[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Nghi-dinh-71-2020-ND-CP-lo-trinh-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx

Sơn Quang Huyến