Nam sinh Bách khoa sáng tạo giải pháp hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2

26/05/2021 09:09
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghiên cứu về xử lý tín hiệu âm thanh phổi của Trịnh Thanh Tùng giúp cảnh báo bệnh về viêm phổi, hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2.

Từng phải bỏ dở hoạt động nghiên cứu khi rơi vào bế tắc nhưng Trịnh Thanh Tùng (sinh viên Viện Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) vẫn không ngừng mơ ước về một sáng chế, giải pháp để đóng góp cho xã hội.

Với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ, cuối cùng Thanh Tùng cũng thành công với dự án SAFELUNG "cung cấp bộ thiết bị giúp cảnh báo các bệnh viêm phổi và ứng dụng hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2".

Trịnh Thanh Tùng, sinh viên Viện Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Trịnh Thanh Tùng, sinh viên Viện Điện tử viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

“Đầu năm 2020, dịch covid -19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, sinh viên phải học ở nhà. Thời điểm đó, Trường Đại học Bách Khoa cũng có nhiều sản phẩm về công nghệ. Thầy giáo và bạn bè em cũng có các sản phẩm hỗ trợ chống dịch.

Đó cũng chính là động lực thôi thúc em tự đặt ra cho bản thân mục tiêu mới, là phải có nghiên cứu hữu ích cho cộng đồng, đóng góp vào cuộc chiến chống Covid -19 của đất nước”, Thanh Tùng chia sẻ lý do bắt đầu thực hiện nghiên cứu.

Lựa chọn môn học tự chọn “Xử lý tín hiệu vi sinh số” gần với chuyên ngành của mình, Thanh Tùng càng kỳ vọng về một nghiên cứu đang ấp ủ bấy lâu. Được thầy giáo động viên, nam sinh nảy ra ý tưởng nghiên cứu dựa vào tín hiệu âm thanh phổi để tìm ra được sự khác biệt giữa người bệnh và người bình thường.

Tùng bắt đầu phác thảo sơ đồ hình ảnh bao gồm 1 ống nghe thu tín hiệu từ người bệnh, tín hiệu từ ống nghe sẽ truyền qua 1 mạch khuếch đại sau đó truyền vào máy tính. Máy tính tiếp tục xử lý thuật toán, lập trình và phân loại các tín hiệu để cho ra kết quả có bệnh hay không có bệnh.

Đó là những phác thảo ban đầu về nghiên cứu từ kiến thức chuyên ngành “xử lý tín hiệu”. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện và phân tích, Thanh Tùng mới nhận ra là có rất nhiều vấn đề tồn tại, những gì dự tính đều không đúng với thực tế, có những sai số xảy ra do bị nhiễu âm thanh từ bên ngoài, không thu được tín hiệu như lý thuyết,…

Thành Tùng tâm sự: “Trong gần 1 năm trời, hoạt động nghiên cứu nhiều lần thất bại và không thu được một kết quả nào, em và các bạn tự đặt ra một câu hỏi rằng, liệu mình có nên tiếp tục không, và nếu tiếp tục thì sẽ thực hiện bằng cách nào?

Và quả thật, có thời gian em gần như chấp nhận bỏ cuộc, gác lại tất cả vì nghiên cứu rơi vào bế tắc. Nhưng ước mơ, niềm đam mê vẫn vẫn cháy trong em, thôi thúc em vực dậy tinh thần, nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Nam sinh Bách khoa sáng tạo giải pháp hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2 ảnh 2

Với Thanh Tùng, gia đình là động lực lớn nhất để em học tập, nghiên cứu. (Ảnh: NVCC)

Có thời điểm, các thành viên trong nhóm đã bỏ cuộc, chỉ còn mỗi Thanh Tùng với một dự án nghiên cứu còn dang dở. Nhận được sự tin tưởng của thầy giáo và sự kỳ vọng của gia đình, Tùng quyết định tiếp tục dốc toàn lực để nghiên cứu.

Nam sinh thành lập một nhóm nghiên cứu mới, khởi động lại mọi hoạt động và quyết định chọn nghiên cứu này làm đồ án tốt nghiệp.

"Chúng em bắt đầu tìm kiếm và giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đối với từng phương pháp nghiên cứu, phải đánh giá được ưu, nhược điểm để tìm phương pháp nào tối ưu nhất, phù hợp nhất.

Tương tự, khi nghiên cứu không thu lại kết quả, phải xem lại thuật toán đã đúng chưa, có nên thay đổi thuật toán hay không.

Đặc biệt càng về sau thời gian càng gấp rút đòi hỏi chúng em phải tốc độ hơn. Để đồ án tốt nghiệp đạt điểm tuyệt đối, em phải hoàn thành bài báo nghiên cứu khoa học, vẽ ra quy trình chuẩn và hoàn tất mọi công việc nghiên cứu", Thanh Tùng chia sẻ.

Cuối cùng, dự án SAFELUNG "cung cấp bộ thiết bị giúp cảnh báo các bệnh viêm phổi và ứng dụng hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2" cũng thành công. Nghiên cứu về xử lý tín hiệu âm thanh phổi có thể cảnh báo bệnh về viêm phổi bằng việc sử dụng Machine learning kết hợp với xử lý tín hiệu trên các miền thời gian-tần số.

Thành công này đã giúp Trịnh Thanh Tùng tốt nghiệp sớm với điểm đồ án tuyệt đối “10-10-10".

Nghiên cứu của Tùng là một bộ thiết bị bao gồm 1 ống nghe điện tử và 1 app phần mềm mô phỏng được cài đặt trong điện thoại. Ban đầu ống nghe sẽ tiến hành thu dữ liệu âm thanh từ người bệnh sau đó truyền vào điện thoại. Điện thoại sẽ gửi và giao tiếp với nơi xử lý thuật toán trung tâm để phân loại tín hiệu của người bệnh.

Thuật toán trung tâm là yếu tố cốt lõi sử dụng các công nghệ xử lý khác nhau bao gồm xử lý tín hiệu âm thanh và AI (Machine Learning). Cuối cùng kết quả sẽ gửi lại và hiển thị lên điện thoại thông minh của người dùng.

Theo Thanh Tùng, đây là giải pháp giúp cảnh báo các bệnh viêm phổi và ứng dụng hỗ trợ sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2. Hiện nay, chúng ta chủ yếu sử dụng phương pháp kiểm tra nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người bị bệnh nặng mới bị sốt nên việc sàng lọc chưa thực sự hiệu quả.

Biểu hiện của phổi ở giai đoạn đầu đã rất rõ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xử lý tín hiệu âm thanh phổi là một giải pháp hỗ trợ sàng lọc tối ưu hơn.

Cũng với nghiên cứu này, Thanh Tùng sở hữu bài báo nghiên cứu khoa học đầu tiên trong hội nghị quốc tế ICISN 2021.

Thanh Tùng (bên trái) chia sẻ về nghiên cứu của mình tại cuộc thi VSIC (Ảnh: NVCC)

Thanh Tùng (bên trái) chia sẻ về nghiên cứu của mình tại cuộc thi VSIC (Ảnh: NVCC)

Tham gia cuộc thi khởi nghiệp “Thử thách Sáng tạo xã hội Việt Nam” với vai trò là trưởng nhóm ALOHA, dự án SAFELUNG của nhóm nghiên cứu cũng nằm trong top 4 dự án xuất sắc nhất miền Bắc năm 2020.

Tốt nghiệp sớm với nhiều thành tích nổi bật, Trịnh Thanh Tùng đã nhận được nhiều lời mời làm việc tại các công ty lớn. Song, Tùng đã chọn làm việc tại tập đoàn Viettel bởi đó là dự định của cậu ngay từ ngày bước chân vào cổng trường đại học.

Để có được thành công như ngày hôm nay, Tùng cũng phải vươn lên từ gian khó, vượt qua nhiều thử thách.

Gia đình không có điều kiện, để bố mẹ đỡ gánh nặng, Thanh Tùng đã đi làm thêm đủ việc như làm gia sư, bán quần áo,...

"Em làm nhiều việc để đỡ đần cho bố mẹ. Có thời gian, em phải đi khắp các con phố, tìm mua chiếc xe đạp cũ giá rẻ nhất để đi học, đi làm. Nhưng đó cũng chính là khoảng thời gian em cảm thấy có ý nghĩa và đáng trân trọng trong cuộc đời mình.

Áp lực việc học, áp lực về thời gian nhưng em vẫn luôn cố gắng vì gia đình là động lực lớn nhất, vì bố mẹ luôn gửi gắm niềm tin ở em!", Thanh Tùng tâm sự.

Trong hơn 4 năm học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Thanh Tùng có 4 lần liên tiếp nhận được Học bổng Năng lượng tương lai AES.

Chia sẻ về ước mơ và dự định của mình, Trịnh Thanh Tùng hi vọng sẽ có được nguồn lực tài chính và các đơn vị hợp tác để đưa nghiên cứu xử lý tín hiệu âm thanh phổi ứng dụng vào thực tế.

Trong tương lai, Tùng cũng quyết định tiếp tục theo đuổi nghiên cứu để có nhiều sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới và đóng góp cho cộng đồng.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh