Năm nào cũng đỗ tốt nghiệp 98-99%: Có nên tiếp tục tổ chức thi?

25/09/2020 06:13
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo nhiều chuyên gia, tại Việt Nam, trình độ học sinh ở các vùng miền khác nhau nên phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp để có chuẩn chung của cả nước.

Cứ khi kết thúc mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông là việc có nên tiếp tục kỳ thi này hay không khi 98-99% học sinh đậu tốt nghiệp lại được đưa ra bàn luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì thi tốt nghiệp với tỷ lệ đỗ cao như vậy thì nên chuyển từ hình thức thi sang hình thức xét tốt nghiệp căn cứ vào kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh. Còn việc thi tuyển đại học nên để các trường tự tổ chức.

Đặc biệt, năm nay, kỳ thi được tổ chức vào thời điểm đặc biệt đó là dịch COVID-19 và kết quả đạt 98,34%, tăng gần 4% so với năm ngoái.

Câu chuyện này tiếp tục được thảo luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nội dung định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021-2025.

Có nên thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa hay không?

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: “Lâu nay văn hóa của ta, đối với học sinh nếu không thi là không học, nếu không thi thì giáo viên dạy không đúng định hướng đổi mới.

Do đó, nếu không tổ chức kỳ thi chúng ta không kiểm soát được việc dạy và học, đặc biệt là những định hướng đổi mới trong giáo dục”.

Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Không chỉ Việt Nam mà quốc tế họ cũng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng điều quan trọng là nếu không thi thì học sinh không học, giáo viên không dạy, cần gì dạy chỉ cần phê vào học bạ là xong.

Hơn nữa, tại Việt Nam, trình độ học sinh ở các vùng miền khác nhau nên phải đưa ra kỳ thi này để có chuẩn chung của cả nước.”

ảnh minh họa: Thùy Linh

ảnh minh họa: Thùy Linh

Còn theo thầy Lâm, thi là kết quả đánh giá quá trình học tập trong khi quá trình học tập nào cũng phải kiểm tra, Luật Giáo dục 2019 đã khẳng định điều đó.

“Chính vì vậy, thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa đúng thực tế, vừa đúng khoa học giáo dục. Không có quá trình học nào mà không kiểm tra đánh giá, nếu không kiểm tra, đánh giá thì coi như không học”, thầy Lâm khẳng định.

Lâu nay chúng ta thiên về dạy chữ, nay muốn phát triển tư duy, năng lực học trò thì hình thức thi phải thay đổi. Tuy nhiên, hình thức thi như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ và đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình.

Cả hai vị chuyên gia đều cho rằng, thời điểm hiện tại chưa thể giao cho địa phương xây dựng đề thi, “chỉ khi nào Bộ có lượng đề thi đủ lớn và khả năng tổ chức thi địa phương thật sự tốt thì khi đó phân cấp mạnh hơn nữa”.

Ngoài ra nhìn nhận về việc dù đã cố gắng nhưng điểm thi Ngoại ngữ sau nhiều năm vẫn chưa cải thiện được nhiều, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng:

“Hiện nay, học trò học chỉ để đối phó với hình thức thi trắc nghiệm nên giáo viên dạy “mẹo” trả lời đúng chứ không rèn được kỹ năng do đó học trò không phát huy được thế mạnh của mình.

Muốn nâng cao năng lực ngoại ngữ thì cần phải đặt ra điều kiện, ví như đạt chuẩn IELTS hoặc TOEFL ở một mức nào đó thì được tuyển thẳng vào đại học, đặc biệt cần yêu cầu viên chức từ cấp tỉnh phải thông thạo ngoại ngữ. Chỉ cần như vậy tự khắc học sinh phải chủ động học”.

Nhìn nhận qua 6 năm khi thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì đổi mới thi, đánh giá, kỳ thi được hoàn thiện theo hướng năm sau tốt hơn năm trước.

Đặc biệt, năm 2020, mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng tiến trình đổi mới kỳ thi vẫn theo xu hướng tốt, kiên định, kỳ thi đã được tổ chức thành công thì Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng:

“Đến nay số bài thi, môn thi, thời gian thi tương đối ổn định, phương thức thi phân cấp cho địa phương là hoàn toàn đúng đắn do đó năm 2021 đến năm 2025 nên giữ kỳ thi cơ bản giống như năm nay, chỉ cần tăng cường ngân hàng câu hỏi và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của kỳ thi”.

Qua trao đổi với các chuyên gia cho thấy, cần phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chúng ta cũng cần giữ ổn định kỳ thi, tránh việc tạo áp lực thay đổi đối với xã hội.

Thùy Linh