Năm học vừa qua, ngành Giáo dục xây dựng gần 5.000 bài giảng điện tử E-learning

29/08/2021 19:16
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2020-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi sổ trong giáo dục, đào tạo.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025; quy định chuẩn dữ liệu giáo dục mầm non, phổ thông và đại học; hướng dẫn về dạy học trên Internet, dạy học trên truyền hình và công nhận kết quả dạy học qua mạng tạo hành lang pháp lý thực hiện chuyển đổi số trong Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát nội dung các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ nhà trường, giáo viên phục vụ công tác dạy và học trực tuyến trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát và ký kết các chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp về hỗ trợ ngành Giáo dục thực hiện chuyển đổi số.

Ảnh minh họa: nguồn Phòng giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa: nguồn Phòng giáo dục và Đào tạo quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục được đẩy mạnh, 100% các cơ sở giáo dục đào tạo đã kết nối internet tốc độ cao, 100% các trường trung học phổ thông có tối thiểu 01 phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học và các thiết bị công nghệ thông tin khác phụ trợ công việc quản lý hành chính, 90% các trường sử dụng phần mềm quản lý, trong đó hầu hết là phần mềm quản lý theo mô hình trực tuyến.

Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tiếp tục được nâng cấp và thu thập đầy đủ dữ liệu của gần 50.000 trường học mầm non, phổ thông; gần 23 triệu học sinh; hơn 1,4 triệu giáo viên.

Triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã có những bước tiến quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và nâng mức độ dịch vụ từ mức độ 3 lên mức độ 4 đối với các dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo; tổ chức tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 03 dịch vụ (đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non); thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt bởi hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã triển khai việc thu phí không dùng tiền mặt thông qua các dịch vụ thanh toán (trực tiếp/trực tuyến) của ngân hàng và các trung gian thanh toán.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến qua Internet, trên truyền hình; ban hành các văn bản quy định việc dạy học và đánh giá kết quả dạy học theo hình thức trực tuyến; tiếp tục xây dựng Kho học liệu số toàn ngành và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa gần 5.000 bài giảng điện tử E-learning, hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình; hơn 7.500 luận văn tiến sĩ; gần 30.000 bộ câu hỏi trắc nghiệm; các trường phổ thông đã ứng dụng các hệ thống quản lý học tập trực tuyến để tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; giáo viên và học sinh đã thích ứng với môi trường học tập số hóa; trên nền tảng dữ liệu của cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Ban điều hành đề án Hệ tri thức Việt số hóa và các doanh nghiệp tiếp tục phát triển học liệu số gồm sách giáo khoa được số hóa, bài giảng điện tử, video bài giảng, phần mềm mô phỏng...

Thùy Linh