Nam Định: Phụ huynh Yên Bằng bức xúc khoản vận động xã hội hóa, trường nói gì?

02/03/2022 06:40
Mạnh Đoàn
GDVN- Việc vận động xã hội hóa tại trường mầm non Yên Bằng, tiểu học Yên Bằng với mức 350-500 nghìn đồng/học sinh, khiến phụ huynh bức xúc.

Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số phụ huynh đang có con theo học tại trường mầm non Yên Bằng, trường tiểu học Yên Bằng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) bức xúc về các khoản thu xã hội hóa. Theo phụ huynh là không trên tinh thần tự nguyện.

Cụ thể, tại trường mầm non Yên Bằng, phụ huynh cho biết, họ được vận động đóng 500 nghìn đồng/bé để xây dựng "vườn cổ tích". Tại trường tiểu học Yên Bằng, theo phụ huynh phản ánh, nhà trường vận động 350 nghìn đồng/hoc sinh để mua tivi cho học sinh, mua máy tính cho giáo viên, sửa chữa đồ dùng dụng cụ học tập...

Anh M., vị phụ huynh có hai con nhỏ đang học tại hai ngôi trường nói trên cho biết, đối với trường mầm non, thì việc vận động xây "vườn cổ tích" khiến anh thắc mắc là tại sao trường công lại vận động như vậy.


Nam Định: Phụ huynh Yên Bằng bức xúc khoản vận động xã hội hóa, trường nói gì? ảnh 1Trường tiểu học Yên Bằng được phụ huynh phản ánh về việc nhà trường vận động thu 350 nghifnd đồng/học sinh để mua máy tính cho giáo viên, tivi cho học sinh (Ảnh: Trường tiểu học Yên Bằng)

Còn đối với trường tiểu học Yên Bằng, anh M. cho biết, khi anh thắc mắc đối với giáo viên chủ nhiệm về khoản tiền vận động 350 nghìn đồng/học sinh, thì được giáo viên giải thích khoản thu trên là để mua ti vi cho học sinh, máy tính cho giáo viên, sửa chữa... và đã có báo cáo Phòng và Sở. Tuy nhiên, anh M. thấy không hợp lý và gia đình anh vẫn chưa đóng khoản tiền này.

Theo phản ánh của phụ huynh, các khoản vận động trên là tự nguyện, nhưng khi lớp học triển khai thu đến phụ huynh thì có định mức cụ thể trên từng cháu. Các khoản thu này theo phụ huynh phản ánh là họ chỉ được truyền đạt mồm, không có văn bản giấy tờ gì.

Trước những bức xúc về việc thu chi của hai cấp học, anh M. cho biết, anh đã gọi điện phản ánh sự việc lên Sở Giáo dục và Đào tạo, sau đó anh M. được thông tin là Sở chuyển xuống cho Phòng Tài chính xử lý. Tuy nhiên, đến nay đã hơn gần 3 tháng anh M. phản ánh nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ phía Sở.

Hiệu trưởng Tiểu học Yên Bằng nói phụ huynh phản ánh không khách quan

Ngày 25/2, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Hiệu trưởng của hai cấp học mầm non với tiểu học tại xã Yên Bằng.

Ông Lê Hồng Thu - Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Bằng bác bỏ thông tin vận động xã hội hóa từ phía phụ huynh để mua máy tính cho giáo viên, hay để sửa chữa cơ sở vật chất. Vị này thừa nhận, việc vận động xã hội hóa để mua tivi cho học sinh học tập.

"Định hướng của năm học này là thực hiện chương trình giáo dục 2018, chúng tôi mua tivi để cho các cháu học. Nhà trường cũng đã họp và thống nhất, kêu gọi không chỉ phụ huynh mà còn cả người con thành đạt của quê hương ở trên mọi miền tổ quốc", ông Thu chia sẻ.

Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định việc vận động xã hội hóa trên hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không có việc vận động 350 nghìn đồng/học sinh.

"Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên không đưa ra mức thu cố định nào hết, mà chỉ đưa kế hoạch tài trợ, thực hiện vận động dựa trên Thông tư 16 của Bộ Giáo dục", Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Đến nay, nhà trường đã kêu gọi ủng hộ được 15 chiếc tivi. Vì vậy, ông Thu cho hay, thông tin phản ánh của phụ huynh là chưa khách quan.

Về phản ánh đối với trường mầm non Yên Bằng, bà Ngô Thị Ngọ (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, đầu năm hoc 2021-2022, nhà trường được chuyển về khu vực trường mới được xây dựng. Đơn vị đã tuyên truyền vận động để xây dựng trong và ngoài trường nhưng không đưa ra định mức cụ thể.

"Có phụ huynh không ủng hộ, nhưng cũng có người ủng hộ tiền triệu, người ở xa quê hương cũng quyên góp. Đến nay nhà truờng đã vận động được khoảng hơn 90 triệu đồng", bà Ngọ chia sẻ.

Theo bà Ngọ, số tiền vận động trên được dùng để xây dựng vườn cổ tích và mua sắm đồ dùng cho nhóm lớp theo Thông tư 02. Đích thân bà đã họp toàn bộ nhà trường và thông báo công khai cho phụ huynh, chứ không phải là giáo viên triển khai đến phụ huynh.

Tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục hệ thống giáo dục quốc dân, có nêu việc vận động ủng hộ phải dựa trên tinh thần tự nguyện, không quy định tài trợ tối thiểu và không dùng tiền vận động để chi cho các hoạt động cá nhân của giáo viên, bảo vệ...

Cụ thể, tại Điều 2 Thông tư 16 quy định về nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ:

1. Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

2. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

3. Việc quản lý, sử dụng các khoản tài trợ phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và không để thất thoát, lãng phí.

4. Không tiếp nhận các hiện vật không đáp ứng mục đích sử dụng trong cơ sở giáo dục, hiện vật độc hại, nguy hiểm đối với môi trường, sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học.

5. Khuyến khích các nhà tài trợ tự tổ chức thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục theo sự thỏa thuận và hướng dẫn của cơ sở giáo dục.

6. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

Điều 3. Nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ

1. Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:

a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;

b) Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.

2. Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.

Tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-16-2018-TT-BGDDT-quy-dinh-ve-tai-tro-cho-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-393562.aspx

Mạnh Đoàn