Năm 2021, giáo viên mong muốn điều gì ở lãnh đạo ngành Giáo dục?

05/01/2021 07:38
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như nhiều thầy cô giáo khác là toàn ngành giáo dục cùng thay đổi, trên dưới một lòng với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Năm 2020, ngành giáo dục phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng mọi kế hoạch cơ bản thì toàn ngành đã dốc sức hoàn thành. Đó là một thành quả, là động lực để toàn ngành hướng tới năm 2021- dù ai cũng thấy sẽ có nhiều khó khăn đang chờ đợi ở phía trước.

Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với dịch bệnh, nhiều hoạt động liên quan đều bị chững lại…

Vì thế, trong những ngày đầu tiên của năm 2021, đội ngũ nhà giáo luôn hy vọng toàn ngành cùng chung sức, chung lòng để hoàn thành các kế hoạch đã đề ra mà trong đó, việc quan trọng nhất của các cấp phổ thông là thực hiện việc đưa chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào giảng dạy ở lớp 2 và lớp 6.

Dù có nhiều khó khăn đang chờ đợi nhưng chúng ta hy vọng ngành giáo dục sẽ vượt qua (Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phú Thọ)

Dù có nhiều khó khăn đang chờ đợi nhưng chúng ta hy vọng ngành giáo dục sẽ vượt qua

(Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phú Thọ)

Những bài học kinh nghiệm phải được rút ra từ việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 năm nay

Năm 2020 là năm đầu tiên mà ngành giáo dục thực hiện chương trình mới ở lớp 1 nhưng đã bộc lộ nhiều hạn chế về cách thức thực hiện và những bất cập trong một số đầu sách giáo khoa.

Cả 5 bộ sách đều có những hạn chế nhất định mà các nhà xuất bản đã phải thay đổi ngữ liệu và dư luận xã hội cũng đã có thời điểm lên tiếng bất bình.

Để xảy ra tình trạng này, có lẽ đó là do ngành giáo dục chủ trương làm tắt một số bước như: thực nghiệm sách giáo khoa ở các nhà trường được giao cho các nhà xuất bản; sách giáo khoa được thẩm định chưa kĩ lưỡng và cả sự lúng túng trong chỉ đạo…

Chính vì thế, từ những hạn chế của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 nên việc chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đang được Bộ làm bài bản hơn.

Việc góp ý sách giáo khoa giờ đây đã qua nhiều bước thẩm định, góp ý chứ không đơn thuần là chỉ có khâu thẩm định như sách giáo khoa lớp 1 của năm học 2020-2021.

Những thầy cô cốt cán ở các địa phương được triệu tập để đóng góp ý kiến, và sau đó sẽ đến giáo viên giảng dạy ở các nhà trường.

Việc tập huấn trong thời gian qua cũng bài bản hơn đối với lớp 1, giáo viên được cấp 1 tài khoản để bồi dưỡng trực tuyến và được triệu tập bồi dưỡng trực tiếp theo các modul…

Những khó khăn của các giáo viên, các đơn vị đang được chung tay tháo gỡ trong những buổi tập huấn trực tiếp- điều này giúp cho giáo viên lĩnh hội được những kiến thức, phương pháp cơ bản của chương trình mới mà Bộ đã chủ trương áp dụng.

Những điều này đã và đang tạo nên một tiền đề tốt cho toàn ngành chủ động thực hiện việc đổi mới giáo dục trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến khó lường.

Những áp lực và thủ tục hành chính đã và đang dần dần được tháo gỡ

Năm 2020 đã đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng của ngành giáo dục khi bãi bỏ nhiều Thông tư đã lạc hậu so với hiện nay để ban hành nhiều Thông tư mới như: Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT…

Những điều này đã giảm đi áp lực điểm số, hồ sơ sổ sách hành chính cho giáo viên và tạo cho đội ngũ nhà giáo bớt đi những áp lực vô hình.

Việc Bộ ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT giúp cho áp lực các bài kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt là các bài kiểm tra định kỳ đối với những môn nhiều tiết đã giảm được 2/3 cho đến một nửa so với trước đây.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cũng có những tác động trực tiếp đến giáo viên như những loại sổ sách không cần thiết đã được giảm bớt và chuyển dần sang các loại hồ sơ sổ sách điện tử. Chính vì thế, một số địa phương cũng đã bắt đầu thí điểm và thực hiện hồ sơ số sách điện tử…

Song, nhìn từ thực tế thì khoảng cách từ các văn bản của Bộ và các nhà trường vẫn còn rất xa nhau. Nhiều địa phương, nhà trường vẫn đang còn máy móc, cứng nhắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Những thủ tục hành chính hiện nay như hồ sơ sổ sách, họp hành vẫn còn nhiều, gây khó khăn cho việc thực hiện công việc ở các nhà trường.

Vì thế, Bộ cần có những chấn chỉnh kịp thời để giảm áp lực cho giáo viên. Nhiều khi, trên đưa chỉ thị nhưng lãnh đạo nhà trường không thực hiện tốt nên dẫn đến chuyện “phép vua thua lệ…trường” và giáo viên vẫn phải thực hiện những điều vô lý.

Năm mới, giáo viên mong ước gì?

Đội ngũ nhà giáo trên cả nước luôn tin tưởng vào những chính sách vĩ mô từ Bộ, sở để từng bước khắc phục những hạn chế, thiếu sót và tiến tới việc đồng bộ, chung tay phát triển ngành giáo dục. Đội ngũ giáo viên chúng tôi tin một năm mới sẽ có nhiều thay đổi từ lãnh đạo bộ, sở, phòng giáo dục và các ban giám hiệu nhà trường.

Đó là lãnh đạo biết lắng nghe, sẽ có những thay đổi để điều hành, quản lý một cách khoa học, hiệu quả và bỏ đi những thủ tục hành chính không cần thiết thì ngành giáo dục mới thực sự khởi sắc.

Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tiến tới toàn bộ cấp phổ thông có liên quan đến vận mệnh của đất nước bởi nó ảnh hưởng đến hàng chục thế hệ học trò trên cả nước.

Vì thế, giáo viên chúng tôi mong muốn Bộ cần có những chỉ đạo và giám sát tốt việc thực hiện bộ sách giáo khoa của chương trình mới thật khoa học, tăng tính thực tiễn. Tránh kiến thức hàn lâm, lý thuyết viển vông không thực tế.

Điều quan trọng là những bộ sách giáo khoa đó phải đảm bảo nội dung không phải chỉnh sửa qua từng năm, chất lượng in sách phải đảm bảo để học sinh có thể học được trong nhiều năm liền.

Tránh tình trạng như sách giáo khoa lớp 1 năm nay vừa bước vào giảng dạy vài tuần thì đã có những phản ánh trái chiều và các nhà xuất bản phải ban hành tài liệu điều chỉnh….

Đối với môi trường giáo dục trong các nhà trường cần được thực hiện dân chủ, minh bạch.

Công tác xét thi đua khen thưởng, xét loại viên chức, đánh giá giáo viên cuối năm, xét tăng lương trước thời hạn cho giáo viên cần làm chặt chẽ, khách quan và công khai.

Tránh tình trạng xét thi đua, xét loại viên chức nhìn vào vị trí ngồi chứ không nhìn vào mức độ cống hiến, thành quả của giáo viên trong trường đạt được. Làm tốt công tác thi đua sẽ tạo được sự đồng thuận cho toàn tập thể mà kích thích được sự phấn đấu, cố gắng của mọi người.

Năm 2021 vẫn là một năm đang được dự báo sẽ có nhiều khó khăn và đương nhiên là ngành giáo dục không nằm ngoài quỹ đạo này.

Năm mới, ai cũng mong muốn điều tốt đẹp và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi mong muốn mọi người đều an vui, ngành giáo dục không còn những câu chuyện buồn, ngành giáo dục năm mới đều là những câu chuyện vui, điển hình.

Và, điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như nhiều thầy cô giáo khác là toàn ngành giáo dục cùng thay đổi, trên dưới một lòng với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Một khi “tướng, sĩ” chung sức, chung lòng cho giáo dục thì ắt sẽ có những thay đổi tích cực.

NHẬT DUY