"Mỹ phẩm trí tuệ" và xu hướng phổ cập đại học

04/10/2013 07:35
TS. Ngô Tự Lập
(GDVN) - Chúng ta không thể từ chối thương mại hóa giáo dục còn vì những thay đổi về bản chất của chính nền giáo đại học.  

Như bài trước đã nói, mô hình đại học công ích hoàn toàn dựa vào nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, tức là từ tiền thuế của dân. Nguồn ngân sách này bao giờ cũng hạn chế, vì thế mô hình công ích chỉ phù hợp với một nền đại học tinh hoa, dành cho một thiểu số đặc tuyển. Nhưng xu hướng chung của thế giới là phổ cập đại học.

Xu hướng phổ cập đại học

Trong nghiên cứu của mình về giáo dục đại học của các nước cựu xã hội chủ nghĩa Đông và Trung Âu, tác giả Marek Kwiek cho biết: năm 1989, số học sinh phổ thông học lên đại học là dưới 10% ở Albania và Romania, giữa 10% và 15% ở Hungary, Slovakia đa số các nước cộng hòa Trung Á của Liên Xô cũ (Kyrgizia, Tajikistan, Turmenistan, Uzbekistan), giữa 15% và 20% ở Croatia, Cộng hòa Czech, Belarus, Macedonia, Moldova và Ba Lan, giữa 20% và 25% ở Belarus, Bulgaria, Latvia, Russia, Slovenia và Ucraine – và tỷ lệ cao nhất là ở hai quốc gia nhỏ vùng Baltic – Estonia (36%) và Lithuania (28%). Một thập niên sau đó, năm 1999, nhiều nước đã có tỷ lệ tuyển sinh trên 40%: Estonia (45%) và Lithuania (40%), Ba Lan (43) và Slovenia (51%)” (Marek Kwiek, 2008).

Sự gia tăng của số trường và số sinh viên đại học của Việt Nam trong những năm qua bị phê phán là quá nhanh, thật ra còn xa mới đáp dứng được nhu cầu của xã hội, nếu chúng ta so sánh với các nước khác.

Tác giả Mỹ Chico Harlan, trong bài viết “Vietnamese teens' thirst for college outpaces country's educational system” trên tờ Washington Post, so sánh rằng với dân số gần 89 triệu dân, Việt Nam có chưa tới 400 trường đại học và cao đẳng, trong khi Mỹ, với dân số  310 triệu, có tới hơn 4.400 trường.

Ảnh có tính chất minh họa.
Ảnh có tính chất minh họa.

Tác giả này cũng cho biết, tỷ lệ sinh viên so với dân số của Việt Nam chỉ bằng một nửa của Thái Lan và một phần ba của Hàn Quốc . Số liệu của Worl Bank cho biết tỷ lệ sinh viên so với dân số của Việt Nam là 1,3% (năm 2006) , thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển, như 70% tại Mỹ, Norway, Australia, hay giữa 70%-80% ở Phần Lan, New Zeland và Sweden (Kwiek Marek, 2008).

Xu hướng phổ cập đại học không phải là ngẫu nhiên; nó phản ánh những thay đổi sâu sắc về bản chất và chức năng của trường đại học.

Như chúng ta đều biết, chức năng đầu tiên, thường được nói đến nhất, của trường đại học là dạy nghề, hay nói theo cách của chúng ta ngày nay là “đào tạo nhân lực”. Các trường đại học Trung cổ phương Tây, như Kant mô tả trong “Xung đột giữa các khoa”, có ba Thượng khoa là Thần học, Luật học và Y học và một Hạ khoa, đó là Triết học (các ngành khoa học xã hội và nhân văn).

Các Thượng khoa được gọi là thượng chỉ vì chúng nằm trong mối quan tâm của quyền lực nhà nước: các Thượng khoa dạy người dân tuân theo các quy tắc xã hội, nghĩa là đào tạo các thần dân, những người thừa hành. Khoa Triết học, ngược lại, bị coi là hạ chỉ vì nó không dạy bất kỳ điều gì khác ngoài việc sử dụng lý trí một cách tự do.

Vì lẽ đó, nhà nước đặc biệt quan tâm và thường xuyên can thiệp vào nội dung giảng dạy của các thượng khoa, trong khi nói chung để cho các giáo sư triết học lo liệu nội dung giảng dạy của khoa mình. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, các thượng khoa là các khoa chuyên ngành, dạy nghề, còn hạ khoa là khoa giáo dục tổng quát, có đích khai sáng.

Các trường đại học trung cổ phương Đông cũng có bản chất dạy nghề tương tự. Mục đích chủ yếu của giáo dục đại học ở Trung Hoa và Việt Nam, chẳng hạn, là đào tạo quan lại cho bộ máy cai trị được xây dựng trên nền tảng Nho giáo.

Chức năng thứ hai của đại học là chức năng Khai sáng, gắn liền với bản chất của đại học hiện đại mà cha đẻ là Immanuel Kant. Đối với Kant, lý trí là một năng lực phổ quát mà nếu được sử dụng tự do có khả năng giúp con người khám phá thế giới và hành động đúng đắn, hợp với quy luật tự nhiên.

Tuy nhiên, theo Kant, phần lớn nhân loại không có khả năng sử dụng lý trí một cách tự do như thế. Ông gọi họ là những người vị thành niên về trí tuệ. Theo Kant, chức năng chính của đại học là khai sáng, tức là giúp người học thoát khỏi tình trạng vị thành niên về trí tuệ để "sử dụng tri thức của mình là không cần sự chỉ dẫn của người khác." Ý tưởng của Kant được Humboldt hiện thực hóa lần đầu tiên tại Berlin. Trường đại học Khai sáng là đại học tinh hoa.

Chức năng thứ ba của đại học là chức năng sản xuất, gắn liền với sự hình thành và lớn mạnh của nền kinh tế tri thức. Đây là một chức năng tương đối mới. Trước kia, trong nền kinh tế truyền thống, nhiệm vụ của đại học là chuẩn bị cho quá trình sản xuất bằng cách đào tạo nhân lực. Ngày này, trong nền kinh tế tri thức, trường đại học trở thành một mắt xích quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, của quá trình sản xuất.

Đối với các ngành sản xuất có công nghệ cao, các công đoạn sản xuất quan trọng nhất - nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm – đều được thực hiện chủ yếu ở trường đại học. Trường đại học đảm bảo việc sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh, còn các nhà máy chỉ có nhiệm vụ nhân bản các sản phẩm hoàn chỉnh ấy mà thôi.

Chức năng thứ tư của trường đại học là chức năng phát triển cá nhân. Chức năng này mới chỉ trở thành quan trọng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở các xã hội đã đạt đến một trình độ phát triển nhất định. Điều này cũng tương tự như việc làm đẹp.

Trong một xã hội có trình độ phát triển thấp, việc làm đẹp là xa xỉ đối với đại đa số người dân. Nhưng khi xã hội trở nên sung túc hơn, việc làm đẹp trở nên phổ biến. Rất nhiều loại mỹ phẩm mới ra đời. Khi đó, không chỉ phụ nữ trẻ mới làm đẹp, mà cả người già, cả nam giới cũng có nhu cầu làm đẹp. Khi đó, quần áo không chỉ có chức năng giữ ấm mà còn có chức năng trang điểm cho cơ thể.

Các đồ đạc ít nhiều đều trở thành đồ trang sức. Nhà cửa bây giờ cũng không chỉ là nơi trú mưa gió mà còn là nơi thể hiện thẩm mỹ của chủ nhân. Không dừng lại đó, người ta còn áp dụng cả các thành tựu y học vào việc làm đẹp. Giải phẫu thẩm mỹ trở thành một trào lưu ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và đang lan nhanh khắp thế giới. Nhu cầu làm đẹp dẫn đến sự hình thành của cả một nền kinh tế làm đẹp.

Nhưng nhu cầu làm đẹp không chỉ dừng ở các khía cạnh vật chất, hữu hình như vậy, mà còn thể hiện ở cả phương diện tinh thần, đặc biệt là về mặt trí tuệ. Con người trong xã hội càng phát triển càng có nhu cầu hiểu biết, không phải để trở thành “nhân lực chất lượng cao”, mà nhằm tự hoàn thiện. Nhiều người đã có bằng cấp và việc làm vẫn đăng ký học các chuyên ngành khác ở bậc đại học và sau đại học.

Ở Hàn Quốc, do truyền thống, nhiều phụ nữ ngừng đi làm sau khi lập gia đình nhưng vẫn theo học tại các trường đại học. Ở Hàn Quốc, có tới 81-84% học sinh tốt nghiệp phổ thông học lên đại học. Thật là vô lý khi chúng ta khăng khăng đòi hỏi mọi sinh viên ra trường phải làm đúng ngành nghề đào tạo. Học đại học vì sự phát triển trí tuệ cá nhân như vậy có thể gọi là “mỹ phẩm trí tuệ” để so sánh với “mỹ phẩn thân thể”.

Nhu cầu về “mỹ phẩm trí tuệ” đang tăng lên không ngừng tại hầu hết các nước và   việc đáp ứng nhu cầu ấy thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng phổ cập đại học và trên thực tế biến giáo dục thành một ngành dịch vụ đầy hứa hẹn.

Xu hướng phổ cập đại học làm cho những nền đại học công ích, tức là những nền giáo dục mù lòa trước thực tế cuộc sống, rơi vào khó khăn chồng chất. Nền đại học Pháp là một ví dụ điển hình. Do học phí rất thấp, trong khi số sinh viên rất lớn, các đại học Pháp luôn luôn phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt tài chính, dẫn đến sự lạc hậu về cơ sở vật chất.

Tờ The Economist dẫn lời tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy: “Tại sao ở Pháp lại không có những giảng đường xứng với tên gọi của nó, không có sân thể thao, một điểm kỳ lạ nữa: không có những thư viện mở cửa vào chủ nhật?”  Đại học Pháp còn thế, chắc chắn tương lai nền đại học công ích của Việt Nam sẽ không sáng sủa hơn.

Thương mại hóa GDĐH và những hàm ý đối với nền GDĐH Việt Nam

Hiện nay, ở Hàn Quốc, trên 80% người tốt nghiệp trung học phổ thông ở Hàn Quốc tiếp tục học lên đại học, một tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Họ học ở đâu? Câu trả lời là: khoảng 85% các trường đại học là trường tư.

Một ví dụ khác cũng rất đáng để cho chúng ta học tập là Malaysia. Malaysia đến năm 1962 mới có trường đại học đầu tiên, vốn là một phân hiệu của University of Malaya, có trụ sở chính ở Singapore (nay là Đại học Quốc gia Singapore). Phải 7 năm sau, Malaysia mới có trường đại học thứ hai. Năm 1975 Malaysia chỉ có 5 trường đại học.

Trong khi đó, năm 1975, ở miền Bắc Việt Nam đã có 30 trường đại học với 50 ngàn sinh viên (không kể cao đẳng) và miền Nam có 7 trường công và 7 trường tư với 166 ngàn sinh viên (số liệu của UNESCO, 1980).

Nghĩa là khi đó Malaysia kém xa Việt Nam. Vậy mà chỉ 30 năm sau, họ vượt lên trước chúng ta rất xa. Hiện nay, trong khu vực ASEAN, chất lượng giáo dục đại học của họ chỉ thua kém Singapore. Hiện nay, hàng năm, có hàng chục ngàn sinh viên nước ngoài đến học tại các trường đại học của Malaysia (trong số này có hang trăm sinh viên người Việt).

Các trường đại học của Malaysia cũng nỗ lực vươn ra thế giới với việc thành lập các phân hiệu và chương trình liên kết đào tạo ở nước ngoài (trong đó có Việt Nam). Chính phủ Malaysia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là biến nước này thành một trung tâm đào tạo đại học của khu vực.     

Bí quyết dẫn đến thành công ấy là chính sách khôn khéo của Thủ tướng Mahathir Mohammed, một chính sách không chỉ giúp khắc phục những sai lầm trong quá khứ, mà còn giúp Malaysia vươn lên phía trước. Ít người biết rằng hình thức liên kết đào tạo quốc tế phổ biến hiện nay là do người Malaysia sáng tạo ra .

Bước ngoặt đối với nền giáo dục đại học Malaysia diễn ra vào năm 1996, khi nước này ban hành luật về "Cơ sở đào tạo đại học tư" (Private Higher Educational Institutions Act). Trước đó, cũng giống như Việt Nam, chính phủ Malaysia kiên quyết chống thương mại hóa đại học. Năm 1969, đề án thành lập trường đại học tư đầu tiên, Merdeka University, bị từ chối.

Chính phủ Malaysia dưới thời Thủ tướng Mahathir Mohammed chủ trương áp dụng triệt để và tỉnh táo học thuyết Reagan-Thatcher vào giáo dục. Năm 2000, số trường tư (đại học và cao đẳng) đạt 704 trường, sau đó giảm bớt xuống 559 vào năm 2005 (trong tổng số 630 trường đại học và cao đẳng năm 2005). Hiện nay, số trường tư luôn vào khoảng 600.

Ở Việt Nam, khu vực ngoài công lập bắt đầu phát triển gần như đồng thời với Malaysia. Năm 1998, cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập đầu tiên, Trung tâm Đại học Dân lập Thăng Long (nay là trường đại học Thăng Long), được thành lập.

Tuy nhiên, đến năm 2011, theo Tổng cục thống kê, khu vực ngoài công lập của Việt Nam mới có 82 trường đại học và cao đẳng (trong tổng số 419 trường), chưa bằng 1/7 số trường tư của Malaysia, mặc dù dân số Việt Nam gấp ba lần dân số Malaysia. Đáng lo ngại hơn nữa, nhiều trường đại học và cao đẳng ngoài công lập của Việt Nam đang hấp hối.

Điều gì làm nên sự khác biệt? Theo tôi, lý do là chính sách thương mại hóa nửa vời của chúng ta. Chúng ta không có một quan điểm minh bạch và sòng phẳng về các trường đại học kinh doanh. Chính vì sự thiếu minh bạch và thiếu sòng phẳng này, người ta có thể nhân danh công ích để tìm kẽ hở của pháp luật nhằm thu lợi bất chính - trong việc xin đất để xây trường, nộp thuế... Mặt khác, cũng chính vì sự thiếu minh bạch và thiếu sòng phẳng này, các trường đại học kinh doanh vấp phải muôn vàn khó khăn.

Trong số các khố khan của đại học ngoài công lập, theo tôi, khó khăn lớn nhất là tuyển sinh. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Cũng vậy, trường đại học không thể tồn tại nếu thiếu sinh viên. Khi cho phép mở trường tư, chúng ta đã chấp nhận thương mại hóa giáo dục.

Nhưng đồng thời, bằng kỳ thi đại học đại trà và quy định về điểm sàn, chúng ta cũng chặn đứng nguồn tuyển sinh của các trường ngoài công lập. Không có sinh viên thì không thu được học phí, không có nguồn thu. Mà không có nguồn thu không một trường tư nào có thể tồn tại, chưa nói đến đầu tư cho phát triển và nâng cao chất lượng. Như thế, cái chết của đại học ngoài công lập Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Kỳ thi đại học đại trà kết hợp với quy định điểm sàn như đang được áp dụng hiện nay, theo tôi, có tác động rất tiêu cực, thậm chí có thể nói là phản tiến bộ. Các cá nhân, sau khi đóng thuế (tức là tham gia đóng góp cho xã hội, bao gồm cả đóng góp cho giáo dục công ích) cần được khuyến khích đầu tư cho giáo dục con cái họ, cho dù con cái họ có thể không thuộc nhóm người có tư chất xuất sắc để được hưởng ưu tiên của xã hội. Nỗ lực học tập của bất kỳ ai cũng chỉ là điều tốt lành cho xã hội.

Hơn nữa, học tập bằng tiền của mình, đó là một quyền chính đáng của mọi người dân. Thế nhưng các kỳ thi đại học đã loại bỏ quyền đó của rất nhiều người, cũng tức là kìm hãm sự nâng cao dân trí.

Chúng ta cũng cần phải nhắc đến một kết quả không đáng mong đợi khác. Những em học sinh thi trượt đại học không thể vào học các trường đại học của Việt Nam, cho dù có muốn trả tiền để theo học. Người ta buộc phải nộp số tiền hàng chục ngàn dollars đó cho các trường của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc v.v..., nơi người ta không yêu cầu thi đại học.

Nghịch lý là ở chỗ, các trường đại học của Việt Nam đang nghèo, đang cần đầu tư để cải thiện cơ sở vật chất, thu hút thầy giỏi, nhưng lại không được nhận số tiền học phí rất cao đó. Rõ ràng, chính sách của chúng ta buộc người dân phải dành tiền để làm giàu cho các trường đại học nước ngoài.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không những phải chấp nhận mà còn cần phải chủ động thương mại hóa giáo dục đại học một cách hợp lý. Cần phải coi các trường đại học vì mục đích kinh doanh là những doanh nghiệp, chịu sự kiểm soát của nhà nước thông qua pháp luật, trước hết là Luật doanh nghiệp và Luật giáo dục đại học.

Bộ Giáo dục và đào tạo nên kiểm soát chất lượng thông qua các quy định về chương trình, tài liệu, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường, thay vì kiểm soát đầu vào thông qua kỳ thi đại học đại trà và điểm sàn như hiện nay. Nói cách khác, chúng ta nên cho phép các trường tự tuyển sinh, áp dụng chế độ thu học phí cạnh tranh và chịu trách nhiệm về chất lượng trước nhà nước và xã hội.

TS. Ngô Tự Lập