Muôn vàn lý do muốn con đi học thêm mùa dịch

30/06/2021 13:16
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh than trẻ suốt ngày cầm điện thoại chơi game, không chịu đọc sách, chơi đồ chơi. Quan sát những đứa trẻ, chúng tôi thấy chính ba mẹ đang làm gương xấu.

Chưa có năm học nào, phụ huynh lại lo lắng, đôn đáo, tất tả tìm chỗ học thêm trong hè cho con. Tuy nhiên, do dịch Covid chẳng giáo viên nào nhận dạy. Không gửi được con học đại trà, có phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền cao hơn để được gửi con học kèm theo hình thức giáo viên bao trọn gói (vừa dạy học vừa chăm sóc ăn, uống, ngủ, vui chơi cho trẻ).

Nhiều trẻ em ngày càng lười vận động và dùng điện thoại bất chấp ngày đêm (ảnh minh họa, nguồn: Báo Hà Tĩnh)Nhiều trẻ em ngày càng lười vận động và dùng điện thoại bất chấp ngày đêm (ảnh minh họa, nguồn: Báo Hà Tĩnh)

Có vô vàn lý do để cha mẹ muốn gửi con đi học

Nghe phụ huynh chia sẻ mới thấy có vô vàn lý do để họ quyết tâm gửi cho con đi học thêm bằng được. Ngoài những học sinh có lực học yếu, kém buộc cha mẹ phải cho các em đi học để được thầy cô hỗ trợ thêm kiến thức.

Một số em có lực học khá, giỏi cha mẹ muốn con học giỏi hơn. Một số em năm nay vào lớp 1 lại sợ con không theo kịp chương trình vì ai cũng nói kiến thức quá nặng.

Đáng ngạc nhiên hơn, có một số phụ huynh có con năm nay lên lớp 2 nói rằng: “Lớp 1 con học sách mới nhưng có nhiều bài em nhìn vào cũng không hiểu sao con hiểu được? Năm nay con vào lớp 2 nên phải cho đi học thêm chứ nhìn vào sách có nhiều bài thấy khó quá”.

Bài toán lớp 2 sách mới nhiều người lớn phải nghĩ nát óc (Ảnh P.T)

Bài toán lớp 2 sách mới nhiều người lớn phải nghĩ nát óc (Ảnh P.T)

Nói rồi chị cũng thật thà cho biết trước đây chỉ học hết tiểu học. Biết chị có con lớn học lớp 5, chúng tôi gợi ý bài nào không hiểu bảo cô chị giảng cho cô em. Chị trả lời ngay: “Có bài chị cũng không làm được cô ạ”.

Thế nhưng, lý do muốn cho con đi học thêm của chị Thương (một phụ huynh cũ của tôi) có con năm nay vào lớp 5 lại rất khác. Chị nói rằng: “Tôi muốn con đi học để thoát ly cái điện thoại, ở nhà lúc nào nó cũng miệt mài chơi game mà bố mẹ nhắc hoài không nghe. Gia đình tôi bất lực rồi, nó chỉ sợ thầy cô thôi”.

Nhiều trẻ nghiện điện thoại (Ảnh P.T)

Nhiều trẻ nghiện điện thoại (Ảnh P.T)

Lại có không ít phụ huynh xin cho con đi học thêm chỉ có một lý do duy nhất ở nhà không ai quản được, hoặc là chạy nhảy, nghịch ngợm, theo như lời một số ba mẹ là “phá banh nhà”.

Có phụ huynh chẳng ngần ngại gì nói thẳng, thà mất một tháng vài triệu bạc gửi con ở nhà thầy cô suốt ngày còn hơn để chúng ở nhà mình mệt mà chúng hư.

Cha mẹ ôm điện thoại sao con có thể ngồi học được?

Không ít phụ huynh thường than trẻ suốt ngày cầm điện thoại chơi game mà không chịu đọc sách, chơi đồ chơi. Tuy nhiên, có dịp quan sát những đứa trẻ này chúng tôi nhận thấy chính ba mẹ đang làm gương xấu cho con.

Ba mẹ chúi đầu chúi mũi vào điện thoại hoặc say mê xem phim dài tập, sợ con mè nheo nên quẳng cho chúng một cái điện thoại để yên thân.

Đây được xem là bí quyết dụ con hiện nay đã được nhiều bà mẹ áp dụng. Có điện thoại, thế là mấy đứa trẻ xúm lại với nhau chơi miệt mài mà quên cả ăn.

Muốn trẻ không nghiền điện thoại, cha mẹ phải làm gương.

Chị Thủy một phụ huynh cũ của tôi cho biết: “Mỗi ngày vợ chồng em đều thay phiên nhau chơi cùng con. Khi thì chơi đồ hàng, đọc sách, lúc thì kể chuyện. Do tập cho con từ nhỏ nên bé dần có thói quen. Những khi ba mẹ bận, con cũng tự chơi một mình.

Gia đình tôi không cho con cầm điện thoại thường xuyên. Chúng tôi có thỏa ước với con: nếu ngày hôm đó, con ngoan sẽ được cầm điện thoại 20 phút.

Thế là, chúng tôi gài sẵn thời gian, cứ đúng 20 phút đồng hồ nhắc nhở con bỏ điện thoại lại bàn dù trò chơi đang xem dở.

Nói rồi chị Thủy cho biết: “Để đưa con vào nền nếp, ba mẹ nhất định phải làm gương không ngồi cầm điện thoại miệt mài. Bởi, bài học ba mẹ dạy con cầm điện thoại nhiều không tốt, chơi điện thoại nhiều hại mắt, hại não thì không có cớ gì để con thấy mình vi phạm điều đó”.

Có lẽ nhờ phương pháp dạy con khoa học thế mà cậu bé Kiên con của anh chị luôn say mê đọc sách hoặc chơi trò chơi một mình. Một hình ảnh ít thấy của những đứa trẻ con vùng quê tôi hiện nay.

Đỗ Quyên