Muốn thay đổi nguyện vọng vào đại học, thí sinh cần lưu ý 4 điều này

29/08/2020 07:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngay khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp 2020, các thí sinh bắt đầu có những dự định thay đổi nguyện vọng của mình.

Ngày 27/8, thí sinh trên cả nước đã nhận được kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020.Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố kết quả phân tích phổ điểm của kỳ thi năm nay.

Theo đó, điểm trung bình ở phổ điểm của các môn, tổ hợp xét tuyển hầu hết đều tăng. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh đạt trên 27 điểm đổi với tổ hợp xét tuyển truyền thống cũng tăng cao.

Với kết quả ban đầu, theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều thí sinh có ý định thay đổi nguyện vọng để chọn trường, chọn ngành yêu thích phù hợp với điểm số của mình.

Thí sinh Hoàng Thị Quỳnh, học sinh trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) chọn tổ hợp xét tuyển:Toán, Ngữ văn, Tiếng anh.

Trước đó, Quỳnh đã đăng ký 4 nguyện vọng theo thứ tự là ngành Marketing của trường Đại học Kinh tế quốc dân; ngành Quản trị du lịch của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội; ngành Marketing của trường Đại học Thương mại và ngành quản trị du lịch của Đại học Văn hóa Hà Nội.

Sau khi có kết quả thi với số điểm khá cao là 25,45, Quỳnh quyết định giữ nguyên nguyện vọng 1; thay đổi nguyện vọng 2 thành ngành quản trị du lịch của Đại học Kinh tế quốc dân, 2 nguyện vọng cuối cùng chính là nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 ban đầu mà em đã chọn.

Thí sinh có thể điều chỉnh bằng hình thức trực tuyến nếu không bổ sung thêm nguyện vọng (ảnh: Phạm Minh)

Thí sinh có thể điều chỉnh bằng hình thức trực tuyến nếu không bổ sung thêm nguyện vọng (ảnh: Phạm Minh)

Bàn về lý do thay đổi nguyện vọng, Quỳnh chia sẻ “Đại học Kinh tế quốc dân là ngôi trường mơ ước của em. Dựa vào phổ điểm khối D, em nằm trong top hơn 2000 thí sinh có điểm số trên 25 điểm. Em nghĩ mình vẫn có cơ hội cao để xét tuyển vào ngôi trường yêu thích. Chính vì vậy em đổi nguyện vọng 2 vào ngôi trường này”.

Đặng Trung Kiên, học sinh trường trung học phổ thông Bá Thước (Thanh Hóa) lại quyết định thay đổi nguyện vọng 1 của mình.

Chọn tổ hợp 3 môn xét tuyển là Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý, kỳ thi tốt nghiệp tổ hợp này Kiên đạt số điểm 23,5. Trước đó, nguyện vọng 1 của Kiên là ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường đại học Văn hóa Hà Nội.

Tuy nhiên, sau khi biết điểm thi và phổ điểm của tổ hợp môn, Kiên lo lắng điểm chuẩn Đại học Văn hóa sẽ tăng cao. Nam sinh dự định sẽ thay đổi nguyện vọng 1 với trường đại học Thủ đô và vẫn giữ nguyên ngành học yêu thích là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Theo đó, Trung Kiên sẽ lựa chọn điều chỉnh nguyện vọng bằng phương thức nộp phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Giữ nguyên vọng 1, Nguyễn Thị Thu Hiền – học sinh trường trung học phổ thông Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) hi vọng sẽ may mắn trúng tuyển vào ngành học yêu thích và ngôi trường mơ ước.

Tổ hợp 3 môn xét tuyển Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh của Hiền đạt 22,2 điểm. Trước kỳ thi, Hiền đăng ký ba nguyện vọng là ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc của trường đại học Hà Nội; Ngôn ngữ anh của đại học Hà Nội và ngôn ngữ anh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

“Em dự định sẽ thay đổi nguyện vọng 2 sang ngành truyền thông doanh nghiệp của trường đại học Hà Nội. So sánh điểm của những năm trước, em tự tin về nguyện vọng 2 của mình.

Nếu trúng tuyển, em sẽ học bằng kép. Nếu năm nhất kết quả học tập đủ điều kiện thì sang năm 2 em sẽ học thêm ngôn ngữ Hàn Quốc. Như vậy, dù đỗ nguyện vọng 2 thì em vẫn có cơ hội theo đuổi ngành học yêu thích của mình”, Thu Hiền chia sẻ về dự định của mình.

Thay đổi nguyện vọng thí sinh nên lưu ý điều gì?

Sau khi có kết quả của kỳ thi tốt nghiệp 2020, thí sinh sẽ có cơ hội điều chỉnh nguyện vọng chỉ 1 lần duy nhất. Đây chính là cơ hội để giúp các bạn học sinh có thể thay đổi hoặc bổ sung ngành học, trường học yêu thích.

Theo đó, thí sinh có thể lựa chọn một trong hai phương thức là điều chỉnh trực tuyến hoặc điều chỉnh bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Đối với phương thức điều chỉnh trực tuyến, số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không được vượt quá số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển. Thời gian dự kiến cho thí sinh thực hiện thay đổi nguyện vọng là từ 19/9 đến 17g00 ngày 25/9

Với phương thức sử dụng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh có quyền bổ sung thêm nhiều nguyện vọng hơn so với nguyện vọng đã đăng ký ban đầu. Dự kiến, thời gian dành cho thí sinh lựa chọn phương thức này là từ 29/9 đến 17g00 ngày 27/9.

Bàn vấn đề điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó trưởng ban quản lý Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, thí sinh nên căn cứ các yếu tố như điểm thi, phổ điểm năm nay, điểm chuẩn các năm cũng như sở thích của bản thân để chọn ngành học, trường học phù hợp.

Theo đó, Tiến sĩ Thủy nêu ra 4 lưu ý quan trọng đối với các thí sinh.

Thứ nhất, thí sinh cần tìm hiểu kỹ phổ điểm mà bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, sau đó đối chiếu với điểm xét tuyển các ngành của những năm trước ở các trường đại học để xem xét khả năng và cơ hội trúng tuyển của mình.

Theo cô Thủy, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp có phổ điểm tăng cao. Chính vì vậy, các thí sinh không nên quá chủ quan với kết quả của mình dù là đạt điểm số cao.

Thứ hai, thí sinh cần nắm chắc các phương thức và thời hạn điều chỉnh nguyện vọng. Nếu các em không đăng ký thêm nguyện vọng thì có thể dễ dàng điều chỉnh trực tuyến thông qua tài khoản cá nhân của mình đã được cung cấp.

Theo cách này, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng và thay đổi trật tự, thứ tự nguyện vọng đã đăng ký trước đó.

Tuy nhiên, nếu bổ sung thêm nguyện vọng, các em bắt buộc phải thực hiện bằng phiếu điều chỉnh và nộp tại nơi các em đã nộp hồ sơ đăng ký ban đầu.

Thứ 3, thí sinh không nên đăng ký cùng một ngành ở tất cả các trường. Theo cô Thủy, điều này không giúp cơ hội trúng tuyển của thí sinh tăng lên vì đó có thể là ngành thuộc top trên của các trường và là ngành có điểm chuẩn cao.

Thí sinh nên chọn một nhóm gồm những ngành học yêu thích, ngành mình yêu thích nhất sẽ là nguyện vọng ưu tiên số 1, sau đó, tiếp tục đăng ký ngành khác trong nhóm ngành yêu thích ở ngôi trường mơ ước của mình.

Theo cách này, dù nguyện vọng đầu tiên không đạt được, thí sinh vẫn có cơ hội học song song hai chương trình ở ngôi trường mình chọn, học đúng ngành theo đam mê, sở thích.

Thứ tư, các thí sinh nên dành nguyện vọng số1 cho ngành học mình yêu thích nhất. Nếu như vì lo lắng không trúng tuyển mà lựa ngành khác sẽ khiến các em nuối tiếc vì đánh mất cơ hội của mình.

Chính vì vậy, việc bổ sung nguyện vọng hay sắp xếp lại thứ tự ưu tiên ngành học là điều cần được thí sinh cân nhắc kỹ lưỡng.

Phạm Minh