“Muốn sướng sao không lên làm hiệu trưởng?”

07/12/2018 09:38
Băng Thanh
(GDVN) - Khi Ban giám hiệu về hưu trường nào cũng tổ chức buổi chia tay khá linh đình và trọng thể.

LTS: Trong bài viết này, nhà giáo Băng Thanh tiếp tục chỉ ra những chế độ đặc biệt dành cho hiệu trưởng khác với giáo viên.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài viết “Làm hiệu trưởng sướng thật” của tác giả Nguyễn Cao mà thật sự đồng cảm và không khỏi chạnh lòng vì trước giờ nơi chúng tôi vẫn thế.

Chúng tôi xin được bổ sung thêm một số điều “sướng” của cán bộ quản lý ngành giáo dục để mọi người thấy rằng việc phân biệt đối xử ngay trong mối quan hệ đồng nghiệp như thế trong môi trường giáo dục có thật sự nên chăng?

Hiệu trưởng được nhiều chế độ đặc biệt khiến giáo viên so bì. Ảnh minh họa: Pin Art
Hiệu trưởng được nhiều chế độ đặc biệt khiến giáo viên so bì. Ảnh minh họa: Pin Art

Đương nhiệm thì nhà có tang chế cả ngành đều biết

Chuyện tang gia lẽ ra chẳng nên nói, người ta thường có câu “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Khi nhà đồng nghiệp có chuyện buồn đến với nhau cái tình là rất trân quý nhất.

Thế nhưng cách mà nhiều địa phương đang làm hiện nay, phân biệt tang gia nhà giáo viên với cấp quản lý đã giấy lên sự phiền lòng của không ít thầy cô giáo đồng cảnh.

Nhà thầy giáo A và nhà cô hiệu trưởng B ở cạnh ngõ nhau. Bố vợ thầy A mất chỉ có giáo viên trong hai trường (trường vợ thầy và trường của thầy) đến viếng.

“Muốn sướng sao không lên làm hiệu trưởng?” ảnh 2Làm hiệu trưởng…sướng thật

Thế nhưng bố chồng cô hiệu trưởng B mất, ngoài giáo viên trường sở tại nơi cô công tác thì khách đi viếng gần như toàn bộ Ban giám hiệu của các trường trong huyện.

Ba ngày tang gia mà khách khứa cứ ùn ùn tới viếng. Chẳng phải do cô hiệu trưởng ăn ở được lòng mọi người nên gia đình mới đông khách như cách mà không ít người thường nghĩ thế.

Hình như các trường đều có quy ước ngầm, thế nên thông tin nhà Ban giám hiệu có tang thường được đưa lên địa chỉ gmail của các trường trong toàn huyện.

Nếu vì tình nghĩa họ tự đi, tự bỏ tiền cũng chẳng có gì đáng nói.

Nhưng Ban giám hiệu đi phúng viếng lại bằng tiền quỹ của nhà trường. Cứ thế, họ trả nghĩa cho nhau bằng khoản tiền chung ấy.  

Về hưu chia tay tới 2 lần

Khi Ban giám hiệu về hưu trường nào cũng tổ chức buổi chia tay khá linh đình và trọng thể.

May mắn cho giáo viên nào trong trường cũng về hưu cùng thời điểm đó cũng sẽ được “thơm lây”. 

“Muốn sướng sao không lên làm hiệu trưởng?” ảnh 3Chuẩn hiệu trưởng có làm thay đổi điều gì dưới mái trường không?

Có trường kinh tế rủng rỉnh còn cho thêm cả đặc ân “hiệu trưởng, hiệu phó về hưu được phép mời thêm 12 người bạn thân thiết đến chung vui trong bữa tiệc”.

Buổi chia tay, ngoài quà chung của trường, Chi bộ, các tổ chuyên môn còn có quà riêng của những người họ từng nâng đỡ. 

Vài tháng sau, họ tiếp tục được mời đi dự buổi chia tay của ngành tổ chức.

Nói là vài tháng vì ngành nơi chúng tôi giảng dạy quy định một năm sẽ dành đặc ân tổ chức từ 1-2 lần tiệc chia tay cho các cấp quản lý trong địa bàn.

Buổi chia tay này được tổ chức hoành tráng tại một nhà hàng sang trọng nhất của huyện.

Kinh phí bỏ ra chắc chắn không hề nhỏ và chẳng biết họ lấy nguồn nào (vì tiền ngân sách đương nhiên không có khoản chi nào dành cho buổi tiệc về hưu của các sếp).

Bởi ngoài dăm bảy người là cán bộ quản lý về hưu thì dàn khách mời vô cùng hùng hậu đó là Ban giám hiệu tất cả các trường trong địa bàn cùng cán bộ phòng giáo dục, cán bộ cấp huyện có liên quan.  

Trong khi đó, giáo viên khi về hưu lại lặng lẽ nghỉ đôi khi giáo viên trong trường còn không được biết.

Có trường, thầy cô ấy về từ tháng này nhưng phải vài ba tháng sau nhà trường có dịp nào đấy sum họp sẽ mời những thầy cô ấy ghép luôn cho đỡ tốn kém.

Trường sang hơn chút thì làm cái lễ chia tay gọi là cho có để thầy cô khỏi chạnh lòng.

Không ít người cứ mang hai hình ảnh đối lập (giữa Ban giám hiệu và giáo viên) ra phân bì, so sánh rồi để chạnh buồn.

Có người nói theo kiểu mát mẻ “muốn sướng như thế thì lên làm quản lý mà sướng”. 

Băng Thanh