Muốn chấm dứt “văn mẫu, bài mẫu” thì giáo dục phải khơi mở tiềm năng người học

23/08/2021 06:48
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc bắt học sinh phải học thuộc lòng, thầy đọc – trò chép không chỉ là hiện tượng của riêng bộ môn Ngữ văn.

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Riêng với môn Ngữ văn, Bộ trưởng lưu ý cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.

Về vấn đề này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc bắt học sinh phải học thuộc lòng, thầy đọc – trò chép không chỉ là hiện tượng của riêng bộ môn Ngữ văn mà nó còn phản ánh thực trạng các bộ môn văn hóa ở một số trường học mới dừng lại ở mức độ sao chép.

Trong khi mục tiêu của giáo dục đó là phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Điều này cho thấy, không chỉ ở môn Ngữ văn mà các môn văn hóa đều hạ thấp yêu cầu của mục tiêu giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

“Tình trạng này kéo dài dẫn đến việc chúng ta không thực hiện được mục tiêu giáo dục và gây nên tác hại là đào tạo những con người chỉ biết sao chép, không sáng tạo, không chủ động”, thầy Lâm nhận định.

Thầy Lâm cũng phân tích, thang đo Bloom được xem là một công cụ nền tảng để phân loại các mục tiêu và kỹ năng khác nhau mà các nhà giáo dục đặt ra cho học sinh của họ (mục tiêu học tập). Thang đo này chia ra 6 cấp độ học tập được sử dụng để tạo các cấu trúc cho mục tiêu học tập, bài học và đánh giá khóa học theo thứ tự: Ghi nhớ (Remembering) - Hiểu (Understanding)- Áp dụng (Applying)- Phân tích (Analyzing) - Đánh giá (Evaluating) - Sáng tạo (Creating). Như vậy, ghi nhớ là mức độ thấp nhất trong nhận thức.

Trong khi hiện nay, trong thi cử của chúng ta đang cải tiến để học sinh biết vận dụng, phần lớn học sinh đạt điểm cao là do biết vận dụng vào bài kiểm tra, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi trong kiểm tra, đánh giá mới chỉ ở mức “ghi nhớ”, đoán mò vẫn có thể có điểm, chỉ không đạt điểm cao mà thôi.

Để chấm dứt tình trạng học theo văn mẫu, bài mẫu thì thầy Tùng Lâm đưa ra 4 giải pháp.

Trước tiên cần nâng cao nhận thức của người thầy. Người thầy phải xác định được sứ mệnh của mình là phát triển nhân cách, năng lực, phẩm chất của người học. Nếu không thấy được sứ mệnh của người thầy thì không vượt qua được thách thách của giáo dục trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.

Hãy nghe tâm sự của một nhà khoa học nghiên cứu về vật lý và kỹ thuật hàng không, lại từng kinh qua một nhiệm kỳ Tổng thống Ấn Độ (2002 – 2007) – Đó là A.P.J Abdul Kalam nói về nghề dạy học “Nhà giáo là một nghề rất cao quý hình thành nhân cách, năng lực và tương lai của mỗi cá nhân. Nếu mọi người nhớ tôi là một giáo viên giỏi, đó sẽ là vinh dự lớn nhất đối với tôi”. Đóng góp cho Tổ quốc Ấn Độ, đạt tới đỉnh vinh quang như vậy nhưng ông chỉ muốn người ta nhớ mình là một giáo viên giỏi vì ông rất tự hào đây là nghề có sứ mệnh quyết định đến hiện tại, tương lai.

Ở những năm đầu thế kỷ XXI, sứ mệnh người thầy còn phải tham gia chuyển đổi giáo dục như thế nào đây để vượt qua thử thách của thời đại. Giải đáp vấn đề này nhà giáo dục, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ là Stephen Covey (1932– 2012) đã nêu:

“Thách thức lớn nhất của giáo dục ngày nay làm sao khơi mở tiềm năng của tất cả trẻ em để chúng có thể chủ động, dẫn dắt cuộc sống của mình thay vì người khác dẫn dắt, đây là mấu chốt của chuyển đổi giáo dục. Mỗi đứa trẻ mang trong mình một tiềm năng tới thế giới và sức mạnh để lựa chọn sử dụng tiềm năng đó thế nào, nhiệm vụ của giáo dục là giúp đỡ mỗi đứa trẻ đưa ra quyết định cho chính mình”.

Điều này cho thấy, việc bắt học sinh ghi nhớ sẽ khiến học trò không phát triển tư duy sáng tạo thì rõ ràng nền giáo dục không đáp ứng yêu cầu đổi mới, không theo kịp xu hướng đổi mới giáo dục của thế giới.

Thứ hai, đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp, quan điểm giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh. Nếu cách dạy học lâu nay là “nhai lại” sách giáo khoa thì giờ đây phải thay đổi, phải tổ chức lại cách dạy học làm sao để phát triển năng lực của học trò.

Thứ ba, đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm phải thay đổi để sinh viên ra trường có thể thực hiện được sứ mệnh người thầy. Công tác quản lý ở mỗi nhà trường phải đi đầu trong đổi mới giáo dục để hỗ trợ cho giáo viên vì một mình giáo viên không thể thực hiện được sứ mệnh đổi mới giáo dục.

Cuối cùng, thầy Lâm cho rằng, cách kiểm tra, đánh giá thường xuyên hiện nay cần phải tăng cường vận dụng. Đơn cử ở môn Ngữ văn, đề thi nên sử dụng kiểu đề mở để học sinh tự lựa chọn những ngữ liệu văn học mà các em thích thú nhằm chứng minh cho những luận điểm. Còn đề thi nghị luận xã hội nên cho học sinh được chọn tác phẩm văn học, gương người thật việc thật trong đời sống để chứng minh.

Tóm lại đề thi của các môn Khoa học xã hội chú ý đến tư duy, khích lệ học sinh bộc lộ cảm xúc và đưa ra giải pháp sáng tạo của bản thân còn đề thi của các bộ môn Khoa học tự nhiên cần chú ý để học sinh vận dụng kiến thức khoa học cơ bản để giải quyết những vấn đề đời sống.

“Chừng nào đề thi giải quyết vấn đề rèn tư duy và gắn việc học với đời sống thực tế thì mới đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục và giải được bài toán thách thức lớn của cách mạng công nghiệp 4.0”, thầy Lâm nhấn mạnh.

Nói như vậy để thấy, muốn chấm dứt tình trạng “văn mẫu, bài mẫu” thì cần có chỉ đạo mang tính hệ thống, mà điều tiên quyết là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thay đổi hướng dẫn trong cách dạy học, thi cử hiện nay vì cách tổ chức thi, cách hỏi trong các đề thi sẽ quyết định cách đổi mới trong dạy và học của mỗi nhà trường.

Thực trạng học theo văn mẫu, bài mẫu nên "sách văn mẫu" bán rất chạy

Đồng tình với quan điểm của thầy Tùng Lâm, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thu Trang – giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, hiện nay thực trạng học theo văn mẫu, bài mẫu của học sinh nói chung đang ở mức khá phổ biến. Không thể phủ nhận rằng, việc học theo văn mẫu sẽ giúp học sinh làm bài rất nhanh, ôn thi nhanh hơn. Vì thế, thật dễ dàng thấy sách văn mẫu bán rất chạy và nhiều học sinh trang bị như một bí quyết vượt qua môn Văn dễ dàng.

Tuy nhiên, hậu quả mà lối học này mang lại thì đáng để nhiều thầy cô suy ngẫm. Nguyên nhân do việc học thụ động và lối giảng dạy truyền thống, chưa lấy người học làm trung tâm và kiến thức thi cử khá nặng nề nên nhiều học sinh chạy theo lối “học vẹt, học chay” này để đối phó.

cô Nguyễn Thu Trang – giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI (ảnh: NVCC)

cô Nguyễn Thu Trang – giáo viên Ngữ văn của Hệ thống giáo dục HOCMAI (ảnh: NVCC)

Theo cô Trang đánh giá, thực trạng học theo văn mẫu sẽ khiến các em học sinh dần mất đi khả năng tư duy, năng lực ngôn ngữ trong cách tạo lập văn bản. Các em sẽ bị gò bó vào một khuôn mẫu nhất định, công thức nên sự linh hoạt, giải quyết tình huống với các đề bài khác nhau sẽ giảm đi nhiều.

Hãy thử nghĩ xem, cứ cho học sinh học theo văn mẫu với vài kiểu mở bài theo công thức như “Trong các tác phẩm viết về…., em ấn tượng nhất với bài….” thì sẽ có hàng loạt bài làm giống nhau. Như vậy, rất khó khăn trong việc đánh giá cũng như học sinh không còn hứng thú học môn Văn nữa.

“Một môn học quan trọng hình thành năng lực ngôn ngữ, tư duy và bồi dưỡng tình cảm, truyền cảm hứng cho học sinh bỗng chốc trở nên khô cứng, đóng khuôn thành các bài văn mẫu. Hơn nữa, việc học theo văn mẫu, bài mẫu sẽ làm học sinh mất đi khả năng sáng tạo, nêu ý kiến bản thân, tranh luận, bày tỏ quan điểm. Tư duy phản biện của học sinh theo đó không được hình thành từ việc học theo văn mẫu. Hay nghiêm trọng hơn là lối học này rất khó để đánh giá toàn diện học sinh cũng như phát triển năng lực cho học sinh theo yêu cầu ngày càng phát triển của xã hội”, cô Trang phân tích.

Để chấm dứt tình trạng học trò học theo văn mẫu, cô Trang cho rằng, không phải một sớm một chiều, cũng không phải chỉ đến từ phía học sinh mà thiết nghĩ cũng là trách nhiệm của cả những nhà giáo dục, bậc cha mẹ nữa.

Đối với nhà trường, thầy cô cần nâng cao sự đánh giá môn Văn học sinh qua nhiều hình thức (thuyết trình, dự án, bài viết…) chứ không chỉ một vài bài làm văn, đồng thời đổi mới cách ra đề sáng tạo hơn chứ không dập khuôn trong kiến thức sách vở.

Có thể gia tăng các câu hỏi liên hệ đời sống xã hội, đọc hiểu cho học sinh và thay đổi cả cách ra đề phần Tập làm văn. Thay bằng những đề đã quá quen thuộc như “Kể lại một kỉ niệm thời thơ ấu của em” hay “Miêu tả một cây ăn quả em yêu thích” bằng cách ra đề sáng tạo “Giả sử em ngồi trên cỗ máy thời gian của Doraemon con sẽ chọn quay về thời điểm nào trong quá khứ, em hãy kể lại câu chuyện trong thời điểm đó” hay “Tưởng tượng em là giọt sương trong khu vườn sớm mai thức dậy, em hãy tả lại quang cảnh khu vườn dưới góc nhìn của giọt sương nhé”.

Hay thay vì ra đề nghị luận phổ biến “Bàn luận về hậu quả của mạng xã hội” có thể đưa ra ý kiến để học sinh bày tỏ quan điểm “Có ý kiến cho rằng học sinh trung học cơ sở không nên sử dụng mạng xã hội. Em có đồng ý không? Tại sao?”.

Mặt khác, học sinh cũng nâng cao ý thức tự chủ, tự giác trong việc học Văn, tự tìm ý và trang bị kiến thức, kĩ năng làm bài dưới sự hướng dẫn của thầy cô để thoát ly dần lối học “chạy theo văn mẫu”.

Có như vậy, việc học Văn mới cải thiện từ căn nguyên gốc rễ, hướng đến phát triển năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ cho học sinh. Đồng thời, các em học sinh cũng nên đọc nhiều sách để trau dồi kiến thức, vốn từ vựng và mở ra cho mình nhiều cơ hội học tập.

Thùy Linh