Mục tiêu trường chuyên có mâu thuẫn với sứ mệnh giáo dục con người?

05/07/2020 06:35
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục đích đào tạo nhân tài của hệ thống trường chuyên ở Việt Nam hiện nay đang mâu thuẫn với mục tiêu và sứ mệnh đào tạo con người trong giáo dục.

Về mặt từ ngữ, theo tôi hiểu cách nói “bán trường chuyên” của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành thực ra là muốn tư nhân hóa hệ thống này chứ hoàn toàn không phải phủ nhận thành quả hay “xóa sổ” mô hình đào tạo này.

Nếu không sa đà vào chuyện bắt bẻ câu chữ có phần trần trụi và “cực đoan” thì quan điểm và lập luận của ông là những gợi mở rất thú vị.

Và nếu cầu thị và chân thành hơn nữa, tôi cho rằng đây chính là cơ hội để tất cả chúng ta cùng “soi” lại những tồn tại và bất cập của hệ thống giáo dục phổ thông không riêng gì các trường chuyên ở Việt Nam trong bối cảnh ngành giáo dục đang tiến hành “đổi mới căn bản và toàn diện”.

Mục tiêu trường chuyên có mâu thuẫn với sứ mệnh giáo dục con người? ảnh 1Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)

Phẩm giá quan trọng hơn kiến thức, kỹ năng

Trước hết, tôi muốn dẫn lại đây quan niệm về mục tiêu và sứ mệnh của giáo dục của bác học Albert Einstenin để tất cả chúng ta cùng tham khảo và nhìn lại những việc mà ngành giáo dục của chúng ta đang làm:

“Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ. Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá.

Điều quan trọng là anh ta phải được dạy để có một cảm thức sống động về cái gì đáng được phấn đấu trong cuộc đời. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp cái gì là thiện.

...

Anh ta cần phải học để hiểu được những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và những nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như với cộng đồng.”[1]

Nếu chúng ta thống nhất với nhau rằng, mục tiêu và sứ mệnh quan trọng nhất của giáo dục nói cho cùng là giúp con người ngày một hoàn thiện hơn về phẩm giá thì nhìn chung giáo dục ở Việt Nam hiện nay đang bị lệch về một bên.

Điều này có lẽ không phải bàn cãi vì thời gian chúng ta đã được nghe quá nhiều lời than phiền về việc nền giáo dục của chúng ta chỉ chú tâm vào việc nhồi nhét kiến thức phục vụ cho các kỳ thi. Hay nói nôm na là chỉ tập trung vào việc “dạy chữ hơn dạy người”.

Và sự lệch này diễn ra rõ nhất là ở hệ thống các trường chuyên ở Việt Nam hiện nay.

Vì để phục vụ cho các kỳ thi (nhất là các kỳ thi quốc tế nhằm nâng cao “hình ảnh quốc gia”) các môn học về khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa…) đang được các phụ huynh định hướng cho con em mình; còn các trường chuyên cũng chú trọng đầu tư nhiều hơn so với việc đầu tư cho các môn về khoa học xã hội và nghệ thuật (Văn, Sử, âm nhạc, mỹ thuật,…).

Sự học lệch này, xét về phương diện tâm lý và văn hóa là rất nguy hiểm. Vì các môn khoa học xã hội và nghệ thuật là con đường để các em từng bước khám phá thế giới tinh thần, thế giới nội tâm của bản thân và cộng đồng, dân tộc nhưng lại ít được đầu tư, quan tâm.

Sự học lệch ấy, có thể giúp các em sau này trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực nào đó với những phát minh, phát kiến để tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhưng chưa chắc đã có sự phát triển lành mạnh về tâm hồn; hay có một đời sống cá nhân an yên và hạnh phúc.

Một cá nhân nếu những vấn đề của bản thân không được giải quyết thì khó mà có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, dân tộc.

Ngược lại, nếu một cộng đồng, dân tộc chỉ biết thụ hưởng những giá trị được tạo ra bởi một cá nhân nhưng lại bỏ mặc anh ta loay hoay với những khuyết tật trong tâm hồn thì đó là một cộng đồng hời hợt và không xứng đáng.

Giáo dục suy cho cùng là quá trình tôn tạo và sáng tạo các giá trị văn hóa trong quá khứ và hiện tại.

Thế nhưng đáng tiếc thay, vấn đề này rất ít được quan tâm trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó, lịch sử trưởng thành và phát triển của một cộng động, quốc gia, dân tộc chưa bao giờ được nhìn nhận và quyết định bằng sức mạnh vật chất thuần túy mà chủ yếu thông qua sức mạnh tinh thần, qua chiều sâu và nội lực văn hóa của mỗi cá nhân trong sự tiếp nối và kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thế nên, với cách thức tuyển chọn và đào tạo “nhân tài” của các trường chuyên ở Việt Nam hiện nay thì rất khó để xã hội an tâm về tâm thế “phục vụ đất nước” sau này.

Nói cách khác, nếu mục đích của các trường chuyên chỉ chăm chăm vào việc tuyển chọn những con gà chiến để mang ra thi thố kiến thức và kỹ năng thuần túy thì đó không những rất sai lầm mà trước hết đang mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục “con người toàn diện” mà Nhà nước đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

“Nhân tài” ở trường chuyên hay là sự áp đặt và “bệnh thành tích” của thế giới người lớn?

Cá nhân tôi luôn ủng hộ cần có những ngôi trường chuyên với ý nghĩa qua đó kịp thời phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân có những tố chất đặc biệt, năng khiếu bẩm sinh về một lĩnh vực nào đó như một sự chuẩn bị tốt nhất để đất nước có những thế hệ kế thừa bền vững.

Bởi đây là một thực tế và nhu cầu chính đáng của con người và xã hội.

Tuy vậy, với những gì đang diễn ra trong đa phần các trường chuyên ở Việt Nam hiện nay (từ cách tư duy đến cách thức tổ chức mô hình này) tôi cho rằng, ý nghĩa trên đang được/bị nhìn nhận và diễn giải khác đi.

Từ đây, tôi cho rằng những lập luận trường chuyên là nơi đào tạo “nhân tài” nhằm “phục vụ đất nước” rất cần phải xem xét lại:

Thứ nhất, các em học sinh phổ thông dù sao vẫn chưa có sự phát triển toàn diện về tâm sinh lý và đương nhiên các em vẫn đang phụ thuộc mọi thứ vào thế giới người lớn chứ chưa tự đi bằng chính đôi chân của mình.

Vậy nên, tài năng của các em nên chăng cần được khu biệt trong phạm vi lứa tuổi chứ không nên chủ yếu được nhìn qua sự kỳ vọng và tham vọng của thế giới người lớn (cha mẹ, thầy cô…).

Một khi người lớn nghĩ rằng con em mình là “nhân tài” của đất nước nên “định hướng” các em phải vào các trường chuyên lớp chọn thì không những là sự áp đặt mà còn vô tình tạo ra một áp lực về tâm lý rất nặng nề cho các bạn trẻ.

Hoặc không thì vô tình tạo ra sự ảo tưởng về bản thân của chính các em trong mối quan hệ với bạn bè cùng trang lứa.

Thứ hai, chúng ta có quyền tự hào về thành tích học tập của học sinh Việt Nam qua các giải thưởng quốc tế nhưng xin đừng nhân danh.

Bởi lẽ “tầm vóc trí tuệ” hay “vị thế” và “hình ảnh quốc gia, dân tộc” không thể và không nên chỉ nhìn nhận qua các giải thưởng quốc tế mà các em học sinh chưa qua 18 đạt được.

Đáng tiếc thay đây lại là một thực tế phổ biến ở Việt Nam.

Đây là gì nếu không phải là biểu hiện của căn bệnh thành tích nếu không muốn nói là sự ích kỷ của thế giới người lớn khi bắt các em học sinh phải dành cả thanh xuân để làm “đẹp mặt” cho không những gia đình dòng tộc mà còn cho cả dân tộc, quốc gia?

Trong khi đó, nhìn nhận những giải thưởng này, các nước có nền giáo dục phát triển chỉ thuần túy xem đó là “cuộc chơi riêng của bọn nhóc”.

Điều họ quan tâm là cảm xúc và tư duy của các em đã được chuẩn bị và tiến triển như thế nào sau khi đã kết thúc chặng đường giáo dục phổ thông.

Cuối cùng, thực tế việc tổ chức và vận hành hệ thống trường chuyên ở Việt Nam hiện nay đã và đang tạo ra một sự ganh đua ngầm giữa không chỉ các em học sinh mà còn trong đội ngũ giáo viên phổ thông.

Các giáo viên giảng dạy ở các trường chuyên một mặt lấy đó làm niềm vinh dự, tự hào thậm chí là ảo tưởng nhưng mặt khác cũng đang chịu một áp lực tâm lý rất nặng về từ các lãnh đạo địa phương về thành tích.

Thay lời kết

Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục phổ thông là vun đắp và bồi dưỡng thế giới tinh thần cho những đứa trẻ chưa trưởng thành để chuẩn bị lộ trình để các em phát triển cân bằng và hài hòa trước khi trở thành công dân chính thức và tự đi trên chính đôi chân của mình mà không cần phải vịn vào người khác.

Và dù là chuyên hay không chuyên thì mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục giai đoạn này là làm sao giúp các bạn trẻ tự khám phá và nhận ra cái năng khiếu, năng lực riêng của bản thân.

Quan trọng hơn là được trải nghiệm trong một môi trường giáo dục mà ở đó các em được là chính mình với những suy nghĩ, ước mơ chính đáng, hồn nhiên, vô tư không bị áp đặt bởi cái nhìn định kiến hay những toan tính từ thế giới người lớn.

Nếu đi chệch khỏi mục tiêu này thì mọi sự lý giải về việc đào tạo “nhân tài” nhằm “phục vụ đất nước” nếu không là ngụy biện thì cũng khó mang lại hiệu quả và thành công như mong muốn.

Bởi vì, mục đích đào tạo “nhân tài” này đang mâu thuẫn với mục tiêu và sứ mạng trong đào tạo con người của giáo dục nói chung.

Ngoài ra, muốn có nhân tài đích thực thì sự khai phóng và tự do trong thế giới tinh thần của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng nhất mà giáo dục phải hướng đến.

Chú thích nguồn tham khảo:

[1]: Albert. Einstenin (2007),“Thế giới như tôi thấy”, Nhà xuất bản Tri thức.

Nguyễn Trọng Bình