Mục tiêu của GS. Lê Vinh Danh đối với Trường Tôn Đức Thắng đã thành hiện thực

03/09/2021 14:10
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương - Nguyên Phó trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện thành công mục tiêu trong vòng tròn 13 năm (tính đến thời điểm chốt dữ liệu là tháng 8/2020), sớm hơn dự kiến 17 năm.

Vừa qua, Tổ chức xếp hạng giáo dục đại học của Thời báo Times (THE - Times Higher Education), Vương quốc Anh công bố Bảng xếp hạng các đại học hàng đầu thế giới năm 2022 (THE World University Rankings 2022). Một kết quả rất đáng mừng và vinh dự cho cả nền giáo dục đại học Việt Nam là đã có 5 trường được THE xếp hạng; trong đó lần đầu tiên có 2 trường lọt vào Top 500 thế giới.

Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được THE xếp hạng gồm: Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân xếp hạng trong nhóm 401-500, vị trí tốt nhất đối với các trường đại học Việt Nam trong bảng xếp hạng này từ trước đến nay; Đại học Quốc gia Hà Nội ở vị trí Nhóm 1001-1200; Trường đại học bách khoa Hà Nội và Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng ở nhóm 1200+.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được THE xếp hạng năm 2022

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được THE xếp hạng năm 2022

Trong Bảng xếp hạng năm 2021 thì chỉ có 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được Tổ chức này xếp hạng, gồm: Đại học quốc gia Hà Nội xếp (vị trí 801-1000); Trường đại học bách khoa Hà Nội và Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng ở nhóm 1000+.

Với Bảng xếp hạng 2022, lần đầu tiên Trường đại học Tôn Đức Thắng và Trường đại học Duy Tân được THE xếp hạng và cao hơn 300 bậc so với thứ hạng tốt nhất mà Việt Nam có được năm 2021. Điều đáng nói là cả 2 trường đại học này đều không dùng ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Trường đại học Duy Tân là trường đại học tư thục còn Trường đại học Tôn Đức Thắng là trường đại học được tự chủ toàn diện từ năm 2008 đến 2020.

THE World University Rankings được coi là một bảng xếp hạng đại học uy tín và toàn diện nhất thế giới. Năm nay có hơn 1600 cơ sở giáo dục đại học thuộc 99 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng. Các tiêu chí được Bảng xếp hạng này sử dụng bao gồm: Giảng dạy (30%), Nghiên cứu (30%), Trích dẫn (30%), Triển vọng quốc tế (7.5%), và Thu nhập ngành (2.5%).

Dữ liệu để thực hiện cho xếp hạng năm 2022 được thu thập từ năm 2020 trở về trước; và lấy 5 năm liên tục trước đó. Cụ thể là xếp hạng 2022, thì dữ liệu được lấy trong giai đoạn từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2020.

Với Trường Đại học Tôn Đức Thắng, từ tháng 8/2007, Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Nhà trường đã đặt ra mục tiêu Trường đại học Tôn Đức Thắng vào vào được vị trí TOP 500 thế giới trong vòng 30 năm (2007-2037). Vào thời điểm đó, với vị trí là một đại học bán công, không nhận đầu tư trực tiếp từ ngân sách, không có vốn góp hay tài trợ của tư nhân, cơ sở vật chất nhỏ, bé, không uy tín và đội ngũ chuyên môn quá mỏng, thì đây quả là một giấc mơ vĩ đại. Chính vì đặt ra một giấc mơ quá lớn, trong khi các đại học khác trong nước chưa dám nghĩ đến nên Giáo sư Lê Vinh Danh đã cẩn thận đưa ra thời gian để phấn đấu là 30 năm.

Nhưng nay với kết quả này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện thành công mục tiêu của mình trong vòng tròn 13 năm (tính đến thời điểm chốt dữ liệu là tháng 8/2020), sớm hơn dự kiến 17 năm.

Lúc đặt ra mục tiêu xếp hạng TOP 500 thế giới trong vòng 30 năm bởi ARWU, THE hoặc QS, Giáo sư Lê Vinh Danh đã lấy cảm hứng từ mô hình phát triển của Đại học hoàng gia Chulalongkorn, một trường đại học chuẩn và đứng số 1 Thái Lan lúc đó. Lúc đó, đại học này đang được xếp TOP 50 Châu Á và TOP 500 thế giới.

Ảnh minh họa: T.L

Ảnh minh họa: T.L

Khi can đảm đặt ra mục tiêu phải xây dựng Trường đại học Tôn Đức Thắng vào TOP 500 đại học tốt nhất thế giới, vào lúc ấy Giáo sư Lê Vinh Danh bị nhiều sự chống đối đã đành mà đến nay, cũng không phải chuyện đó đã chấm dứt. Nhiều người không hiểu một đại học thực sự là thế nào dễ nghĩ rằng đại học cũng là trường học, và chỉ cần tuyển sinh, dạy dỗ cho tốt để người học có việc làm là đủ.

Không có nhiều người biết đại học phải là cái nôi suy nghĩ, cái nôi sáng tạo của quốc gia và nhân loại, nơi phải có phát kiển mới mỗi ngày; tạo giá trị mới mỗi ngày. Do đó, nó phải là môi trường mà ở đó sáng tạo khoa học, công nghệ, công bố quốc tế và chất lượng của nó là trích dẫn khoa học phải được coi trọng còn hơn chất lượng giáo dục bởi chính nó quyết định chất lượng giáo dục.

Cho nên không có gì ngạc nhiên khi cho đến hiện nay vẫn có người, từng gắn bó với Trường đại học Tôn Đức Thắng cho rằng việc coi trọng xếp hạng đại học và dành nhiều nguồn lực cho công bố quốc tế và trích dẫn nhằm đạt mục tiêu này của Giáo sư Danh là "háo danh”.

Trong khi đối với thế giới, không thể thiếu xếp hạng đại học thế giới; bởi nếu không có nó, thì phụ huynh và học sinh dựa vào đâu để biết đại học nào là tốt mà chọn trường học? Quốc gia và doanh nghiệp dựa vào đâu để biết đại học nào mạnh mà đầu tư? Đại học nào có khả năng nghiên cứu phát triển để đặt hàng? Giới chuyên gia, học thuật lấy cơ sở nào để biết đâu là đại học tốt để giao lưu, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu hay dự tuyển việc làm? Còn nhà đầu tư (doanh nghiệp hay nhà nước) lấy tiêu chí nào để biết đại học đó quản trị hiệu quả, phát triển tốt hay không tốt?...

Trong bảng xếp hạng năm nay của THE, chỉ số trích dẫn của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tương đương với Đại học Harvard (99,3 và 99,2).

Việc Trường đại học Tôn Đức Thắng vào TOP 500 thế giới qua xếp hạng của THE không phải là điều bất ngờ hay ngẫu nhiên. Nó là một quá trình phấn đấu lâu dài suốt từ tháng 8/2007 đến tháng 8/2020. Dữ liệu và những thành quả đúc kết của 13 năm hoạt động của Tập thể nhà trường dưới sự lãnh đạo của Hiệu trưởng Lê Vinh Danh trong suốt thời gian nói trên; với triết lý phụng sự, làm việc năng suất và hết mình và sự quản trị đại học xuất sắc...khiến thứ hạng này là kết quả có tính tất nhiên.

Mọi thành công lớn đều gắn liền với vai trò rất rõ ràng của cá nhân lãnh đạo. Sự thành công của Trường đại học Duy Tân không thể tách rời sự lãnh đạo xuất sắc của Anh hùng lao động, Nhà giáo Lê Công Cơ; cũng như sự thành công của Trường đại học Tôn Đức Thắng về mọi mặt trong giai đoạn 2007-2020 không thể tách rời vai trò của Giáo sư Lê Vinh Danh.

Chính từ tầm nhìn và sự lãnh đạo xuất sắc của Giáo sư Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Nhà trường giai đoạn 2007-2020, là nhân tố quyết định kết quả nảy. Khi nhìn và nói về những thành tựu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hãy luôn nhớ đến Giáo sư Lê Vinh Danh, nhà quản trị tài ba, người Thuyền trưởng vĩ đại cho sự phát triển thần kỳ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Câu dẫn của Giáo sư Lê Vinh Danh: “Hãy đi, sẽ đến! Hãy gõ, cửa sẽ mở…” đã và đang luôn là niềm cảm hứng cho những khát vọng vươn cao, vươn xa của nhiều lớp giảng viên, người học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng và cả nước.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương - Nguyên Phó trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng)